Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân tắc sữa sau sinh và cách khắc phục

Ngày 15/10/2024
Kích thước chữ

Tắc sữa sau sinh là một trong những vấn đề phổ biến mà nhiều bà mẹ phải đối mặt, đặc biệt là khi nuôi con bằng sữa mẹ. Việc sữa không được tiết ra đều đặn gây căng thẳng, đau nhức cho mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Thông tin dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân tắc sữa sau sinh cũng như các biện pháp có thể hỗ trợ giúp giảm thiểu tình trạng này.

Mặc dù tắc sữa sau sinh là hiện tượng phổ biến, nhưng bạn không nên xem nhẹ vì nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, sản phụ bị tắc tia sữa có nguy cơ gặp các vấn đề như: Áp xe vú, viêm tuyến vú, và lâu dần có thể dẫn đến u xơ tuyến vú, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Hiện tượng tắc tia sữa xảy ra khi nào?

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân tắc sữa sau sinh chúng ta hãy đi tìm câu trả lời cho vấn đề: Tắc tia sữa xảy ra khi nào? Trong suốt thai kỳ, tuyến sữa của mẹ đã bắt đầu hoạt động để chuẩn bị cho việc tiết sữa sau sinh, nhằm cung cấp dinh dưỡng cho bé. Sữa được sản xuất từ các nang sữa và di chuyển qua ống dẫn đến xoang chứa phía sau quầng vú. Khi bé bú hoặc có sự kích thích vào bầu vú, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, nếu sữa bị tắc, tại điểm tắc sẽ hình thành các hòn cục do sữa bị đông lại, trong khi sữa vẫn tiếp tục được sản xuất. Điều này làm ống dẫn sữa bị tắc và căng, gây áp lực lên hệ thống dẫn sữa.

Nguyên nhân tắc sữa sau sinh và cách khắc phục - 1
Hiện tượng tắc tia sữa xảy ra từ 2 - 3 ngày sau khi sinh

Thường từ 2 - 3 ngày sau sinh, mẹ sẽ cảm thấy bầu vú căng cứng, nặng và nóng. Sữa tiết ra theo tia có thể gây cảm giác cứng cục và tạo hiện tượng căng sữa. Nếu không can thiệp sớm, tắc tia sữa có thể xảy ra, thậm chí gây sốt và nhiễm trùng nếu kéo dài. Do đó, mẹ cần theo dõi cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân tắc sữa sau sinh liên tục

Nguyên nhân tắc sữa sau sinh có thể phân chia thành hai nhóm nguyên nhân chính: Tắc tia sữa do sữa dư thừa và tắc tia sữa do các yếu tố nội tại.

  • Khi mẹ không cho bé bú hết sữa hoặc không hút phần sữa thừa sau khi bé đã no, lượng sữa còn tồn đọng trong bầu ngực và ống dẫn sữa có thể gây tắc tia sữa.
  • Nếu mẹ không hút sữa ra thường xuyên, hoặc sử dụng máy hút sữa với lực hút yếu không thể hút hết sữa, sữa dư thừa sẽ tích tụ lại, gây tắc tia sữa.
  • Khi nuôi con bằng sữa mẹ, nếu trẻ ngậm ti không đúng cách có thể bú không đủ lượng sữa cần thiết, dẫn đến sữa dư thừa trong bầu ngực. Sự tích tụ này lâu ngày sẽ gây ra tắc tia sữa thường xuyên.
  • Nếu vì lý do nào đó mà mẹ không cho bé bú đều đặn, sữa sẽ bị ứ đọng lại trong bầu ngực gây ra tình trạng căng tức và tắc tia sữa.
  • Từ tháng thứ 6 của thai kỳ, sữa mẹ đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên, sau khi sinh, nếu sữa không được kích thích để tiết ra, sữa mẹ sẽ ứ đọng trong bầu ngực, khiến ngực căng cứng, gây đau và có thể khiến mẹ bị sốt nhẹ.
  • Việc sử dụng áo ngực quá chật, mặc quần áo bó sát, địu trẻ nặng hoặc nằm sấp khi ngủ có thể gây áp lực lên ngực, dẫn đến tắc tia sữa. Tập luyện các bài tập tác động mạnh đến vùng ngực cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.
  • Sau sinh, sự thay đổi trong cơ thể và áp lực cuộc sống có thể khiến mẹ bị căng thẳng, làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin – hormone quan trọng trong việc tiết sữa. Nguyên nhân tắc sữa sau sinh có thể bắt nguồn từ việc mẹ bị stress, quá trình tiết sữa sẽ bị ảnh hưởng, gây ra tắc tia sữa hoặc thậm chí là mất sữa. Để ngăn ngừa tình trạng này, mẹ nên cố gắng thư giãn, giữ tâm trạng thoải mái, áp dụng thêm xoa bóp chữa tắc tia sữa giúp quá trình sản xuất và tiết sữa diễn ra thuận lợi.
Nguyên nhân tắc sữa sau sinh và cách khắc phục - 2
Nguyên nhân tắc sữa sau sinh có thể bắt nguồn từ việc mẹ không cho bé bú đều đặn

Liệu pháp vật lý hỗ trợ giảm tắc tia sữa sau sinh

Liệu pháp vật lý trị liệu có thể giúp giảm tình trên tùy thuộc vào từng nguyên nhân tắc sữa sau sinh gây ra. Những phương pháp này giúp làm tan các khối sữa bị đông kết hoặc vón cục, đồng thời không gây tổn thương cho tuyến sữa bị viêm hay hệ thống ống dẫn sữa. Đặc biệt, liệu pháp không cần sử dụng thuốc giảm đau hay kháng viêm toàn thân, và mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé bú trong quá trình điều trị.

Một số phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong trường hợp tắc tia sữa sau sinh:

  • Phương pháp trị liệu bằng nhiệt: Nhiệt có tác dụng giảm đau, giảm co thắt và tăng cường chống viêm. Đồng thời, nó thúc đẩy quá trình tái sinh mô và giúp vết thương mau lành.
  • Phương pháp siêu âm: Siêu âm giúp giảm đau, làm mềm các mô đông cứng, tăng cường phản ứng sinh học và quá trình chuyển hóa, từ đó thúc đẩy quá trình tái tạo mô nhanh hơn.
  • Phương pháp sử dụng laser: Laser giúp giảm phù nề, chống viêm, giảm đau và kích thích hoạt động của nguyên bào sợi, hỗ trợ quá trình tổng hợp collagen và tái tạo mô hiệu quả.
Nguyên nhân tắc sữa sau sinh và cách khắc phục - 3
Tùy thuộc tình trạng mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp vật lý hỗ trợ giảm tắc tia sữa sau sinh thích hợp

Cách giảm tắc tia sữa sau sinh tại nhà

Dưới đây là một số phương pháp mẹ có thể áp dụng tại nhà để giảm tình trạng tắc tia sữa sau sinh:

  • Cho bé bú bên ngực bị tắc trước: Nếu bầu ngực không quá đau, mẹ nên cho bé bú bên ngực bị tắc trước. Bé sẽ bú với lực mạnh nhất lúc đầu, giúp thông tia sữa bị tắc hiệu quả hơn.
  • Sử dụng túi chườm nóng: Chườm nóng quanh bầu ngực có thể giúp sữa chảy đều hơn, làm giảm sự ứ đọng sữa trong các ống dẫn.
  • Thay đổi tư thế bú: Thường xuyên thay đổi tư thế cho con bú đúng cách, chẳng hạn như: Ngồi, nằm, hoặc ôm, giúp sữa trong các ống dẫn được hút ra dễ dàng hơn.
  • Xoa bóp vùng ngực bị tắc: Mẹ nên thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng vùng ngực bị tắc để giúp thông tuyến sữa. Có thể kết hợp xoa bóp với chườm ấm trước khi cho bé bú để giảm đau, giảm sưng, và hỗ trợ khai thông tia sữa.

Cách phòng ngừa tắc ống dẫn sữa sau sinh

Nguyên nhân tắc sữa sau sinh khá đa dạng, khi xảy ra nó ảnh hưởng đến lượng sữa cung cấp cho bé, cả về dưỡng chất lẫn kháng thể tự nhiên. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn có thể áp dụng theo các biện pháp sau:

  • Ngoài việc cho bé bú đúng cữ và thường xuyên, mẹ cần hút sữa đều đặn sau mỗi lần bé bú no. Điều này giúp đảm bảo sữa không bị ứ đọng và luôn kích thích việc sản xuất sữa mới. Ngoài ra mẹ cũng cần chú ý sữa mẹ có thể sử dụng bao lâu sau khi hút ra trước khi cho trẻ sử dụng.
  • Mẹ nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các nhóm chất cần thiết và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh căng thẳng và mệt mỏi kéo dài, vì chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiết sữa.
  • Mẹ cần uống đủ lượng nước khuyến nghị mỗi ngày để hỗ trợ việc sản xuất sữa và giúp khơi thông tuyến sữa tốt hơn.
  • Mẹ không nên mặc áo ngực quá chật, tránh nằm sấp khi ngủ và cần hạn chế các tác động mạnh lên bầu ngực để giảm nguy cơ tắc tia sữa.
  • Mẹ có thể tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như: Yoga, kegel hoặc đi bộ. Những môn thể thao này không chỉ giúp hỗ trợ việc sản xuất sữa mà còn cải thiện sức khỏe và vóc dáng sau sinh.
Nguyên nhân tắc sữa sau sinh và cách khắc phục - 4
Mẹ sau sinh cần uống đủ lượng nước mỗi ngày để phòng ngừa tình trạng tắc sữa

Tắc sữa sau sinh có thể là một trải nghiệm không mấy dễ chịu đối với nhiều phụ nữ. Nếu bạn có sự hiểu biết đúng đắn về nguyên nhân tắc sữa sau sinh và chăm sóc, cải thiện hợp lý, tình trạng này hoàn toàn có thể được kiểm soát. Bạn nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình và tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ khi cần thiết nếu tình trạng tắc sữa không được cải thiện.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:SữaDinh dưỡng