Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cần làm gì?

Ngày 04/08/2022
Kích thước chữ

Huyết khối tĩnh mạch sâu được hiểu là gì? Đối tượng thường gặp phải, quá trình hình thành phổ biến và triệu chứng điển hình của huyết khối tĩnh mạch sâu. Các phương pháp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu thường được sử dụng.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra tử vong. Đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng khó lường. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu trong bài viết dưới đây nhé!

Huyết khối tĩnh mạch sâu được hiểu là gì?

Hệ thống tĩnh mạch với nhiệm vụ chính là dẫn máu đã trao đổi oxy từ các cơ quan về tim. Có thể chia thành 3 loại là tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu, và các tĩnh mạch xuyên (loại đưa máu từ tĩnh mạch nông đổ về tĩnh mạch sâu). Trong đó, tĩnh mạch sâu ở vị trí cách rất xa bề mặt da. Cấu tạo của tĩnh mạch thường có các van một chiều, do đó chúng chỉ cho phép máu di chuyển theo một hướng nhất định. 

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng hình thành các cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch sâu. Chúng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, nhưng thường thấy nhất là ở phần chi dưới.

Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cần làm gì? 1

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu 

Đối tượng dễ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thế gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi hay giới tính nào, tuy nhiên dưới đây chính là một vài đối tượng có nguy cơ cao:

  • Bệnh nhân trước cũng như sau quá trình phẫu thuật.
  • Người gặp các chấn thương.
  • Không di chuyển trong thời gian dài (thường do nghỉ ngơi trên giường, ngồi một chỗ, đi xe đường dài hoặc là đi máy bay).
  • Những người bị bệnh ung thư.
  • Tiền sử từng mắc phải bệnh huyết khối tĩnh mạch.
  • Người cao tuổi.
  • Trong thời gian mang thai cũng như từ 4 - 6 tuần sau khi sinh.
  • Thường xuyên sử dụng các phương pháp ngừa thai có chứa estrogen hoặc những liệu pháp hormone điều trị triệu chứng mãn kinh.
  • Người có bệnh lý, bao gồm viêm ruột, suy tim, và một số bệnh ở thận.
  • Béo phì.
  • Có thói quen hút thuốc lá.
  • Suy tĩnh mạch.
  • Đang thực hiện biện pháp đặt ống trong tĩnh mạch chính (dùng để phóng thích trực tiếp dược chất vào máu trong một thời gian dài).
  • Bị rối loạn đông máu.

Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cần làm gì? 2

Người bị béo phì rất dễ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu 

Quá trình hình thành thường thấy của huyết khối tĩnh mạch sâu

Đông máu là một quá trình rất bình thường của cơ thể, giúp con người cầm máu sau khi bị các vết thương, chẳng hạn như là vết cắt trên da. Bên cạnh đó thì cục máu đông bất thường trong tĩnh mạch có thể hình thành khi gặp những điều kiện sau:

  • Tốc độ chảy của máu quá chậm.
  • Niêm mạc tĩnh mạch đang bị tổn thương.
  • Có những rối loạn trong máu, khiến cho sự đông máu diễn ra dễ dàng hơn.

Khi những cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, quá trình lưu thông máu sẽ chậm lại, thể tích máu trong tĩnh mạch cũng tăng lên, khiến cho tĩnh mạch sưng phồng.

Nếu như một mảnh của cục máu đông vỡ ra rồi di chuyển qua các mạch máu tới phổi thì sẽ vô cùng nguy hiểm, gây ra thuyên tắc phổi, có thể dẫn tới tử vong. Có đến một phần ba số người bị huyết khối tĩnh mạch sâu tiến triển thành thuyên tắc phổi. Do đó, việc sàng lọc, phát hiện cũng như điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu kịp thời là vô cùng cần thiết.

Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cần làm gì? 3

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể hình thành do các bất thường về mạch máu 

Triệu chứng của tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu

Các triệu chứng thường gặp của tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu có thể nhận biết được như sau:

  • Có hiện tượng đau, phù nề ở một chân, thường là phần bắp chân.
  • Đau nhức xung quanh vùng bị ảnh hưởng bởi cục máu đông.
  • Có cảm giác nóng chỗ chân bị sưng đau.
  • Da đỏ, cụ thể là phần mặt sau của chân, khu vực đằng sau khớp gối.

Huyết khối tĩnh mạch sâu thường chỉ gây ảnh hướng tới một chân. Khi cử động khớp gối, bệnh nhân có thể nhận thấy cảm giác đau tăng lên. Nếu như không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành thuyên tắc động mạch phổi. Đây là một trình trạng vô cùng nghiêm trọng với những dấu hiệu và triệu chứng như sau:

  • Khó thở và thở dốc.
  • Đau ngực, cảm giác đau hơn khi hít vào hoặc là ho.
  • Váng đầu, mệt mỏi.
  • Nhịp tim nhanh hơn bình thường.
  • Có tình trạng ho ra máu.

Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cần làm gì? 4

Huyết khối tĩnh mạch sâu có triệu chứng phù nề chi dưới 

Các phương pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu trong từng trường hợp

Trước và sau phẫu thuật

Quá trình phẫu thuật có thể gây ra tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu. Vì vậy để phòng tránh tình trạng này, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc để ức chế hình thành cục máu đông trước hoặc là sau phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần ngưng sử dụng một số loại thuốc để phòng tránh nguy cơ này trước khi đến ngày phẫu thuật. Bên cạnh đó là một số biện pháp có thể được sử dụng, như sau:

Tại bệnh viện, trước khi mổ, bệnh nhân cần mang vớ y khoa chống huyết khối tĩnh mạch hoặc là giày bơm hơi để tránh hình thành nên các cục đông máu đông ở chân. Những thiết bị này sẽ giúp siết chặt các cơ, từ đó thúc đẩy sự lưu thông máu. Bệnh nhân cũng cần mang chúng suốt ca mổ cho tới khi xuất viện. Ngoài ra, cần đứng dậy và đi bộ nhẹ nhàng sau khi mổ. Bên cạnh đó, bàn chân của bệnh nhân hoặc là chân giường có thể được nâng lên để giải tỏa được áp lực máu tại chân.

Trong thời kỳ mang thai

Đối với những người có thai, nếu thuộc nhóm đối tượng nguy cơ sau, bạn cần thông báo với các bác sĩ để nhận được biện pháp điều trị, phòng ngừa thích hợp:

  • Tiền sử gia đình có người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Rối loạn quá trình đông máu di truyền.
  • Có khả năng sinh mổ.

Đối với những người mang thai, việc dùng thuốc là không nên, vì vậy cần phải chăm chỉ đi lại, di chuyển để hạn chế nguy cơ gây huyết khối tĩnh mạch sâu.

Trong quá trình du lịch, đi lại

Những người thường xuyên lại đi lại, du lịch, đi lại nhiều hoặc ngồi quá lâu, cần tuân thủ những nguyên tắc sau để tránh huyết khối tĩnh mạch sâu:

  • Cần uống nhiều nước.
  • Mặc quần áo rộng rãi.
  • Ưu tiên đi bộ cũng như luyện tập kéo duỗi chân đều đặn nếu có thể.
  • Mang vớ y khoa ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch, giúp ngăn chặn được sự hình thành của cục máu đông ở chân. Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ về phương pháp này.

Ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu cần làm gì? 5

Những phương pháp phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu phổ biến 

Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh do đó, khi có bất cứ triệu chứng nào hãy đi khám kịp thời để được điều trị sớm nhé! Bên cạnh đó cần tuân thủ đúng theo phương pháp chúng tôi đã trình bày ở trên để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu sao cho hiệu quả. 

Thảo My 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin