Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên làm gì khi tắc ống dẫn sữa sau sinh?

Ngày 05/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong giai đoạn sau sinh, khoảng 20% mẹ bỉm nuôi con bằng sữa mẹ sẽ gặp phải tình trạng tắc ống dẫn sữa sau sinh. Tình trạng này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến quá trình cung cấp sữa cho con mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Tắc ống dẫn sữa không nên chủ quan vì nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Đây là tình trạng có thể gặp phải trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu tình trạng tắc ống dẫn sữa kéo dài có thể gây viêm nhiễm, áp-xe vú ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa cho bé bú.

Nguyên nhân gây tắc ống dẫn sữa

Tắc ống dẫn sữa sau sinh hay còn có các tên gọi khác là tắc tuyến sữa hay tắc tia sữa. Đây là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng trong ngực mẹ, không thể lưu thông qua ống dẫn sữa đến núm vú để tiết ra ngoài cho bé bú. Sữa đọng lại trong các ống dẫn có thể gây ra sưng tấy, đau nhức và thậm chí là nhiễm trùng, áp xe vú. Điều này không những làm giảm lượng sữa mẹ có thể sản xuất mà còn tạo ra áp lực đến tinh thần, làm mất tự tin trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Nen-lam-gi-khi-tac-ong-dan-sua-sau-sinh 2.png
Bé bú không đúng cách có thể dẫn đến tắc ống dẫn sữa sau sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc ống dẫn sữa sau sinh bao gồm:

  • Mới sinh: Cơ thể mẹ vừa mới sinh, dù sữa mẹ được sản xuất nhưng chưa thể lưu thông qua ống dẫn sữa để tiết ra ngoài, dẫn đến tắc sữa, bầu ngực trở nên căng cứng.
  • Bé bú chưa đúng khớp vú: Khi bé bú sữa không hiệu quả, hoặc thời gian cho bé bú không đều, sữa còn sót lại trong ống có thể gây tắc nghẽn.
  • Áp lực lên ngực: Mặc đồ ngực quá chật, ngủ nghiêng hoặc áp dụng áp lực lên vùng ngực có thể gây tắc ống dẫn.
  • Sự thay đổi về cung và cầu sữa: Khi lượng sữa được sản xuất tăng lên nhanh chóng mà không được tiêu thụ đúng mức như không cho bé bú thường xuyên, bé lười bú,... sữa có thể đọng lại và gây tắc.
  • Yếu tố tâm lý: Tinh thần của mẹ bỉm cũng ảnh hưởng đến việc cơ thể sản xuất sữa mẹ, nên nếu mẹ bỉm căng thẳng quá mức, lượng sữa tiết ra ít không đủ cho bé bú, có thể gây ứ đọng dẫn đến tắc.

Ngoài ra, trường hợp người mẹ từng có tiền sử chấn thương, phẫu thuật phần vú cũng có thể gặp tình trạng tắc các ống dẫn sữa ra ngoài. Do đó, mẹ cần nắm được các nguyên nhân trên để phòng tránh hiệu quả.

Dấu hiệu và biến chứng của tình trạng tắc ống dẫn sữa sau sinh

Tắc ống dẫn sữa không biểu hiện ngay mà sẽ diễn ra từ từ. Ban đầu sẽ xuất hiện một hoặc nhiều cục u mềm với kích thước nhỏ bằng hạt đậu hoặc lớn hơn hoặc như một vết phồng rộp nằm trên núm vú. Dần dần sữa bị ứ, bé bú mà lượng sữa giảm thì tình trạng tắc tia sữa sẽ dần nặng hơn, các dấu hiệu khi tình trạng tắc tia sữa trở nặng cụ thể như sau:

  • Có thể gây sốt cao;
  • Ngực trở nên to hơn, căng cứng và đau nhức nhiều;
  • Lượng sữa giảm, kể cả được chủ động vắt cũng không tiết ra sữa hoặc sữa tiết ra ít, có khi lẫn cả máu;
  • Đầu vú khi sờ vào cảm nhận có nhiều cục cứng.
Nen-lam-gi-khi-tac-ong-dan-sua-sau-sinh 3.png
Những vết phồng rộp trên đầu vú có thể là dấu hiệu của tắc tia sữa

Tắc ống dẫn sữa sau sinh mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không kịp thời thông tia sữa sẽ làm tăng các nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như: Áp xe vú, viêm tuyến vú, lâu dần sẽ gây u xơ tuyến vú,....

Ống dẫn sữa bị tắc sẽ gây tình trạng ứ đọng sữa, từ đó kích thích phản ứng viêm cục bộ không nhiễm trùng tại mô vú. Triệu chứng lâm sàng của tắc ống dẫn sữa là các triệu chứng ứ đọng cục bộ, khu trú tại một vùng của tuyến vú, kèm theo các dấu hiệu của triệu chứng viêm.

Tình trạng ứ đọng sữa kéo dài sẽ kích thích gây viêm mô vú thì người mẹ có thể thấy đau một phần của mô vú và khi cho con bú hoặc hút sữa một bên cảm thấy rất đau vú, khiến mẹ bị stress, trầm cảm sau sinh,... ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và sức khỏe. Vì thế khi phát hiện những dấu hiệu bị tắc ống dẫn sữa sau sinh, mẹ nên đi khám và nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, can thiệp khi cần thiết.

Khi tắc ống dẫn sữa cần làm gì?

Điều trị tình trạng tắc ống dẫn sữa sau sinh nhằm mục đích giúp làm tan các cục sữa bị ứ đọng, để sữa mẹ được lưu thông tốt. Mẹ có thể áp dụng những cách sau đây để điều trị tắc ống dẫn sữa:

  • Massage nhẹ nhàng vùng ngực trước khi cho bé bú để kích thích sự lưu thông sữa. Mẹ hãy thực hiện chườm khăn ấm, đồng thời massage phần núm vú nhẹ nhàng để giúp làm mềm ống dẫn và kích thích sự lưu thông.
  • Khi bé bú xong, mẹ nên hút hết phần sữa còn lại trong bầu ngực để tránh gây tình trạng ứ đọng.
  • Mẹ nên cho trẻ bú ở bên ngực bị tắc sữa trước, sau đó chuyển sang bên còn lại.

Trong trường hợp mẹ có kèm triệu chứng sốt cao, sữa tiết ra có lẫn máu hay mủ thì cần đến gặp bác sĩ để được điều trị ngay, không nên tự ý áp dụng các biện pháp dân gian truyền miệng vì có thể làm nặng tình trạng tắc ống dẫn sữa sau sinh.

Nếu thấy tình trạng tắc nghẽn không được cải thiện hoặc xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng vú, áp xe vú, nứt núm vú không giảm sau 24 giờ thì mẹ hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Bởi đây là khoảng thời gian rất quan trọng, nếu được can thiệp sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm nặng, tiến triển thành áp xe vú. Trường hợp xảy ra tình trạng viêm nhiễm nặng, người mẹ có thể phải dùng kháng sinh, trích mủ để giảm thiểu biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nen-lam-gi-khi-tac-ong-dan-sua-sau-sinh 4.png
Ngay khi có dấu hiệu tắc tia sữa kèm sốt, thì cần đến gặp bác sĩ để được điều trị ngay

Tắc ống dẫn sữa sau sinh là một tình trạng có thể xử lý được nếu được nhận biết và can thiệp kịp thời. Qua việc hiểu rõ nguyên nhân và áp dụng các biện pháp phòng tránh, mẹ bỉm có thể giảm thiểu rủi ro và duy trì việc cung cấp sữa mẹ cho con một cách hiệu quả. Với những thông tin trong bài, mong các mẹ bỉm sẽ có quá trình nuôi con bằng sữa mẹ thuận lợi nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:SữaDinh dưỡng