Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nang tuyến giáp là gì ? Nang tuyến giáp có nguy hiểm không?

Ngày 14/07/2023
Kích thước chữ

Nang tuyến giáp là một tình trạng bệnh lý thường xảy ra ở nữ giới với tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 15 - 20 lần so với nam giới. Chính vì tỷ lệ mắc bệnh cao nên nhiều chị em phụ nữ cũng đặt ra câu hỏi rằng: "Nang tuyến giáp có nguy hiểm không?".

Nếu bạn đang bối rối vì chưa biết rõ về các vấn đề có liên quan đến nang tuyến giáp thì hãy theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu hơn về các vấn đề này nhé!

Nang tuyến giáp là gì?

Nang tuyến giáp hay còn được gọi là u nang tuyến giáp, là một khối u được phát triển ở tuyến giáp khi có sự tăng sinh bất thường của một vùng mô nào đó thuộc tuyến giáp. Bên trong khối u này có chứa chất dịch lỏng với kích thước từ vài mm cho đến vài cm tùy vào từng trường hợp cụ thể. Với hầu hết các trường hợp nang giáp có kích thước nhỏ đều là khối u lành tính. Tuy nhiên, một số trường hợp khác ít phổ biến hơn có thể là u nang ác tính.

Nang tuyến giáp là gì và nang tuyến giáp có nguy hiểm không? 1
Nang tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi các mô tuyến giáp tăng sinh bất thường

Bệnh nang tuyến giáp thường gặp hơn ở những người có độ tuổi từ 40 - 60 và phổ biến nhất là xảy ra ở phụ nữ. Hầu hết các trường hợp, người bị nang tuyến giáp sẽ không thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, đối với nang tuyến giáp có kích thước lớn, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng, bao gồm:

  • Khó nuốt và nuốt nghẹn;
  • Bị khàn tiếng và đau họng;
  • Đau vùng cổ;
  • Khi dùng tay sờ có cảm giác thấy khối u ở dưới da vùng cổ, thấy một phần cổ to hơn và gây mất thẩm mỹ.

Bệnh nang tuyến giáp có nguy hiểm không?

Thông thường, các u nang tuyến giáp có kích thước khá nhỏ và không gây ra triệu chứng nào biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên, đối với những nang tuyến giáp có kích thước lớn thì người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như nuốt nghẹn, khó nuốt hoặc có thể sờ thấy được khối u ở ngay dưới lớp da cổ.

Về hình thái, nang tuyến giáp được chia thành 2 loại là u nang đơn tuần và u nang hỗn hợp. Trong trường hợp là u nang đơn thuần thì nang chỉ chứa phần dịch và có tỷ lệ ung thư rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,3% trường hợp. 

Ngược lại, nếu là u nang hỗn hợp thì bên trong nang có thành phần đặc và có tỷ lệ ung thư chiếm 1,5% trường hợp. Có một số ít trường hợp nang tuyến giáp phát triển nhanh một cách bất thường và có kèm theo dấu hiệu chảy máu trong nang, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh với triệu chứng nuốt khó, đau vùng trước cổ…

Tỷ lệ lành tính ở các u nang tuyến giáp khá cao, tuy nhiên người bệnh cũng không nên quá chủ quan. Người bệnh cần theo dõi sát sự phát triển của nhân giáp thông qua hình ảnh siêu âm trong những lần khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Từ đó, bác sĩ sẽ kiểm soát tốt được tình trạng bệnh và kịp thời xử lý những bất thường nếu cần.

Nang tuyến giáp là gì và nang tuyến giáp có nguy hiểm không? 2
Kích thước nang tuyến giáp lớn có thể khiến người bệnh bị đau vùng cổ

Phương pháp chẩn đoán nang tuyến giáp

Hầu hết các trường hợp bị nang tuyến giáp thường không có triệu chứng. Do đó, việc chẩn đoán bệnh lý này sẽ dựa vào 2 phương pháp sau:

Siêu âm

Hiện nay, siêu âm là một phương pháp được áp dụng để chẩn đoán u nang tuyến giáp phổ biến nhất. Phương pháp siêu âm có giá trị chẩn đoán bệnh cao. 

Thông qua những hình ảnh được ghi nhận trên máy siêu âm, bác sĩ sẽ có thể xác định được thành phần của nang tuyến giáp là chỉ có dịch đơn thuần hay là nang hỗn hợp bao gồm cả phần dịch và phần đặc. Đồng thời, bác sĩ cũng đánh giá kích thước và vị trí của nang tuyến giáp để từ đó đưa ra phương hướng điều trị phù hợp cho từng người bệnh.

Chọc hút tế bào kim nhỏ

Trong trường hợp bác sĩ quan sát thấy dấu hiệu bất thường đáng lo ngại của u nang trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút kim nhỏ để lấy dịch làm sinh thiết tế bào. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim có kích thước rất nhỏ đưa qua lớp da ở vùng cổ của người bệnh để tiến vào nang tuyến giáp, thông qua hình ảnh siêu âm để hướng dẫn đường đi của kim.

Mẫu dịch được lấy ra sẽ được phân tích dưới kính hiển vi nhằm xác định có tế bào nào bất thường hay không. Phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ thường được áp dụng cho u nang có kích thước trên 1,5cm hoặc là nang hỗn hợp với thành phần đặc và có các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương ung thư qua siêu âm như giảm âm hoặc có nốt vi vôi hóa bên trong.

Bệnh u nang tuyến giáp có cần điều trị không?

Nang tuyến giáp có tự hết không? Và câu trả lời là không. Bác sĩ sẽ dựa vào kích thước của u nang thông qua kết quả siêu âm tuyến giáp, cùng với tình trạng sức khỏe và thể trạng của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả cho từng bệnh nhân.

Nang tuyến giáp đơn thuần có kích thước nhỏ

Nang tuyến giáp đơn thuần có kích thước nhỏ và không gây ra các triệu chứng ở vùng cổ như nuốt vướng, nuốt nghẹn, không gây đau, không sờ thấy thì người bệnh chưa cần phải điều trị theo bất kỳ một phương pháp nào. Đối với trường hợp này, người bệnh chỉ cần theo dõi u nang định kỳ bằng siêu âm.

Nang tuyến giáp là gì và nang tuyến giáp có nguy hiểm không? 3
Với nang tuyến giáp đơn thuần có kích thước nhỏ, chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm

Nang tuyến giáp có kích thước lớn

Trường hợp nang tuyến giáp có kích thước và gây chèn ép lên các cơ quan lân cận thì ngoài phương pháp phẫu thuật cắt bỏ u nang, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêm cồn nang giáp hoặc phối hợp phương pháp tiêm cồn nang giáp với đốt sóng cao tần

Hai phương pháp này ít xâm lấn hơn và đem lại nhiều ưu điểm hơn phương pháp phẫu thuật truyền thống nên được sử dụng phổ biến để điều trị nang tuyến giáp:

  • Phương pháp tiêm cồn nang giáp: Đây là phương pháp được áp dụng trong trường hợp nang đơn thuần hoặc nang chứa rất ít tổ chức đặc. Bác sĩ sẽ sử dụng cồn tuyệt đối để tiêm vào nang tuyến giáp sau khi đã hút dịch. Cồn tuyệt đối sẽ có tác dụng làm hoại tử huyết khối tĩnh mạch nhỏ, khiến tế bào bị mất nước và đông vón protein, từ đó làm hoại tử tế bào. Hậu quả là làm nhồi máu và xơ hóa các mô tiếp xúc với ethanol, đồng thời phần nhân giáp sẽ được thay thế bằng mô hạt, sau đó là sự xơ hóa và co rút lại của tổn thương.
  • Phương pháp đốt sóng cao tần nang giáp: Phương pháp này sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số cao nhằm tạo nhiệt giúp tiêu diệt khối mô. Đốt sóng cao tần được áp dụng cho các nang giáp hỗn hợp hoặc được phối hợp điều trị sau khi thực hiện tiêm cồn nang giáp.

Ưu điểm của phương pháp đốt sóng cao tần nang giáp và tiêm cồn nang giáp là:

  • Thời gian thực hiện nhanh chóng, chỉ mất khoảng 10 - 20 phút/lần.
  • Tỷ lệ tổn thương đến dây thần kinh thanh quản được giảm xuống nên nguy cơ bị khàn tiếng cũng thấp hơn so với phẫu thuật.
  • Mang tính thẩm mỹ cao và không để lại sẹo trên cổ của người bệnh.
  • Sau điều trị không gây suy giáp và có thể hạn chế nhu cầu dùng thuốc hormone tuyến giáp hàng ngày.
Nang tuyến giáp là gì và nang tuyến giáp có nguy hiểm không? 4
Đốt sóng cao tần nang giáp mang lại hiệu quả rất tốt trong điều trị u nang tuyến giáp

Như vậy, nang tuyến giáp là một bệnh lý xảy ra khi các mô tuyến giáp tăng sinh bất thường. Tùy thuộc vào kích thước và tính chất của u nang mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Mong rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên, bạn đọc đã hiểu hơn về nang tuyến giáp cũng như các phương pháp điều trị bệnh lý này.

Xem thêm:

Cách điều trị nang tuyến giáp 2mm

Nguyên nhân gây ra nang tuyến giáp 3mm là gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin