Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mất nước là tình trạng mất đi lượng nước trong cơ thể nhiều hơn lượng nước được cung cấp hàng ngày. Nếu không được bù đủ nước thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước, dẫn tới sốc nhiệt, tụt huyết áp. Vậy nguyên nhân gây mất nước cơ thể là gì và cách xử trí ra sao?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm cơ thể mất nước và chất điện giải. Mọi người cần tìm hiểu nguyên nhân gây mất nước cơ thể và những biểu hiện mất nước để có thể xử trí kịp thời, nhất là đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già.
Nước chiếm khoảng 75% cơ thể của con người, có trong các tế bào, giữa các tế bào, trong mạch máu… Lượng nước cần thiết trong cơ thể mỗi người không giống nhau. Mỗi ngày một người trưởng thành cần uống trung bình 2 lít nước.
Hàng ngày, lượng nước trong cơ thể bị mất qua mồ hôi, nước bọt, nước mắt, đi tiêu tiểu… Đây là những nguyên nhân gây mất nước cơ thể tự nhiên. Bình thường, lượng nước này được bù lại qua đường ăn uống.
Khi lượng nước trong cơ thể chúng ta bị mất đi nhiều hơn lượng nước được cung cấp mỗi ngày và không được bù lại đủ nước thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước. Thiếu nước khiến các cơ quan không thể hoạt động một cách bình thường, từ đó, dẫn đến các triệu chứng từ nhẹ tới nặng, thậm chí có thể gây tử vong.
Những triệu chứng của việc mất nước dễ nhận thấy là cảm giác khát, nước tiểu sậm màu hoặc lượng nước tiểu giảm đi. Dựa vào màu sắc nước tiểu là dấu hiệu chính xác nhất. Ở tình trạng bình thường, nước tiểu vàng, trong suốt nhưng khi thiếu nước lượng nước tiểu ít đi và sẫm màu. Nếu dựa vào cảm giác khát thì không chính xác. Nhiều người, đặc biệt là người già, bị mất nước nhưng lại không cảm thấy khát.
Ở người lớn, dấu hiệu bị mất nước thường gặp là khô miệng, ngủ gà, lơ mơ, yếu cơ, hoa mắt chóng mặt. Khi bị mất 10 – 15% tổng lượng nước trong cơ thể, người lớn sẽ có triệu chứng gồm không chảy mồ hôi, da khô hoặc nhăn nheo, mắt trũng, sốt, mê sảng, mất ý thức, huyết áp thấp, nhịp tim tăng nhanh.
Ở trẻ em, việc nhận ra dấu hiệu mất nước sẽ khó hơn. Bạn cần theo dõi thêm những biểu hiện sau: Khô miệng và lưỡi, khóc không có nước mắt, tã của trẻ không ướt sau mỗi 3 giờ, mắt trũng, má trũng, trẻ bị kích thích, lừ đừ nếu bị nặng.
Mất nước tự nhiên: Một người lớn trung bình mỗi ngày bị mất nhiều hơn gần 2,5 lít nước qua việc tiết mồ hôi, hơi thở và loại bỏ chất thải. Ngoài ra, cơ thể cũng bị mất chất điện giải gồm natri, kali và canxi để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Thông thường, có thể bù lại những gì đã mất đi thông qua con đường ăn uống.
Đôi khi xảy ra mất nước vì không uống đủ nước.
Tiêu chảy, ói mửa: Tiêu chảy cấp tính đột ngột có thể dẫn đến mất một lượng nước và chất điện giải rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Đi kèm với tiêu chảy là nôn mửa. Khi bị tiêu chảy, người bệnh sẽ mất chất lỏng và khoáng chất trong cơ thể nhiều hơn. Trẻ em và trẻ sơ sinh đặc biệt là đối tượng nguy cơ bị mất nước do tiêu chảy. Mất nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới.
Sốt: Đây là một trong những nguyên nhân gây mất nước cơ thể phổ biến. Sốt càng cao càng gây mất nước. Nếu bị sốt kèm theo tiêu chảy và ói mửa khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
Đổ quá nhiều mồ hôi: Chúng ta sẽ bị mất nước khi đổ mồ hôi. Nếu vận động nhiều nhưng không bù nước bù khoáng, chúng ta có thể bị mất nước. Thời tiết nóng ẩm làm đổ mồ hôi nhiều gây mất nước. Nếu không bù đủ nước, cơ thể cũng bị mất nước trong mùa đông.
Đi tiểu nhiều: Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu, thường gây khát nước và đi tiểu thường xuyên. Một loại bệnh tiểu đường là đái tháo nhạt cũng gây khát và đi tiểu quá nhiều, ngoài ra còn làm rối loạn nội tiết tố khiến thận không thể giữ nước. Một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp, thuốc kháng histamine, một số loại thuốc tâm thần và rượu cũng có thể dẫn đến mất nước vì làm cho đi tiểu hoặc ra mồ hôi nhiều hơn bình thường.
Bỏng: Các bác sĩ phân loại tình trạng bỏng da theo độ sâu của tổn thương và mức độ thiệt hại mô. Bỏng độ ba là nghiêm trọng nhất vì gây tổn thương cả ba lớp da và thường phá hủy tuyến mồ hôi, nang lông và dây thần kinh. Những người bị bỏng độ ba hoặc độ hai bị mất nước, có thể bị đe dọa tính mạng.
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho tình trạng mất nước chính là bù nước và chất điện giải kịp thời. Tuy nhiên cần lưu ý đến độ tuổi, nguyên nhân và mức độ mất nước của người bệnh để bù nước một cách phù hợp.
Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, nếu nguyên nhân gây mất nước cơ thể là do tiêu chảy kèm theo nôn hoặc sốt, có thể sử dụng dung dịch oresol hoặc nước cháo muối để bù nước. Đó là những dung dịch bù nước và chất điện giải rất tốt.
Người bệnh cần xem kỹ hướng dẫn cách pha thuốc trên mỗi gói oresol. Cần pha oresol với nước đun sôi để nguội và cho trẻ uống theo liều lượng sau mỗi khi đi ngoài:
Trong trường hợp ở nhà không có dung dịch oresol, bạn có thể nấu nước cháo muối cho trẻ uống. Cách nấu như sau: Lấy một nắm gạo, một nhúm muối pha với khoảng 1,2 lít nước sạch, đun cho nhừ, rồi lọc lấy khoảng 1 lít nước cho trẻ uống dần. Việc bù nước cho trẻ cần duy trì cho đến khi trẻ đi ngoài phân sệt mới ngưng uống.
Khi bị mất nước do lao động hoặc chơi thể thao trong điều kiện thời tiết nắng nóng, có thể bù nước bằng đồ uống chứa chất điện giải hay nước mát. Đối với trường hợp mất nước nhẹ do nôn, tiêu chảy, sốt chỉ cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi. Tuyệt đối không sử dụng nước nước ngọt hay nước trái cây vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Trong trường hợp trẻ em hay người lớn bị mất nước nghiêm trọng cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu và và có hướng xử lý kịp thời.
Khi bị mất nước nặng, việc bù nước và chất điện giải theo cách thông thường sẽ không hiệu quả bằng truyền dịch trực tiếp qua đường tĩnh mạch. Nước, muối và các chất điện giải truyền qua đường tĩnh mạch sẽ được hấp thu nhanh hơn giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Mất nước là tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe không nên xem thường. Nếu bị mất nước nhẹ có thể bù nước theo cách thông thường nhưng nếu các triệu chứng của việc mất nước nghiêm trọng hơn bạn cần tìm đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.