Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhiệt miệng ở nướu: Những điều bạn nên biết

Ngày 18/06/2023
Kích thước chữ

Tình trạng nhiệt miệng chắc hẳn không còn xa lạ với nhiều người nhưng nhiệt miệng ở nướu lại ít gặp hơn, gây đau đớn, khó chịu trong khoang miệng. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu mời bạn cùng tìm hiểu về hiện tượng nhiệt miệng ở nướu.

Nhiệt miệng ở nướu còn gọi là loét miệng ở nướu, là bệnh lý răng miệng tương đối phổ biến. Đối tượng bị nhiệt miệng ở nướu không phân biệt tuổi tác, giới tính hay lịch sử bệnh lý, bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng trên. Vậy nhiệt, loét miệng ở nướu là gì và cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây nhiệt miệng ở nướu

Tình trạng nhiệt miệng ở nướu hay loét miệng ở nướu là một vết rách hoặc loét kích thước nhỏ, không quá sâu xuất hiện ở phần nướu. Vết rách này có thể do quá trình ăn uống lỡ cắn vào nướu hoặc do tác động của bệnh lý khác.

Thông thường nhiệt miệng ở nướu sẽ tự khỏi trong 7 - 10 ngày, không để lại sẹo hay biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu tình trạng nhiệt miệng ở nướu kéo dài quá 2 tuần không thuyên giảm, triệu chứng đau nhức ngày một nặng hơn thì bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất. 

Nhiệt miệng ở nướu: Những điều bạn nên biết 1
Nhiệt miệng ở nướu là vấn đề răng miệng thường gặp

Nguyên nhân gây nên nhiệt miệng ở nướu khá đa dạng. Theo quan niệm dân gian, vết loét ở nướu là do tình trạng nóng trong người, ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, cơ thể phản ứng với thời tiết thay đổi nhanh chóng, nóng bức kéo dài,... Theo y khoa, tình trạng nhiệt miệng ở nướu là do rất nhiều yếu tố gây nên, phổ biến có thể kể đến như:

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu, sức đề kháng giảm, rối loạn miễn dịch,... tạo điều kiện cho vi khuẩn, tác nhân gây bệnh xâm nhập.
  • Căng thẳng, stress, mệt mỏi kéo dài làm tăng nguy cơ bị nhiệt miệng ở nướu.
  • Thay đổi nội tiết tố đột ngột, rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân khiến bạn bị nhiệt miệng ở nướu.
  • Những tổn thương ở vùng miệng, nướu, niêm mạc,...
  • Cơ thể thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là vitamin B12, kẽm, axit folic, sắt,...

Dấu hiệu nhận biết nhiệt miệng ở nướu

Nhận biết nhiệt miệng ở nướu từ sớm sẽ giúp bạn điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian phục hồi, giảm cảm giác đau mà vết nhiệt miệng ở nướu đem lại. Dấu hiệu nhận biết khi bị nhiệt miệng ở nướu bao gồm:

  • Vết loét ở nướu: Bạn nhận thấy một hoặc nhiều đốm trắng có kích thước không đồng đều, khoảng 1 - 2mm ở trên nướu. Những đốm trắng này có thể dần to lên, mọng nước và kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu, nhất là khi chạm vào.
  • Viêm nhiễm: Khi vết loét phát triển ngày một lớn sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm khá cao. Khi này bạn có thể nhận thấy thông qua biểu hiện sưng tấy, tấy đỏ bất thường ở nướu.
  • Đau rát: Một trong những dấu hiệu nhận biết nhiệt miệng ở nướu khá rõ là cảm giác đau rát khó chịu mỗi khi chạm vào. Đặc biệt là khi ăn uống, thức ăn trong miệng chạm vào chỗ có vết loét gây khó chịu, giảm cảm giác ngon miệng, gây chán ăn, nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến cả hệ tiêu hóa cùng một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi khó tiêu, suy nhược cơ thể do ăn ít, không muốn ăn,...
Nhiệt miệng ở nướu: Những điều bạn nên biết 2
Nhiệt miệng ở nướu khiến người bệnh đau rát khó chịu

Phương pháp điều trị nhiệt miệng ở nướu

Thông thường những vết nhiệt miệng ở nướu không cần điều trị y khoa mà tự khỏi trong 7 - 10 ngày tùy tình trạng sức khỏe mỗi người. Tuy nhiên nếu nguyên nhân gây nhiệt miệng là do vi khuẩn xâm nhập, vi rút,... bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc, xây dựng phác đồ điều trị cụ thể để nhanh chóng điều trị nhiệt miệng ở nướu mà không gây biến chứng lên sức khỏe. Trong thời gian điều trị vết loét ở nướu, bạn cần ghi nhớ những điều sau:

  • Tránh xa những thực phẩm nóng, có nhiều gia vị cay, mặn.
  • Sử dụng thuốc uống, thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng giờ, đúng liều, không tự ý uống hoặc bỏ thuốc khi chưa được bác sĩ tư vấn. 
  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng để sát trùng, làm sạch khoang miệng sau khi ăn.
  • Nên uống nước bằng ống hút trong quá trình điều trị nhiệt miệng ở nướu để tránh đụng đến vị trí vết loét.
  • Bổ sung nhiều nước lọc, uống từ 2.5 - 3 lít nước/ngày, tăng cường thêm các loại nước trái cây tươi ít đường, giàu vitamin.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng giữa các thực phẩm, ăn nhiều rau củ quả để tăng đề kháng từ bên trong.
  • Chăm sóc răng miệng cẩn thận, dùng bàn chải đánh răng loại mềm mại, dùng được cho răng nhạy cảm, khi đánh răng nên đánh từ từ, nhẹ nhàng, hạn chế chạm vào vết nhiệt miệng ở nướu gây đau đớn, vết loét nặng hơn.

Trong trường hợp quá 2 tuần từ khi xuất hiện vết nhiệt miệng ở nướu mà vẫn chưa khỏi, tình trạng đau rát ngày một tăng lên,... bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám sức khỏe cẩn thận, điều trị đúng phương pháp. Bên cạnh đó, những người đang bị bệnh tiểu đường cần chú ý khi dùng thuốc kháng viêm vì có thể làm cho lượng đường trong máu tăng đột ngột. Tốt nhất hãy trao đổi tình trạng sức khỏe của bản thân với bác sĩ điều trị.

Bị nhiệt miệng ở nướu nên ăn gì mau khỏi?

Vì nhiệt miệng ở nướu có thể tự khỏi nên bạn cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể giúp quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn. Dưới đây là những thực phẩm nên bổ sung cho người đang có vết nhiệt miệng ở nướu.

Canh rau ngót: Canh rau ngót là món canh vị thanh mát rất dễ ăn, vị ngọt từ rau giúp kích thích sự ngon miệng, giải độc, thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. Ngoài ra, rau ngót còn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin C, chất xơ, canxi, kẽm, sắt, photpho,...

Nhiệt miệng ở nướu: Những điều bạn nên biết 3
Canh rau ngót thanh mát rất thích hợp với người đang có vết loét ở nướu

Cháo cá lóc: Khi vết nhiệt miệng ở nướu bị sưng tấy, đau nhức, bạn nên ưu tiên những món ăn mềm, dễ tiêu như cháo. Món cháo cá lóc không những thơm ngon mà còn rất giàu dinh dưỡng, thích hợp bồi bổ sức khỏe cơ thể. Chọn cháo cá lóc là món ăn khi bị nhiệt miệng ở nướu cũng hạn chế khả năng thực phẩm chạm vào vết loét gây rách, chảy máu, viêm nhiễm,...

Canh khổ qua: Khổ qua là thực phẩm vị đắng, tính mát, cực hiệu quả trong việc thanh nhiệt giải độc, làm mát cơ thể. Món canh này khi được nấu mềm nhừ cũng thích hợp dùng trong lúc bị đau ở vết nhiệt miệng ở nướu đấy.

Tóm lại, tình trạng nhiệt miệng ở nướu không quá đáng ngại, bạn chỉ cần lưu ý thời gian phục hồi quá lâu, kéo dài hơn 2 tuần thì nên đến bệnh viện để bác sĩ tìm ra nguyên nhân, thiết kế phác đồ điều trị phù hợp, trị dứt điểm vấn đề loét ở nướu.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin