Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Muỗi Aedes aegypti gây nên bệnh gì?

Ngày 17/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Muỗi Aedes có kích thước nhỏ, có sọc đen trắng hoặc nâu đen, trên cơ thể tạo thành các khoang đen, trắng, nâu và bay rất nhanh. Muỗi Aedes sinh sản vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 độ C. Vậy muỗi Aedes aegypti gây nên bệnh gì?

Muỗi Aedes aegypti hay còn được gọi là muỗi vằn có tỉ lệ sinh sôi rất cao vì môi trường sinh sản chính của chúng là ở trong nước. Loại muỗi này mang virus sốt xuất huyết Dengue và truyền bệnh từ người này sang người khác bằng cách cắn và hút máu người.

Muỗi Aedes aegypti thường sinh sống ở đâu?

Môi trường ưa thích của muỗi Aedes aegypti là ở những nơi có nhiều người sinh sống như đô thị. Muỗi có vòng đời được mô tả như sau:

  • Muỗi đẻ trứng vào các dụng cụ có chứa nước, đặc biệt là những vũng nước đọng lại ở trong nhà và khu vực xung quanh nhà ở như thùng, chậu bỏ không, rác thải, lốp xe hỏng, chai lọ,...
  • Trứng sau khi nở sẽ được tiếp xúc ngay với nước. Trứng muỗi có khả năng sinh tồn khá cao, có thể sống và tồn tại trong điều kiện rất khô và kéo dài nhiều tháng liên tục.
  • Trong môi trường thuận lợi, chỉ từ sau 1 đến 3 ngày thì trứng sẽ phát triển thành bọ gậy.
  • Bọ gậy sẽ phát triển thành loăng quăng trong vòng từ 5 đến 8 ngày.
  • Sau khoảng 2 đến 3 ngày tiếp theo, loăng quăng sẽ lớn lên thành muỗi non, rồi phát triển thành muỗi trưởng thành.
muoi-aedes-aegypti-gay-nen-benh-gi 1.jpg
Muỗi Aedes aegypti hay còn được gọi là muỗi vằn có tỉ lệ sinh sôi rất cao

Chu kỳ này kéo dài từ 10 đến 15 ngày và được lặp đi lặp lại: Muỗi trưởng thành đẻ trứng, chúng phát triển thành bọ gậy, loăng quăng rồi lại thành muỗi. Muỗi cái sẽ đẻ tối đa 5 lần trong đời, mỗi lần hàng chục quả trứng được sinh ra.

Muỗi trưởng thành thường sống ở những nơi tối trong nhà như tủ quần áo, gầm giường, sau rèm, trong mùng, trên lọ hoa…, vì ở những nơi này muỗi có thể tránh gió mưa, giúp chúng sống lâu hơn. Chúng thích đẻ trứng trong các thùng chứa nước sạch và những nơi nước đọng như: Lốp xe, chậu cây và rác thải xung quanh nhà. Chúng thường đốt người vào ban ngày, cao điểm vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Chỉ có muỗi cái mới cắn người vì chúng cần protein để đẻ trứng. Các vết muỗi đốt sẽ gây ngứa, đỏ và thậm chí để lại sẹo.

Muỗi Aedes aegypti gây nên bệnh gì?

Hai loài muỗi thuộc chi Aedes là Aedes albopictus và Aedes aegypti. Đây chính là tác nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Aedes albopictus ít có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết nên khi nhắc đến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, người ta thường tập trung vào Aedes aegypti.

Virus sốt xuất huyết không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, sau khi bị nhiễm virus và phát sốt, bệnh nhân có thể trở thành nguồn lây lan virus sang người khác qua những con muỗi. Người nhiễm bệnh là người truyền bệnh từ nước này sang nước khác hoặc từ vùng này sang vùng khác trong khoảng thời gian virus lưu hành và nhân lên trong máu họ.

Muỗi Aedes aegypti cái sau khi hút máu bệnh nhân bị nhiễm virus sốt xuất huyết thì nó cũng sẽ bị nhiễm virus. Thời gian ủ bệnh của muỗi khoảng 10 đến 12 ngày. Đây là thời gian để virus nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời gian này, muỗi đã hoàn toàn bị nhiễm virus và có thể truyền virus sốt xuất huyết sang những người khỏe mạnh khác khi hút máu.

Mặt khác, khi quá trình hút máu bị gián đoạn thì muỗi Aedes cũng có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng cách thay đổi vật chủ. Việc muỗi hút máu nhiều lần có thể giải thích tính bùng nổ tự nhiên của đợt bùng phát dịch bệnh vì số lượng muỗi cái được tìm thấy trong ổ dịch thấp.

muoi-aedes-aegypti-gay-nen-benh-gi 2.jpg
Muỗi Aedes cũng có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng cách thay đổi vật chủ

Khả năng truyền virus sang người khỏe mạnh được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời gian nhiễm virus huyết. Nhiễm virus huyết có thể xảy ra từ 6 đến 18 giờ trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện. Vì vậy, người bệnh là nguồn lây nhiễm từ trước khi hết sốt đến khi hết sốt, trung bình khoảng 6 đến 7 ngày. Vì vậy đối với người bệnh sốt xuất huyết, khi phát hiện bệnh nên nằm trong mùng để tránh trở thành nguồn lây nhiễm cho những người xung quanh.

Hiện nay, do chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu nên chúng ta chỉ có thể dựa vào các đường lây truyền để chủ động phòng bệnh hoặc chỉ có thể sử dụng các loại thuốc khác để giảm triệu chứng. Đặc biệt, những người chưa phát bệnh nhưng sống ở vùng có dịch phải chủ động hơn nữa để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết lây lan thành đại dịch.

Cách phòng ngừa virus sốt xuất huyết

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế đã kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để tiêu diệt ấu trùng bọ gậy, loăng quăng xung quanh nhà và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  • Kiểm tra, phát hiện và tiêu diệt ấu trùng trong các vật chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên vệ sinh, đậy kín nắp bể, vật chứa nước và thả cá để diệt ấu trùng.
  • Thường xuyên thay nước trong bình hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cá, hòn non bộ, khay đựng nước thải tủ lạnh…
  • Loại bỏ phế liệu chất thải như chai, lọ, chậu…, các vũng nước tự nhiên, lật lại những vật dụng không sử dụng có thể chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng.
muoi-aedes-aegypti-gay-nen-benh-gi 3.jpg
Bạn nên lật lại những vật dụng không sử dụng có thể chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng
  • Ngủ trong mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt, mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc xịt muỗi, nhang muỗi, kem đuổi muỗi, vợt muỗi điện… để diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động như diệt ấu trùng, bọ gậy, loăng quăng, phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.
  • Khi có dấu hiệu sốt bạn nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay. Đừng tự ý điều trị tại nhà.

Trên đây là lời giải đáp cho thắc mắc muỗi Aedes aegypti gây nên bệnh gì mà các bạn có thể tham khảo. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loại muỗi này cũng như cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm