Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người bị viêm xoang có nên xông mũi không?

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Viêm xoang tuy không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Ngoài rửa mũi, xông mũi cũng là cách đang được nhiều bệnh nhân áp dụng để giảm triệu chứng của bệnh. Vậy viêm xoang có nên xông mũi không?

Viêm xoang là tình trạng các xoang bị viêm do nhiễm virus, vi khuẩn, vi nấm hoặc dị ứng. Triệu chứng viêm xoang đầu tiên và điển hình nhất thường là chảy nhiều dịch mũi, ngạt mũi, đau tức hoặc nặng vùng mặt. Đôi khi, người bệnh bị đau nhức sọ mắt, đau đầu, mặt, có sốt hoặc không. Ngoài xịt rửa mũi thường xuyên, nhiều bệnh nhân xông mũi hàng ngày để giảm nhẹ triệu chứng viêm xoang. Vậy viêm xoang có nên xông mũi không?

Viêm xoang có nên xông mũi?

Theo các bác sĩ, ngoài xịt rửa mũi thường xuyên, xông mũi cũng là việc mà bệnh nhân viêm xoang nên làm hàng ngày. Xông mũi trị viêm xoang mang đến những lợi ích như:

  • Xông mũi cung cấp độ ẩm cho hốc xoang và khoang mũi, giúp làm lỏng dịch xoang, hỗ trợ dẫn lưu dịch xoang tốt hơn. Từ đó, người bệnh có thể làm sạch mũi dễ dàng hơn và giảm các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi hay căng tức, đau nhức vùng xoang.
  • Nếu kết hợp xông mũi bằng thuốc hay bằng các loại tinh dầu, dược liệu, các hoạt chất và thành phần có lợi sẽ theo hơi sương, tác dụng trực tiếp lên các vùng viêm nhiễm ở xoang và đường hô hấp nên hiệu quả nhanh và ít tác dụng phụ hơn. Nếu dùng thuốc đường uống, thuốc cần đi vào dạ dày rồi mới ngấm vào máu và đi đến các tế bào viêm nên hiệu quả có thể đến chậm hơn.
  • Một số loại lá cây hay tinh dầu dùng để xông mũi cho bệnh nhân viêm xoang như tinh dầu tràm trà, tinh dầu đinh hương hay bạc hà không những có tác dụng thông mũi, long đờm, giảm dịch nhầy mà còn có tác dụng khử khuẩn, kháng viêm xoang mũi. Ngoài ra, các tinh dầu này còn giúp làm ấm đường hô hấp, mang lại cảm giác thư giãn cho bệnh nhân.
  • Trong quá trình xông mũi, niêm mạc mũi và xoang sẽ giãn nở dưới tác động của hơi nóng. Điều này khiến tăng cường lưu thông máu ở các mạch máu ở mũi. Sự tăng nhiệt này cũng kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sản xuất kháng thể để chống lại các tác nhân gây viêm xoang.
viem-xoang-co-nen-cong-mui-2.jpg
Xông mũi đúng cách là việc nên làm với bệnh nhân viêm xoang

Các loại lá xông mũi cho người viêm xoang

Viêm xoang có nên xông mũi không đến đây bạn đã có câu trả lời. Trong quá trình xông, bạn có thể dùng các loại cây thuốc chữa viêm xoang hoặc tinh dầu chữa viêm xoang. Nếu dùng các loại lá cây thuốc, cách làm chung là bạn lấy lá cây tươi, mang rửa sạch rồi nấu cùng nước. Nước lá đun sôi thu được bạn dùng để xông ngay trong 10 - 15 phút mỗi lần. Các loại lá cây thuốc dễ kiếm và rất hữu ích trong điều trị viêm xoang như:

  • Lá chanh với hàm lượng lớn tinh dầu saponin là chất kháng viêm, diệt khuẩn, tiêu diệt virus trong xoang hiệu quả. Bạn có thể dùng lá chanh tươi hoặc kết hợp với vỏ cam sấy khô.
  • Lá trầu không có chứa Betal – phenol, Chavicol, Flavonoid và các hợp chất Phenolic khác là những chất kháng khuẩn, kháng nấm, diệt virus tự nhiên mà cực kỳ hiệu quả.
  • Lá bạch đàn có tác dụng làm ấm, làm thông xoang, kích thích đào thải dịch nhầy và tăng cường lưu thông khí huyết trong xoang.
  • Thân cây giao với công dụng chính là tiêu viêm, sát trùng, tiêu dịch nhầy. Bạn có thể dùng khoảng 15 đốt cây giao nấu với nước để xông mũi hàng ngày.
  • Lá trà xanh cũng có thể dùng để xông mũi chữa viêm xoang. Catechin trong lá trà có tác dụng làm se, kháng khuẩn. Saponin có đặc tính chống nấm, chống viêm và chống dị ứng.
  • Lá tía tô với axit Rosmarinic và Luteolin là những thành phần có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng viêm xoang.
  • Dùng lá bạc hà xông mũi sẽ giúp giảm tiết dịch nhầy, giảm đau nhức trong hốc xoang.
viem-xoang-co-nen-cong-mui-1.jpg
Nấu nước xông mũi từ những thảo dược quanh nhà

Tinh dầu xông mũi tốt cho người viêm xoang

Viêm xoang có nên xông mũi không? Câu trả lời là có. Ngoài các loại lá cây thảo dược trên đây, người bệnh còn có thể dùng một số loại tinh dầu trị xoang để xông mũi. Một số loại tinh dầu có tác dụng giảm viêm, thông mũi, giảm nhẹ triệu chứng viêm xoang như:

  • Tinh dầu khuynh diệp chứa cineol có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn mạnh mẽ, làm giảm phù nề bên trong hốc xoang. Eucalyptol có tác dụng giảm sản xuất chất nhầy trong xoang. Dùng loại tinh dầu này xông mũi sẽ giúp đường thở thông thoáng, giảm nghẹt mũi, giảm cảm giác đau nhức do viêm xoang.
  • Tinh dầu tràm trà cũng nổi tiếng với khả năng sát trùng, diệt khuẩn, ngừa nấm. Hoạt chất chống viêm trong loại tinh dầu này giúp giảm phù nề trong xoang, tăng cường dẫn lưu dịch xoang. Xông mũi bằng tinh dầu tràm trà vừa hỗ trợ điều trị bệnh, vừa phòng ngừa tái phát bệnh.
  • Tinh dầu bạc hà với các thành phần kháng viêm, kháng khuẩn, diệt virus là lựa chọn thay thế cho những ai không tiện đun nước lá bạc hà để xông mũi. Loại tinh dầu này giúp đường thở thông thoáng và tinh thần thư thái ngay tức thì.
  • Tinh dầu thông cũng có khả năng giảm tiết dịch nhầy, giảm sưng viêm, trị xung huyết và dị ứng. Vì vậy nó phù hợp để bệnh nhân viêm xoang xông mũi hàng ngày.
  • Tinh dầu hương thảo với mùi hương đặc trưng dễ chịu vừa là giải pháp thư giãn tinh thần vừa có tác dụng kháng viêm, giảm đau do viêm xoang hiệu quả.
viem-xoang-co-nen-cong-mui-3.jpg
Có thể dùng tinh dầu và máy xông tinh dầu

Những lưu ý khi xông mũi trị viêm xoang

Tất cả những ai từng băn khoăn viêm xoang có nên xông mũi không đến đây đều đã hiểu rõ lợi ích của việc xông mũi. Tuy nhiên, có những người xông mũi nhận thấy hiệu quả tức thì, cũng có những người thấy khó chịu hơn. Vì vậy, để cách chăm sóc xoang mũi này đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần lưu ý:

  • Xông mũi không phải phương pháp chữa viêm xoang tận gốc mà đây chỉ là cách để hỗ trợ điều trị triệu chứng viêm xoang. Ngoài rửa mũi, xông mũi, bệnh nhân cần chữa bệnh bằng thuốc giảm viêm xoang hoặc các biện pháp khác theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Ngoài việc tự nấu nước xông hàng ngày, nhiều người bệnh dùng máy xông chuyên dụng. Sau mỗi lần xông, bệnh nhân cần vệ sinh dụng cụ sạch sẽ tránh làm lây nhiễm bệnh.
  • Trong quá trình xông mũi, người bệnh cần giữ khoảng cách phù hợp để tránh bị bỏng rát da mặt hay niêm mạc mũi.
  • Không tự ý pha trộn, kết hợp các nguyên liệu khác nhau để làm nước xông, tránh gặp tác dụng phụ không mong muốn.
  • Nếu dùng cây thuốc nấu nước xông, bạn cần đảm bảo dùng nguyên liệu sạch, không hóa chất bảo vệ thực vật để tránh ngộ độc.
  • Một số người có cơ địa mẫn cảm có thể dị ứng với tinh dầu thảo dược tự nhiên. Nếu trong quá trình xông bệnh nhân gặp triệu chứng chóng mặt, khó thở, da mẩn đỏ hãy ngừng xông và đến bệnh viện để được hỗ trợ.
viem-xoang-co-nen-cong-mui-4.jpg
Xông mũi đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn

Hy vọng qua bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu, bạn đã biết viêm xoang có nên xông mũi không và xông mũi bằng những nguyên liệu nào. Hãy áp dụng đúng cách để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu của bệnh xoang bạn nhé!

Xem thêm: Viêm xoang để lâu có sao không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin