Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người bị giãn phế quản sống được bao lâu? Cách kéo dài tuổi thọ cho người bệnh

Ngày 05/11/2024
Kích thước chữ

Giãn phế quản là một căn bệnh gây tổn thương nghiêm trọng đến phổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là giãn phế quản sống được bao lâu?

Giãn phế quản là một bệnh lý mãn tính của đường hô hấp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Nhiều người thường thắc mắc giãn phế quản sống được bao lâu. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đồng thời hướng dẫn cách nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Những điều cần biết về bệnh giãn phế quản

Phế quản đóng vai trò dẫn khí từ khí quản đến phổi. Chúng ta có thể hình dung phế quản như những cành cây nhỏ phân nhánh từ thân cây chính (khí quản) để đưa không khí đến từng lá phổi.

Giãn phế quản là gì?

Giãn phế quản là một bệnh lý mãn tính của đường hô hấp. Trong đó, các ống phế quản bị giãn nở bất thường và tổn thương thành ống. Tình trạng này dẫn đến việc phổi không thể làm sạch đờm một cách hiệu quả. Từ đó, người bệnh gặp nhiều triệu chứng khó chịu và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây giãn phế quản

Nguyên nhân gây giãn phế quản rất đa dạng, có thể bao gồm:

  • Các loại vi khuẩn, virus, nấm gây viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài, làm tổn thương thành phế quản.
  • Một số trường hợp giãn phế quản có liên quan đến các bệnh di truyền như xơ nang.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó dẫn đến giãn phế quản.
  • Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giãn phế quản, làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp và gây viêm nhiễm.
  • Hít phải các chất độc hại, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể góp phần gây ra bệnh.
Giãn phế quản sống được bao lâu? Cách kéo dài tuổi thọ cho người bệnh 1
Giãn phế quản được xếp vào nhóm bệnh mãn tính

Triệu chứng bệnh giãn phế quản

Triệu chứng nhận biết giãn phế quản thường bao gồm:

  • Ho thường xuyên, có đờm, đặc biệt vào buổi sáng.
  • Bệnh nhân sẽ có nhiều đờm và khi khạc đờm sẽ quan sát thấy có màu vàng, xanh hoặc có thể lẫn máu.
  • Khó thở tăng lên khi vận động hoặc nằm xuống.
  • Người bệnh thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, sút cân.
  • Do đờm ứ đọng, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập nên người bệnh dễ bị viêm phổi tái phát.

Người bị giãn phế quản sống được bao lâu?

Bệnh giãn phế quản khá phổ biến ở những người từ 75 tuổi trở lên, nhưng nó cũng có thể xảy ra với những người trẻ tuổi. Thông tin giãn phế quản sống được bao lâu được nhiều người quan tâm vì căn bệnh này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Tình trạng khó thở khiến người bệnh hạn chế các hoạt động thể chất. Ho và khó thở làm gián đoạn giấc ngủ, gây cảm giác mệt mỏi thường trực. Người bệnh cũng bị ảnh hưởng đến tâm lý, giảm khả năng làm việc và ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội.

Người bị giãn phế quản sống được bao lâu thường phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt cấp, khả năng đáp ứng với điều trị.

Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh giãn phế quản có tuổi thọ bình thường nếu được chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp. Một số người bị giãn phế quản phát triển các triệu chứng ngay từ khi còn nhỏ và có thể sống chung với bệnh giãn phế quản trong nhiều năm.

Bệnh giãn phế quản có nguy hiểm không? Những biến chứng thường gặp ở người bệnh giãn phế quản như: Viêm phổi tái phát, suy tim, suy dinh dưỡng... Chúng có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh. Tình trạng tổn thương phế quản càng nghiêm trọng thì chức năng hô hấp càng giảm sút, làm giảm chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân.

Giãn phế quản sống được bao lâu? Cách kéo dài tuổi thọ cho người bệnh 2
Phế quản tổn thương ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng

Tuổi thọ của người mắc căn bệnh này có thể giảm so với người bình thường. Giãn phế quản là một bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, người bệnh có thể kiểm soát bệnh và kéo dài tuổi thọ. Một số yếu tố chính ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân gồm:

Mức độ nghiêm trọng của bệnh

Giai đoạn bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tiên lượng. Khi bệnh mới bắt đầu, các triệu chứng thường nhẹ và dễ kiểm soát bằng thuốc. Với sự điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể duy trì chất lượng cuộc sống tương đối tốt. Khi bệnh tiến triển nặng, các tổn thương phổi trở nên nghiêm trọng, gây khó thở nghiêm trọng, suy hô hấp và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác. Ở giai đoạn này, tiên lượng thường xấu hơn và tuổi thọ có thể bị rút ngắn.

Bệnh nhân đã mắc biến chứng chưa?

Giãn phế quản có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tuổi thọ. Viêm phổi tái phát làm suy yếu chức năng phổi và tăng nguy cơ tử vong. Suy tim phải do tăng áp lực trong mạch máu phổi cũng làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy người bệnh giãn phế quản có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn so với người bình thường. Đây cũng là yếu tố làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân.

Môi trường sống và điều kiện chăm sóc

Môi trường sống và điều kiện chăm sóc cũng là yếu tố quan trọng. Tiếp xúc với khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, các chất kích thích hô hấp có thể làm trầm trọng thêm bệnh tình. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị. Thói quen tập luyện ở mức độ phù hợp giúp cải thiện chức năng hô hấp và sức khỏe tổng thể. Việc được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và theo dõi thường xuyên giúp kiểm soát bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Giãn phế quản sống được bao lâu? Cách kéo dài tuổi thọ cho người bệnh 3
Giãn phế quản sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Ngoài ra, còn một số yếu tố liên quan khác như:

  • Người lớn tuổi, người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường thường có tiên lượng nặng hơn.
  • Nếu người bệnh đáp ứng tốt với phác đồ điều trị, các triệu chứng được kiểm soát tốt, tiên lượng sẽ khả quan hơn.
  • Người bệnh có tinh thần lạc quan, tuân thủ điều trị sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn và tuổi thọ cao hơn.

Cách kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống người bệnh

Thay vì tập trung vào đi tìm con số cụ thể cho câu hỏi giãn phế quản sống được bao lâu, điều quan trọng hơn là người bệnh giãn phế quản cần được điều trị sớm, đúng cách và theo dõi sức khỏe sát sao.

Điều trị giãn phế quản

Trong điều trị giãn phế quản, các loại thuốc thường được sử dụng gồm: Các loại thuốc giãn phế quản, kháng sinh, corticosteroid. Các thuốc giãn phế quản giúp mở rộng các đường thở, giảm khó thở. Kháng sinh dùng để điều trị các đợt nhiễm trùng đường hô hấp. Corticosteroid có tác dụng giảm viêm và sưng phổi. Ngoài ra, phương pháp vật lý trị liệu hô hấp giúp làm sạch đờm, tăng thông khí phổi và cải thiện khả năng vận động. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ các phần phổi bị tổn thương nặng.

Chăm sóc y tế và lối sống

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Thực hiện đúng theo phác đồ điều trị, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng nếu có.
  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein để tăng cường sức đề kháng.
  • Một cách đơn giản để tăng cường sức khỏe tim mạch và phổi chính là tập thể dục vừa sức mỗi ngày.
  • Giữ tinh thần lạc quan để đối phó tốt hơn với bệnh tật.
Giãn phế quản sống được bao lâu? Cách kéo dài tuổi thọ cho người bệnh 4
Bệnh nhân giãn phế quản cần được theo dõi thường xuyên

Tuổi thọ của người bệnh giãn phế quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh vẫn có thể kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống nếu tuân thủ điều trị và có lối sống lành mạnh. Người bị giãn phế quản cũng sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:giãn phế quản