Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân và triệu chứng COPD đợt cấp

Ngày 15/03/2022
Kích thước chữ

Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng bệnh chuyển biến đột ngột, nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Vậy nguyên nhân và triệu chứng COPD đợt cấp là gì?

Đợt cấp COPD hay còn gọi là đợt kịch phát COPD thường rất nguy hiểm vì lúc này tổn thương phổi đã chuyển biến nặng hơn. Nếu bạn được chẩn đoán mắc COPD, việc hiểu rõ các triệu chứng và chủ động ngăn ngừa đợt cấp sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Hiểu rõ các triệu chứng và chủ động ngăn ngừa đợt cấp sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong

Hiểu rõ các triệu chứng và chủ động ngăn ngừa đợt cấp sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong

Đợt cấp COPD là gì?

Đợt cấp COPD là tình trạng các triệu chứng hô hấp thay đổi từ giai đoạn ổn định của bệnh chuyển sang giai đoạn nặng đột ngột, tác động tiêu cực đến chức năng phổi và cần có sự thay đổi phác đồ điều trị thông thường. Nếu bệnh nhân không phát hiện kịp thời sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm, điều trị chậm trễ dẫn đến tiên lượng nặng.

Nguyên nhân gây đợt cấp COPD

Nguyên nhân phổ biến nhất và chiếm hơn 80% của các đợt cấp là nhiễm trùng COPD bội nhiễm, có thể do virus hoặc vi khuẩn như:

  • Các loại virus thường gặp như rhinovirus, influenza, human metapneumomia virus, picornaviruses, parainfluenza, respiratory syncytial virus, coronavirus, adenovirus...
  • Các vi khuẩn thường gặp như haemophilus influenzae, streptococcus pneumoniae, moraxella catarrhalis, staphylococcus aureus...

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây ra đợt cấp COPD có thể liên quan đến:

  • Yếu tố nội khoa như bệnh tắc mạch phổi, tràn khí màng phổi, mệt cơ hô hấp, sử dụng thuốc an thần, bỏ thuốc điều trị, dùng thuốc không đúng phác đồ, chẹn beta giao cảm, dùng thuốc gây mê, bệnh nhân rối loạn nhịp tim và rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng cơ quan khác...
  • Yếu tố phẫu thuật như gãy xương, chấn thương lồng ngực, sau phẫu thuật vùng bụng và lồng ngực.

Các triệu chứng COPD đợt cấp

Phổi có nhiệm vụ trao đổi oxy và carbon dioxide cho cơ thể, ở những người bị COPD sẽ gặp nhiều khó khăn với quá trình trao đổi này vì phổi không hoạt động tốt. Điều này dẫn đến sự tích tụ carbon dioxide và giảm oxy. Nếu quá nhiều carbon dioxide tích tụ trong cơ thể hoặc nếu mức oxy xuống quá thấp có thể dẫn đến tử vong.

Một dấu hiệu rõ ràng của đợt cấp COPD là khó thở. Bệnh nhân cảm thấy tức ngực và không thở được Điều này có thể xảy ra ngay cả khi hoạt động thể chất nhẹ nhàng hay đang nghỉ ngơi. Một số triệu chứng COPD đợt cấp khác cần lưu ý như sau:

Khó thở

Bệnh nhân đợt cấp của COPD thường không thể thở thoải mái, cảm thấy thiếu không khí và có xu hướng khó thở nặng dần lên. Nếu tình trạng này kéo dài và trở nên trầm trọng hơn hoặc bệnh nhân khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi thì nên dùng thuốc hỗ trợ và tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời. Có thể nói, đây cũng là một trong những triệu chứng thường gặp của COPD đợt cấp.

Bệnh nhân đợt cấp của COPD thường không thể thở thoải mái, cảm thấy thiếu không khí và có xu hướng khó thở nặng dần lên

Bệnh nhân đợt cấp của COPD thường không thể thở thoải mái, cảm thấy thiếu không khí và có xu hướng khó thở nặng dần lên

Thở rít

Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường cảm thấy khó thở khi họ thở ra nghe tiếng rít. Âm thanh này là do sự tích tụ của các chất tiết, đờm mủ và làm tắc nghẽn đường thở.

Thở có tiếng khò khè

Thở khò khè ở những người bị COPD cũng là do chất nhầy và mủ làm tắc nghẽn một phần đường thở.

Tức ngực

Trong các đợt cấp của COPD, bệnh nhân cảm thấy cần phải thở mạnh, có thể dẫn đến đau và tức ngực. Trong đợt kịch phát, nhịp thở của một người có thể trở nên không đều và lồng ngực lên xuống nhanh chóng bất thường.

Ho

Đối với những người bị COPD, ho thường xuyên và dữ dội hơn bình thường có thể là một triệu chứng đợt cấp COPD. Lúc này người bệnh có thể bị ho khan, ho ra đờm màu vàng xanh.

Đổi màu da hoặc móng tay

Trong đợt cấp của COPD, người bệnh có thể trải qua những thay đổi đáng chú ý về màu da, chẳng hạn như màu xanh tím quanh môi và khuôn mặt nhợt nhạt, móng tay cũng có thể chuyển sang màu xanh và tím. Đây là dấu hiệu của bệnh suy hô hấp cấp.

Khó ngủ và chán ăn

Khi các triệu chứng COPD đợt cấp nặng lên, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, mất ngủ.

Nhức đầu vào buổi sáng

Đây cũng được coi là một dấu hiệu rõ ràng khi bệnh COPD đang xấu đi. Ở những người bị COPD, nồng độ oxy trong máu thấp và carbon dioxide dư thừa tích tụ trong máu là những nguyên nhân gây ra đau đầu vào sáng sớm.

Nhức đầu vào buổi sáng là một dấu hiệu rõ ràng khi bệnh COPD đang xấu đi

Nhức đầu vào buổi sáng là một dấu hiệu rõ ràng khi bệnh COPD đang xấu đi

Sốt

Đây cũng được coi là một dấu hiệu của nhiễm trùng và là sự khởi đầu của đợt cấp COPD sắp xảy ra.

Lo lắng, căng thẳng

Trong đợt cấp của COPD, bệnh nhân sẽ không được cung cấp đủ oxy. Điều này không chỉ gây ra khó thở mà còn có thể mang lại cảm giác lo lắng và hoảng sợ cho người bệnh.

Không đủ sức nói

Những người bị suy hô hấp nặng có thể không nói được bình thường. Thay vào đó, người bệnh phải dùng cử chỉ để thể hiện những gì mình muốn truyền đạt.

Trên đây là những nguyên nhân và triệu chứng COPD đợt cấp. Bạn cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có một hoặc nhiều triệu chứng trên. Nhận biết các dấu hiệu của đợt cấp COPD có thể giúp bệnh nhân xử trí kịp thời và giảm tình huống xấu nhất, giảm nguy cơ bùng phát COPD đe dọa tính mạng. Bỏ qua các dấu hiệu suy giảm có thể dẫn đến suy giảm chức năng phổi nhanh hơn. Điều quan trọng là bạn phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức để giảm thiểu tác hại do COPD đợt cấp tiến triển nặng nhanh.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin