Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ngộ độc Benzodiazepin: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Benzodiazepin là nhóm thuốc an thần chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Thực tế đã có không ít nạn nhân bị ngộ độc Benzodiazepin. Vậy nguyên nhân là gì và xử trí ra sao khi ngộ độc xảy ra?

Nhóm thuốc an thần Benzodiazepin thường được các bác sĩ chỉ định để điều trị các chứng rối loạn lo âu, mất ngủ, động kinh dẫn đến co giật. Nếu sử dụng đúng cách và trong thời gian ngắn, nhóm thuốc này khá an toàn. Nhưng nếu dùng quá liều, lạm dụng thuốc, sử dụng cùng bia rượu có thể gây ngộ độc Benzodiazepin. 

Ngộ độc Benzodiazepin là gì?

Benzodiazepin tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh ức chế hệ thần kinh trung ương ở đồi não; vùng dưới đồi não; dưới vỏ não và trên hệ viền - các tế bào thần kinh gây ra cảm giác lo lắng, căng thẳng. Nhóm thuốc an thần Benzodiazepine gồm các thuốc khác nhau như: Diazepam, Alprazolam, Midazolam, Bromazepam…

Chúng được dùng để điều trị các rối loạn thần kinh và tâm lý như:

  • Chứng mất ngủ trầm trọng. 
  • Điều trị rối loạn lo âu toàn thể (không nên dùng thuốc quá 1 tháng)
  • Ngăn ngừa cơn động kinh kéo dài và chống co giật mạnh trong cơn động kinh. 
  • Trong nhóm Benzodiazepin có 2 loại thuốc thường được kê toa cho người cai rượu là Chlordiazepoxide và Diazepam. Hai loại thuốc này có tác dụng loại trừ độc tố của rượu, giảm triệu chứng cai rượu nghiêm trọng. 
  • Điều trị lo âu do rối loạn hoảng sợ (không nên sử dụng lâu dài). 
ngộ độc benzodiazepin Nhóm thuốc Benzodiazepin sử dụng thường xuyên và lâu dài có thể gây nghiện

Nguyên nhân ngộ độc Benzodiazepin

Sử dụng Benzodiazepin trong thời gian ngắn và đúng chỉ dẫn của bác sĩ thường hiệu quả và an toàn. Nhưng vẫn có trường hợp ngộ độc Benzodiazepin xảy ra do nguyên nhân chính là nạn nhân lạm dụng Benzodiazepine. Tình trạng này dễ xảy ra với những người có tiền sử nghiện rượu hoặc lạm dụng các chất gây nghiện khác. 

Nếu sử dụng quá thường xuyên có thể dẫn đến tình trạng nhờn thuốc. Hậu quả là càng ngày bệnh nhân càng phải sử dụng liều cao hơn để kiểm soát tình trạng bệnh lý hoặc sức khỏe đã gặp. Những người lạm dụng cũng dễ nghiện hoặc sử dụng quá nhiều Benzodiazepin so với mức chỉ định và kê toa của bác sĩ. 

Nhóm thuốc Benzodiazepin nếu sử dụng theo các lạm dụng có thể thay đổi hóa học của não. Vì vậy người nghiện Benzodiazepin khó phục hồi. Có thể nhận diện nạn nhân nghiện thuốc Benzodiazepin qua các biểu hiện như:

  • Người nghiện thuốc thường xuyên gặp những giấc mơ xáo trộn.
  • Hay có thái độ gắt gỏng, thù địch với những người xung quanh
  • Họ cũng bị chứng mất ngủ trầm trọng
  • Nghiện Benzodiazepin lâu ngày dẫn đến trí nhớ giảm sút, thậm chí mất trí nhớ
  • Luôn có cảm giác muốn nôn, nôn ói nhiều và có thể kèm triệu chứng tiêu chảy
  • Vận động tay chân mất kiểm soát, cơ bắp và xương khớp đau nhức

Việc dùng quá liều Benzodiazepin ít khi dẫn đến tử vong ngoại trừ khi nạn nhân dùng chung với rượu; các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng, barbiturat hay opioid. Ngộ độc thuốc Benzodiazepin đôi khi cũng do uống nhầm hoặc cố tình tự tử. Nhưng dù lý do là gì, điều quan trọng hơn cả là người nhà cần nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc để có thể xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. 

ngộ độc benzodiazepin 2 Ngộ độc Benzodiazepin chủ yếu do dùng thuốc tùy tiện

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc Benzodiazepin

Một số dấu hiệu nhận biết ngộ độc Benzodiazepin thường gặp nhất như:

  • Nạn nhân cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ.
  • Thị lực giảm, mắt nhìn mờ.
  • Toàn thân mệt mỏi, uể oải, cảm giác không còn sức.
  • Các bộ phận của cơ thể dường như giảm khả năng phối hợp.
  • Xuất hiện triệu chứng nói lắp, nói chậm dù bình thường không bị.
  • Người bị ngộ độc nặng có thể rơi vào hôn mê.
  • Thân nhiên và đường huyết hạ.
  • Một số nạn nhân bị sùi bọt mép.
  • Có thể bị co giật do thiếu oxy.
  • Với phụ nữ đang cho con bú, thuốc Benzodiazepin đi vào sữa mẹ khiến trẻ sơ sinh có biểu hiện lờ đờ, sụt cân. 
  • Biến chứng suy hô hấp và nguy cơ bị sặc phổi có thể xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi. 

Cần làm gì khi ngộ độc Benzodiazepin?

Ngộ độc nhóm thuốc Benzodiazepine cần được phát hiện sớm và xử trí đúng cách, kịp thời. Vậy chúng ta nên làm gì?

  • Khi phát hiện sớm, người nhà nên hỗ trợ nạn nhân kích thích gây nôn.
  • Nếu nạn nhân có nhiều dịch hầu họng cần hỗ trợ hút dịch hầu họng để đảm bảo hô hấp. 
  • Gọi ngay cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 
  • Trong khoảng thời gian đó, cần đảm bảo chức năng hô hấp cho nạn nhân. Nếu thấy nạn nhân có biểu hiện khó thở, ngừng thở, người nhà cần tiến hành hô hấp nhân tạo cho đến khi đến được bệnh viện. 
  • Khi đến bệnh viện, các nhân viên y tế sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau để xử trí ngộ độc để hạn chế hấp thu chất độc; thúc đẩy quá trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
  • Chất đối kháng Flumazenil được coi như loại thuốc giải đặc hiệu trong các trường hợp ngộ độc Benzodiazepin. Thuốc giúp nạn nhân tránh rơi vào tình trạng suy hô hấp và trạng thái hôn mê sâu. 
  • Những bệnh nhân trong diện cần theo dõi đặc biệt là những người uống liều gấp đôi bình thường; nạn nhân rối loạn tâm thần uống liều không rõ ràng; nạn nhân bị lú lẫn.
ngộ độc benzodiazepin 2 Flumazenil được dùng như thuốc giải đặc hiệu khi ngộ độc nhóm thuốc Benzodiazepin

Cách phòng tránh ngộ độc Benzodiazepin

Benzodiazepine dùng không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Để phòng tránh ngộ độc nhóm thuốc này, mỗi cá nhân và gia đình cần lưu ý: 

  • Không tự ý mua và sử dụng nhóm thuốc Benzodiazepine khi không có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ. 
  • Nên để thuốc tránh xa tầm tay của các đối tượng người già, trẻ em, người lú lẫn, người không làm chủ được hành vi.
  • Các lọ thuốc cần có nhãn rõ ràng, tránh trường hợp sử dụng nhầm một cách đáng tiếc. 
  • Người nhà có bệnh nhân dùng thuốc cần sớm nhận biết các dấu hiệu lạm dụng hay nghiện thuốc để can thiệp kịp thời. 
  • Khi dùng Benzodiazepine không được uống rượu bia, thuốc giảm đau opioid (Morphin, Paracetamol, Fentanyl…), thuốc an thần (Zolpidem, Zaleplon, Phenobarbital…) và các loại thuốc có tác dụng tương tự vì dễ dẫn đến suy nhược não, suy hô hấp.

Nguy cơ tử vong do ngộ độc Benzodiazepin tuy không cao nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Mỗi gia đình có người thân cần dùng hoặc đang dùng nhóm thuốc này cần nắm được cách sử dụng thuốc hiệu quả; cách phòng tránh ngộ độc và cách xử trí trong trường hợp cần thiết. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm