Nguyên nhân gì gây ra bọc răng sứ bị lệch khớp cắn? Có cách khắc phục không?
Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bọc răng sứ bị lệch khớp cắn là biến chứng có thể xảy ra. Vậy nguyên nhân gây ra là gì? Có cách khắc phục trường hợp này không? Cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Bọc răng sứ luôn là phương pháp hoàn hảo để khắc phục các trường hợp răng bị xấu. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn đang e dè về trường hợp bọc răng sứ bị lệch khớp cắn. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục cho trường hợp này là gì? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bọc răng sứ bị lệch khớp cắn là tình trạng gì?
Bọc răng sứ bị lệch khớp cắn là trường hợp không mong muốn xảy ra sau khi bọc sứ. Lúc này hai hàm răng không ăn khớp với nhau, gây khó khăn trong việc ăn nhai, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng hoặc thậm chí gây ra nhiều biến chứng khác.
Nguyên nhân gây ra bọc răng sứ bị lệch khớp cắn là gì?
Tình trạng lệch khớp không ít gặp phải. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra trường hợp bọc răng sứ bị lệch khớp cắn. Một vài nguyên nhân phổ biến có thể kể đến:
Không cạo vôi răng: Nếu không cạo sạch vôi răng trước khi bọc sứ, sẽ gây ra sự sai lệch khi lấy dấu răng và lắp răng sứ, dẫn đến trường hợp bọc răng sứ bị lệch khớp cắn.
Nha sĩ thực hiện quy trình lắp răng sứ không đúng chuẩn: Nếu nha sĩ có tay nghề kém, khi chụp mão sứ sẽ không sát khít với viền nướu, tạo ra khe hở hoặc áp lực cho răng thật, gây ra lệch khớp.
Răng sứ nhai bị cộm vì chế tác mão sứ sai tỷ lệ, kích thước: Nếu mão sứ được chế tác không đúng kích thước, tỷ lệ và thông số so với dấu thân răng thật, sẽ gây ra lệch khớp cắn.
Mài răng không chính xác: Nếu quá trình mài răng không được đảm bảo sẽ gây ra sự không đều của thân răng thật.
Thay đổi cấu trúc răng thật: Nếu có bất kỳ thay đổi nào về cấu trúc của răng thật, chẳng hạn như: Mất răng, chệch chân răng hoặc di chuyển răng. Thì việc đặt răng sứ có thể bị ảnh hưởng và gây lệch khớp cắn.
Khớp cắn không đúng: Nếu khớp cắn của răng thật không đúng, dẫn đến răng sứ cũng có thể bị lệch khớp.
Ảnh hưởng xấu khi bị lệch khớp cắn do bọc sứ
Trường hợp lệch khớp cắn gây ra nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, đặc biệt khi ăn nhai. Dưới đây là một vài ảnh hưởng do lệch khớp cắn gây ra:
Làm mất cân đối khuôn mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Khi bọc răng sứ bị lệch khớp cắn, hàm trên và hàm dưới không khít với nhau, làm khuôn mặt mất cân đối, hài hòa. Điều này có thể gây ra tâm lý lo lắng, tự ti, cản trở trong công việc và giao tiếp hằng ngày.
Làm giảm khả năng nhai, cắn xé thức ăn, gây khó khăn cho quá trình ăn uống: Khi bọc răng sứ bị lệch khớp cắn, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ăn nhai, cắn xé thức ăn hoặc có thể gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng. Việc nhai thức ăn không kỹ lưỡng trong thời gian dài còn có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như táo bón, đau bao tử,...
Gây hại đến khớp hàm, khớp thái dương, gây đau đầu: Khi bọc răng sứ bị lệch khớp cắn, sẽ làm gia tăng áp lực lên khớp hàm, khi đó dễ xảy ra hiện tượng rối loạn khớp thái dương, đau hàm và thậm chí là gây đau đầu.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng: Khi bọc răng sứ bị cộm hay sai khớp khớp cắn, sẽ khiến hàm răng không đều và rất dễ giắt thức ăn vào kẽ răng. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra các bệnh răng miệng như viêm nướu, sâu răng, hư hỏng răng thật,...
Cách khắc phục khi răng bị lệch khớp cắn do bọc sứ
Cần xác định được nguyên nhân chính gây ra lệch khớp cắn. Vì tùy thuộc vào nguyên nhân, mới có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của trường hợp, từ đó các nha sĩ đưa ra phương pháp khắc phục phù hợp. Dưới đây là hai cách thường được áp dụng:
Sử dụng mão răng sứ cũ: Nha sĩ sẽ tiến hành tháo mão răng sứ cũ, kiểm tra và điều chỉnh khớp cắn sao cho tương thích với cùi răng. Phương pháp này chỉ áp dụng để khắc phục đối với trường hợp bọc răng sứ bị lệch khớp cắn ở mức độ nhẹ.
Làm lại mão răng sứ mới: Nha sĩ sẽ tiến hành đo lại và chế tác mão răng sứ mới. Đây là giải pháp khắc phục đối với trường hợp bọc răng sứ bị lệch khớp cắn ở mức độ nghiêm trọng, không thể dùng lại mão răng sứ cũ.
Trên đây là các thông tin về bọc răng sứ bị lệch khớp cắn. Hy vọng bạn đã có thêm thông tin hữu ích về trường hợp này. Tốt hơn hết bạn nên đến nha khoa để kiểm tra và tư vấn cho bạn phương pháp khắc phục phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng thường xuyên để bảo vệ răng sứ và ngăn ngừa các bệnh lý khác.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.