Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Những cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non hiệu quả

Ngày 19/07/2024
Kích thước chữ

Việc rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non là điều mà phụ huynh cần phải chú trọng ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Như vậy, ý nghĩa của việc rèn luyện thói quen cho trẻ là gì? Nên bắt đầu dạy trẻ từ kỹ năng, thói quen nào thì phù hợp và cách làm như thế nào?

Nhiều ba mẹ cảm thấy buồn phiền khi con trẻ không tự hình thành những thói quen tốt. Ví dụ, bé chán khi làm cùng một việc nhiều lần, thay vào đó chỉ mải mê chơi game, xem tivi, không dọn dẹp đồ chơi, không chịu ăn rau,… Để khắc phục những điều này, ba mẹ có thể áp dụng một số cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non như gợi ý trong bài viết dưới đây.

Vai trò của việc rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non

Trẻ mầm non thường đã có đủ nhận thức để hiểu những điều nên làm và không nên làm, cũng như tâm sinh lý cũng thay đổi để thích nghi với cuộc sống. Vậy nên, đây là giai đoạn thích hợp để phụ huynh và nhà trường rèn luyện cho bé những thói quen tốt. Vai trò của việc rèn luyện gồm:

  • Xây dựng đức tính tốt cho con; 
  • Giúp con xây dựng mối quan hệ với gia đình và xã hội tốt hơn;
  • Hỗ trợ con biết cách sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ mọi thứ trong cuộc sống;
  • Giúp con sống nề nếp;
  • Giúp bé phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần nhờ hình thành thói quen tốt.
Những cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non hiệu quả 1
Giúp con xây dựng mối quan hệ tốt hơn với mọi người trong gia đình

Những cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non hiệu quả

Sau đây là một số điều cơ bản mà ba mẹ có thể rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non từ sớm để hình thành những đức tính tốt của con sau này:

Hướng dẫn từng thói quen một

Trẻ mầm non vẫn chưa thể hiểu được ý nghĩa của những hành động của mình và làm như thế nào. Vì vậy, ba mẹ muốn chỉ bảo trẻ làm một việc gì đó thì cần hướng dẫn cụ thể, giải thích cho trẻ hiểu về những lợi ích của những hành động này, trẻ mới có thể ghi nhớ và thích làm.

Ví dụ, để rèn luyện thói quen giữ vệ sinh cho trẻ, ba mẹ cần giải thích tại sao phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nếu không làm sẽ có tác hại gì, đồng thời chỉ bé thực hiện đúng cách.

Việc dạy trẻ học nhiều kỹ năng, thói quen cùng một lúc sẽ làm trẻ bị ngợp, đôi lúc khiến trẻ nhầm lẫn giữa các hành động với nhau. Do đó, ba mẹ nên tập cho con từng thói quen một, khi một hành động đã trở thành một thói quen của trẻ thì hãy chuyển sang hành động hay thói quen khác.

Rèn luyện cho trẻ từ thói quen nhỏ

Ba mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều ở trẻ mà tập cho trẻ thật nhiều thói quen hay những thói quen khó thực hiện. Những thói quen ba mẹ nghĩ đơn giản nhưng lại mới mẻ đối với trẻ và con cần có thời gian để tiếp thu. Do đó, ba mẹ hãy rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non từ những thói quen đơn giản.

Những cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non hiệu quả 2
Xây dựng thói quen dọn dep đồ chơi sau khi chơi cho trẻ nhỏ

Ví dụ, để tạo thói quen ngăn nắp cho con, ba mẹ nên chia thành từng thói quen nhỏ như thói quen cất đồ chơi sau khi chơi, thói quen để giày dép vào kệ khi về nhà, thói quen không bày bừa đồ vật lung tung,… Hãy từ từ hướng dẫn con làm từng thói quen một. Khi con đã học được tất cả thói quen nhỏ, dần dần sẽ hình thành thói quen lớn đó chính là tính ngăn nắp.

Rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non với thời gian biểu rõ ràng

Sự lặp đi lặp lại của một hành động sẽ tạo nên thói quen. Để rèn trẻ vào nề nếp, ba mẹ cần đặt ra các quy tắc và thời gian biểu cụ thể cho trẻ để giúp trẻ thực hiện các hành động này một cách nhất quán. Thời gian biểu với những mốc thời gian cố định cho những hoạt động như giờ thức dậy, thời gian chuẩn bị đi học, làm bài tập, vui chơi, nghỉ ngơi, giờ đi ngủ,…

Cần tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi thực hiện theo thời gian biểu. Hãy cùng con lập thời gian biểu, giúp trẻ yêu thích và tuân thủ thời gian biểu nhiều hơn.

Hãy kiên trì với con

Không phải lúc nào trẻ cũng ghi nhớ những gì ba mẹ dạy. Có những ngày bé thức khuya, hay ngủ quên và dậy trễ hoặc quên cất giày dép vào kệ, không đánh răng trước khi đi ngủ,… Đây là điều bình thường và là một phần trong quá trình trưởng thành của con.

Những kỳ vọng quá cao và sự ép buộc của ba mẹ trong quá trình rèn nề nếp cho con có thể khiến cả ba mẹ và con đều không vui và mệt mỏi. Người lớn cũng có thể mắc phải những sai lầm. Do đó, thay vì khiển trách ba mẹ nên nhắc nhở, khuyên răn nhẹ nhàng và thuyết phục. Hãy kiên trì với con trẻ.

Không nên quát nạt trẻ

Trẻ sẽ bị tổn thương bởi những lời nói của ba mẹ, nhất là khi ba mẹ quát mắng con. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và làm trẻ trở nên tiêu cực hơn. Một số trẻ sẽ thấy sợ hãi khi bị quát nạt, nhưng một số trẻ sẽ “phản kháng ngầm”. Điều này sẽ khiến con càng xa lánh ba mẹ hơn và có những thái độ tiêu cực, chống đối với ba mẹ.

Những cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non hiệu quả 3
Những lời nói của bố mẹ vô tình có thể làm con trẻ bị tổn thương

Rèn trẻ qua những mệnh lệnh cụ thể

Do trẻ vẫn chưa thể ý thức được mình phải làm gì nên ba mẹ cần đưa ra một mệnh lệnh cụ thể cho con. Ví dụ, nếu muốn con dọn dẹp đồ chơi, ba mẹ hãy nói con lấy tất cả đồ chơi của con bỏ lại vào trong giỏ thay vì chỉ nói dọn đồ chơi đi. Điều này giúp trẻ hình dung cụ thể những việc cần làm và làm theo dễ dàng.

Đồng thời, ba mẹ cần cho con hiểu đây là việc quan trọng, bắt buộc con phải làm. Lưu ý rằng, không gây áp lực khiến con sợ hãi.

Nên khích lệ con thường xuyên

Sự khích lệ và động viên của ba mẹ có thể làm con phấn chấn và tự tin thực hiện mọi hành động, từ đó hình thành thói quen tốt dễ hơn. Ngoài ra, trẻ sẽ cảm nhận được công sức mình bỏ ra được ghi nhận xứng đáng, khen ngợi trẻ sẽ thúc đẩy trẻ tốt hơn.

Cân nhắc các thói quen xấu có “xấu mọi lúc” hay không?

Trong quá trình rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non, ba mẹ không chỉ tập cho trẻ hình thành những thói quen tốt mà còn phải loại bỏ hẳn những thói quen xấu. Đôi khi, trẻ không cần thay đổi một số thói quen, thay vào đó ba mẹ chỉ cần điều chỉnh thói quen đó trở nên tốt hơn. 

Ba mẹ cần cân nhắc thói quen xấu của con có phải xấu hoàn toàn không. Sau khi cân nhắc, ba mẹ có thể quyết định hướng trẻ loại bỏ, giữ lại hoặc điều chỉnh thói quen cho con phù hợp nhất.

Ví dụ, trẻ thường xuyên cắn móng tay là không tốt vì có thể gây tổn thương và nhiễm khuẩn. Ngoài ra, trẻ cắn móng tay để giảm stress, căng thẳng và lo lắng, để tự an ủi và xoa dịu bản thân. Vì thế, ba mẹ cần giúp trẻ bỏ thói quen này, đồng thời tìm ra nguyên nhân giúp trẻ khắc phục.

Những cách rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non hiệu quả 4
Trẻ xem tivi quá nhiều là một thói quen xấu gây ảnh hưởng đến mắt và sức khỏe của bé

Trường hợp trẻ xem tivi quá nhiều là một thói quen xấu, làm hại mắt và sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, xem tivi vẫn có ích cho trẻ vì giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức xã hội. Đây không phải là một thói quen xấu, ba mẹ chỉ nên giảm thời gian xem tivi của con, đồng thời cho trẻ xem nhiều chương trình phù hợp, có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Tóm lại, rèn nề nếp thói quen cho trẻ mầm non là việc làm rất cần thiết mà phụ huynh không thể bỏ qua. Tuy nhiên, việc rèn luyện này cần được thực hiện đúng phương pháp thì mới đạt hiệu quả.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin