Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không?

Ngày 27/08/2022
Kích thước chữ

Tình trạng nghẹn cổ họng khó thở khi nằm là biểu hiện bất thường vùng hầu họng, thực quản. Hiện tượng này có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân thuộc hệ cơ quan tiêu hóa như miệng, hầu họng, thực quản, dạ dày hoặc từ cơ quan nội tiết như tuyến giáp. Vậy nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này nhé!

Chúng ta hẳn có đôi lần xuất hiện cảm giác vướng khi nuốt thức ăn, khó nuốt nước bọt và nặng hơn là nghẹn cổ họng khó thở khi nằm. Tình trạng chít hẹp này có thể bắt nguồn từ vùng hầu họng và thực quản như viêm họng, viêm amidan, khối u bất thường… hoặc từ dạ dày như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay bệnh lý tuyến giáp. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng nghẹn cổ họng kéo dài, tiến triển nặng dần kèm các triệu chứng như đau rát họng, ho đờm đặc… bạn cần đi khám để được thăm khám và điều trị sớm.

Hiện tượng nghẹn cổ họng khó thở khi nằm là gì?

Hiện tượng nghẹn cổ họng khó thở báo hiệu một rối loạn chức năng vùng thực quản. Đặc trưng bởi cảm giác nghẹn ở cổ họng như có vật cứng chặn, gây cảm giác khó nuốt nước bọt hoặc thức ăn, đôi khi kèm theo tình trạng khó thở. Tuy cảm giác nghẹn cổ họng thường không gây đau, tùy theo nguyên nhân mà người bệnh có thể có những triệu chứng kèm theo như sưng nề vùng cổ họng, đau nhói, ngứa rát họng hay căng cứng gây khó nói.

Hiện tượng nghẹn cổ họng khó thở xảy ra không thường xuyên, thường biểu hiện rõ nhất khi nằm do tư thế nằm gây tăng áp lực lên vùng hầu họng và vùng thực quản. Đồng thời, cảm giác nghẹn dễ mất đi khi người bệnh không còn chú ý. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc có diễn biến nặng hơn thì bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không? 1 Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm khiến người bệnh khó chịu

Nguyên nhân gây nghẹn cổ họng khó thở khi nằm

Để chẩn đoán được chính xác, cần đánh giá những triệu chứng đi kèm với hiện tượng nghẹn cổ họng hay khó thở, đồng thời kết hợp với quá trình thăm khám chuyên khoa và làm các xét nghiệm kết hợp với các phương pháp thăm dò chức năng. Một số nguyên nhân thường gặp gây nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có thể kể tới:

Viêm họng mãn tính

Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc vùng hầu họng, bệnh là mãn tính khi kéo dài hơn 10 ngày. Ở giai đoạn mãn tính, các triệu chứng thường giảm nhẹ hơn so với giai đoạn cấp, tuy nhiên lại dai dẳng, khó điều trị và dễ tái phát hơn.

Ngoài hiện tượng nghẹn cổ họng, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Đau rát hay ngứa họng liên tục, kéo dài, ảnh hưởng tới việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
  • Ho dai dẳng, ho nhiều ở tư thế nằm, ho kèm đờm vàng đặc.
  • Giảm tiết nước bọt gây cảm giác khô miệng, khát nước và hơi thở có mùi.
  • Chán ăn, mệt mỏi, suy nhược, đặc biệt ở đối tượng trẻ nhỏ hoặc người già

Khi viêm họng mãn tính không được điều trị dứt điểm có thể gây những biến chứng nặng hơn như viêm amidan, viêm xoang… khiến tình trạng nghẹn cổ họng khó thở khi nằm càng trần trọng hơn.

Viêm amidan gây nghẹn cổ họng

Viêm amidan (Tonsillitis) là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở đối tượng trẻ từ 5 tới 15 tuổi hoặc đối tượng có sức khỏe kém, phụ nữ có thai. Amidan là hệ hạch bạch huyết nằm ở phía sau cổ họng, tại vị trí giao giữa đường thở và đường ăn. Amidan được ví như bức tường ngăn cách vi khuẩn ngoài môi trường xâm nhập vào trong cơ thể qua đường hô hấp. Vậy nên, khi bị vi khuẩn, virus tấn công ồ ạt gây suy yếu chức năng miễn dịch sẽ gây tình trạng viêm và sưng amidan.

Viêm amidan có hai giai đoạn:

  • Giai đoạn cấp tính kéo dài khoảng 5 tới 7 ngày, người bệnh chủ yếu có triệu chứng sưng vùng amidan.
  • Giai đoạn mãn tính khi bệnh kéo dài, tái phát liên tục trong vòng một năm. Ngoài hiện tượng nghẹn cổ họng, người bệnh còn có đau nhức tăng dần vùng hầu họng cùng những biến chứng nguy hiểm khác.
Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không? 2 Viêm amidan gây nghẹn và đau rát vùng cổ họng

Chính vì vậy, cần phát hiện sớm những triệu chứng của viêm amidan. Một số triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Người bệnh xuất hiện tình trạng khó nuốt, nghẹn cổ họng do amidan sưng to.
  • Ở trẻ em có thể có biểu hiện khó thở, thở khò khè, đặc biệt khi trẻ nằm.
  • Đôi lúc có hiện tượng sốt kèm cảm giác ớn lạnh, toàn thân mệt mỏi, đau nhức.
  • Miệng đắng, tiết nhiều dịch hơn. Hơi thở có thể xuất hiện mùi khó chịu do viêm mủ.
  • Ho dai dẳng, ho có đờm hay ho khan báo hiệu vùng viêm amidan hình thành hốc mủ. 

Một trong những cách phổ biến nhất để phát hiện viêm amidan đó là tự soi họng trực tiếp tại nhà, kèm với các triệu chứng điển hình của viêm amidan. Khi phát hiện viêm amidan cần đưa người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, tránh tình trạng tái phát dai dẳng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh cũng như bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Khối u bất thường gây khó thở khi nằm

Khối u có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, trong đó khối u ở niêm mạc thực quản hay vùng hầu họng có thể báo hiệu tiền ung thư thực quản. Nếu không điều trị, khối u có thể phát triển lớn dần chèn ép vùng cổ họng, gây hiện tượng nghẹn cổ họng khó thở khi nằm.

Một số trường hợp, người bệnh có thể tự kiểm tra khi sờ bằng tay hoặc soi họng trực tiếp. Khi phát hiện triệu chứng bất thường cần điều trị sớm để loại bỏ khối u hoặc làm chậm sự phát triển của khối u bất thường.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay gọi tắt là GERD (Gastroesophageal Reflux Disease) là một bệnh phổ biến, xuất hiện ở khoảng 10 tới 20% số người trưởng thành. Bệnh gây ra do cơ thắt thực quản dưới kém hoạt động khiến dịch tiết trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Một số triệu chứng điển hình của bệnh GERD bao gồm:

  • Nổi bật nhất là triệu chứng ợ chua, ợ nóng.
  • Hít phải dịch thức ăn kéo dài gây khàn giọng, ho khò khè.
  • Chít hẹp cổ họng, thực quản do tình trạng dày thành niêm mạc thực quản gây khó nuốt, khó thở.

Nếu không điều trị, bệnh GERD có thể phát triển thành biến chứng như viêm thực quản, viêm họng, loét dạ dày hoặc tá tràng, xuất huyết thực quản…

Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không? 3 Trào ngược dạ dày thực quản gây chít hẹp lòng thực quản

Bệnh về tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan nội tiết lớn nhất cơ thể, tiết ra hai loại hormone giáp trạng chính là Thyroxine (còn gọi là T4 vì có 4 phân tử iod trong thành phần) và hormone Triiodothyronine (hay gọi là T3).

Mặt bệnh thường gặp ở tuyến giáp có thể gặp là bướu giáp, viêm tuyến giáp, ung thư tuyến giáp… với các triệu chứng như:

  • Xuất hiện bướu cổ, sưng đau vùng cổ gây nghẹn họng, khó nuốt, khó hô hấp.
  • Biểu hiện rối loạn nội tiết như tóc giòn và dễ gãy rụng, cân nặng thay đổi, kinh nguyệt không đều hay chậm kinh, giảm ham muốn vợ chồng…
  • Mệt mỏi, chán ăn, tinh thần thay đổi dễ lo âu.

Khi bạn gặp phải một trong những triệu chứng kể trên, hãy đi kiểm tra sức khỏe sớm để được điều trị kịp thời và dứt điểm.

Xử trí khi bị nghẹn cổ họng khó thở

Tình trạng nghẹn cổ họng khó thở khi nằm thường gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Vì vậy, để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm, bạn nên tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Đồng thời, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh sử cũng như tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc cho bác sĩ.

Để giảm triệu chứng chít nghẹn cổ họng, bạn có thể thử áp dụng một số cách làm tại nhà như sau:

  • Uống nước lọc ấm hoặc nước ấm pha chanh mật ong giúp làm dịu cổ họng, giảm cảm giác khó chịu.
  • Ngậm một lát chanh đào ngâm mật ong khoảng 10 tới 15 phút.
  • Ngậm vài lát tỏi tươi trong 5 tới 10 phút, sau đó nhai và nuốt từ từ.
  • Súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước muối sạch tự pha, mỗi ngày súc miệng hai lần giúp sát khuẩn, làm sạch và thông thoáng cổ họng.
Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không? 4 Ngậm chanh đào mật ong giúp làm dịu cổ họng

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Nghẹn cổ họng khó thở khi nằm có nguy hiểm không?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Tình trạng chít hẹp cổ họng có thể gây ra bởi đa dạng nguyên nhân, xuất phát từ cơ quan tiêu hóa như thực quản, dạ dày hay cơ quan nội tiết như tuyết giáp. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng chít hẹp kéo dài, kèm triệu chứng khó thở tăng lên khi nằm, đau rát cổ họng, khàn giọng… bạn cần đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để có phương án điều trị phù hợp.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin