Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Người bệnh tiểu đường ăn bánh mì đen được không? Lợi ích của bánh mì đen với sức khỏe

Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bánh mì là một trong những thực phẩm thường được ưa chuộng trong khẩu phần ăn của chúng ta. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường không được khuyến khích ăn bánh mì, đặc biệt là bánh mì trắng. Vậy người bệnh tiểu đường ăn bánh mì đen được không?

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những tác dụng mà bánh mì đen đem lại đối với sức khỏe người mắc bệnh tiểu đường. Đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích để bạn có thể có quyết định thông minh về việc lựa chọn và sử dụng bánh mì đen trong chế độ ăn uống của mình. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Người bệnh tiểu đường ăn bánh mì đen được không?

Người bệnh tiểu đường ăn bánh mì đen được không? Theo Hiệp hội Đái tháo đường đường Hoa Kỳ (ADA), bánh mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen nguyên hạt là lựa chọn phù hợp với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Như vậy, có thể khẳng định rằng người bị tiểu đường có thể ăn được bánh mì đen.

Bánh mì đen hay còn được gọi là bánh mì lúa mạch đen. Bánh mì được sản xuất từ nguyên liệu lúa mạch đen cùng với các loại hạt như hạt kê, hạt đậu và các nguyên liệu khác tốt cho bệnh tiểu đường. Hơn nữa, bánh mì đen có hàm lượng chất xơ cao gấp 4 lần và ít hơn 20% calo so với bánh mì trắng. Điều này giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất cũng như ngăn chặn nồng độ đường cao trong máu.

Bên cạnh đó, bánh mì lúa mạch đen có chỉ số đường huyết (48) thấp hơn bánh mì lúa mì (70). Chỉ số đường huyết của thực phẩm càng thấp thì càng có lợi đối với sức khỏe. Điều này được lý giải do sau khi tiêu thụ chúng, mức đường huyết trong máu không tăng nhanh. Điều này đặc biệt có lợi cho bệnh nhân tiểu đường và người béo phì. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ bánh mì đen làm tăng cảm giác no, kiểm soát sự thèm ăn, không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ đường trong máu.

Ngoài ra, ăn bánh mì đen còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho người bệnh, bao gồm protein, vitamin nhóm B cùng các khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, folate,...

Bánh mì đen cung cấp nhiều chất xơ và ít calo phù hợp với người bị tiểu đường

Lợi ích của bánh mì đen với người tiểu đường

Hỗ trợ tiêu hóa

Bánh mì đen ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của đường tiêu hóa, thúc đẩy sự nhân lên của hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột và ức chế sự phát triển của hệ vi khuẩn gây bệnh. Bánh mì đen cung cấp vitamin B là nguồn dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng và duy trì mọi hoạt động thể chất của cơ thể. Ngoài ra, acid lactic được hình thành trong quá trình lên men và chất xơ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa và giúp ngăn ngừa táo bón.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Bổ sung bánh mì lúa mạch đen vào chế độ ăn có thể cải thiện một số khía cạnh của sức khỏe tim mạch, giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim. Ví dụ, một nghiên cứu kéo dài 8 tuần với 40 người đã so sánh tác động của việc ăn 20% lượng calo hàng ngày từ bánh mì lúa mạch đen so với bánh mì lúa mì đối với nồng độ cholesterol trong máu.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bánh mì lúa mạch đen có hiệu quả hơn trong việc giảm mức cholesterol so với bánh mì lúa mì với mức giảm cholesterol toàn phần và LDL cholesterol (cholesterol xấu) lần lượt là 14% và 12%. Tác dụng này có thể được lý giải do hàm lượng chất xơ hòa tan cao trong bánh mì lúa mạch đen, một loại chất xơ hấp thụ nước tạo thành chất giống như gel trong đường tiêu hóa và có thể giúp loại bỏ cholesterol khỏi máu và cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung chất xơ hòa tan thường xuyên có thể giúp giảm 5 - 10% cả cholesterol toàn phần và LDL cholesterol (cholesterol xấu) chỉ sau 4 tuần.

Ăn bánh mì đen với lượng hợp lý đem lại nhiều lợi ích cho người tiểu đường

Kiểm soát đường huyết

Kiểm soát đường huyết ổn định là mục tiêu quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường và những người thiếu hụt insulin - một loại hormon điều chỉnh mức đường huyết.

Bánh mì lúa mạch đen bao gồm một số đặc tính giúp kiểm soát đường huyết. Đầu tiên, nó chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và chậm hấp thu carbohydrate qua đường tiêu hóa, dẫn đến mức đường huyết tăng chậm.

Bánh mì lúa mạch đen cũng chứa các hợp chất phenolic bao gồm acid ferulic và acid caffeic, có thể giúp kiểm soát đường huyết bằng cách làm chậm quá trình giải phóng glucose và insulin vào máu.

Ngăn ngừa sỏi mật

Sỏi mật xuất hiện khi lượng acid và cholesterol dư thừa cao. Với hàm lượng chất xơ cao gấp 4 lần, bánh mì lúa mạch đen giúp trung hòa lượng carbohydrate dư thừa, giúp chỉ số đường huyết ổn định hơn. Như vậy, lượng acid dư thừa hoặc cholesterol cao sẽ được loại bỏ và hạn chế tối đa sự phát triển của acid mật trong dạ dày.

Các thành phần trong bánh mì đen giúp kiểm soát đường huyết

Lưu ý khi dùng bánh mì đen cho người bị tiểu đường

Mặc dù, bánh mì đen được xem như thực phẩm lành mạnh, tuy nhiên để phát huy tác dụng của bánh mì đen bạn cần cẩn thận trong quá trình lựa chọn và sử dụng sản phẩm.

  • Trước khi sử dụng bánh mì đen, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như các thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm bạn lựa chọn.
  • Bạn nên lưu ý chọn loại bánh mì có chứa thành phần lúa mạch đen nguyên hạt.
  • Hãy chọn loại bánh mì có nhiều chất xơ, với ít nhất 3 gam chất xơ mỗi lát và ít đường hoặc không có đường.
  • Bánh mì đen nên được sử dụng trong các bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng bánh mì đen để thay thế cho các bữa ăn chính hay sử dụng bánh mì đen cho người tiểu đường vào bữa tối để tránh yếu tố nguy cơ gây tăng cân.
  • Nếu bạn dùng hai lát bánh mì để làm bánh sandwich, hãy chắc chắn rằng mỗi lát bánh mì có ít hơn 100 calo. Nếu bánh mì của bạn chứa hơn 100 calo mỗi lát, hãy chỉ sử dụng một lát.
  • Bạn có thể sử dụng ăn kèm bánh mì đen với các loại thực phẩm khác như: Rau củ, trứng, súp, thịt bò,... để giúp cho món ăn trở nên ngon miệng hơn cũng như tăng thêm hàm lượng chất dinh dưỡng và hàm lượng chất xơ cho người bệnh.
  • Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn phụ với bánh mì đen và điều đặc biệt bạn tuyệt đối không nên sử dụng bánh mì đen với nhiều loại thức ăn có hàm lượng chất béo cao như bơ, phô mai.
Bổ sung bánh mì lúa mạch đen vào chế độ ăn cải thiện một số khía cạnh của sức khỏe tim mạch

Hy vọng rằng thông qua bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về việc "người bệnh tiểu đường ăn bánh mì đen được không?". Mặc dù bánh mì đen đem lại một số lợi ích cho người bị tiểu đường tuy nhiên cần sử dụng bánh mì với một lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cũng như tăng cường hoạt động thể chất để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm