Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều bạn cần biết về xơ phổi sau Covid

Ngày 23/08/2022
Kích thước chữ

Một trong những mối đe dọa với các bệnh nhân hậu Covid chính là tình trạng xơ phổi. Xơ phổi hậu Covid có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Năm 2021, một tạp chí khoa học Ấn Độ đã ví xơ phổi như ‘cơn sóng thần kéo theo sau trận động đất’. Xơ phổi sau Covid là mối đe dọa đáng ngại đối với nhiều bệnh nhân hậu Covid. Những tác động của nó thường kéo dài và khó hồi phục nên việc điều trị vô cùng khó khăn. Cùng tìm hiểu ngay những thông tin về bệnh lý này ngay tại đây.

Xơ phổi sau Covid là gì?

Những điều bạn cần biết về xơ phổi sau Covid 1 Hình ảnh xơ phổi sau Covid

Xơ phổi là tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, mất tình đàn hồi trở nên dày và cứng gây ra sẹo ở phổi. Các mô sẹo này cản trở quá trình hít thở của bệnh nhân và làm giảm chức năng trao đổi khí trong phổi.

Xơ phổi hậu COVID (hay còn gọi là bệnh phổi kẽ hậu COVID) là xơ phổi thứ phát. Đây là tình trạng nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái nhu mô phổi bình thường, mà thay bằng những mô xơ.

Triệu chứng của xơ phổi sau Covid:

  • Ho và khó thở kéo dài khi vận động và tăng lên khi gắng sức. Khi chuyển biến nặng, bệnh nhân có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, cản trở mọi sinh hoạt đời sống thường ngày.
  • Huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi do máu ứ trệ, tổn thương nội mạc mạch máu và tăng động.
  • Ngoài ra bệnh nhân còn có các biểu hiện khác như mệt mỏi, sụt cân, đau nhức cơ thể.

Ai dễ mắc xơ phổi sau Covid?

Những điều bạn cần biết về xơ phổi sau Covid 2 Xơ phổi sau Covid thường gặp ở những bệnh nhân từng có bệnh lý nền

Xơ phổi sau Covid thường xảy ra nhiều ở những bệnh nhân thở máy, viêm phổi nặng, hút thuốc, nghiện rượu, bệnh nhân điều trị oxy liều cao gây stress oxy hóa, chấn thương do thở máy cũng làm tăng khả năng xơ phổi. Đặc biệt, xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân COVID nhẹ, trẻ tuổi và điều trị ngoại trú. Cụ thể, những trường hợp dễ mắc phải xơ phổi sau Covid lâu dài có thể kể đến là:

  • Viêm phổi nặng ở đợt bệnh COVID-19 cấp, đặc biệt là bệnh nhân ARDS.
  • Bệnh nhân thở máy áp lực dương, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện lâu dài.
  • Người mắc COVID nặng, nồng độ các cytokine tiền viêm trong máu cao.
  • Người có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá.
  • Bệnh nhân mắc bệnh nền (như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim,…) từ trước.

Cơ chế và cách điều trị xơ phổi sau Covid

Những điều bạn cần biết về xơ phổi sau Covid 3 Điều trị sớm bệnh xơ phổi có thể giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe

Hiện nay, cơ chế xơ phổi sau Covid vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh lý được hình thành do nhiều yếu tố góp phần như: Tác động trực tiếp của virus trên các cytokine như TGF-β1 và tăng stress oxy hóa đã được công nhận. Hai yếu tố khác góp phần vào xơ phổi ở bệnh nhân viêm phổi sau Covid-19 nặng là ngộ độc oxy và chấn thương phổi do máy thở gây ra. Nói một cách dễ hiểu, cơ chế hình thành xơ phổi sau Covid đến từ:

  • Virus Corona gây tổn thương trực tiếp đến phổi, nhu mô phổi. Tình trạng này dai dẳng, kéo dài khiến phản ứng chữa lành vết thương diễn ra bất thường, phổi bị xơ hoá.
  • Phản ứng của hệ miễn dịch. Khi virus Corona xâm nhập, hệ miễn dịch được kích hoạt. Các đại thực bào, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, tế bào Th2 tập trung tại vị trí tổn thương, giải phóng một lượng lớn các chất trung gian hoá học. Các thành phần này vừa có tác dụng chống viêm, vừa đóng vai trò chất tiền xơ, làm tăng trưởng biến đổi tổ chức mô phổi, tăng hoại tử tạo u hạt sau viêm.

Cách điều trị xơ phổi sau Covid

Để điều trị xơ phổi sau Covid, bệnh nhân có thể sử dụng một số phương pháp như:

Corticosteroid: Liệu pháp này thường được sử dụng cho những bệnh nhân thiếu oxy. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần chú ý liều lượng vì có thể góp phần gây bệnh cơ và làm chậm khả năng vận động và phục hồi chức năng của bệnh nhân.

Thuốc kháng xơ: Thuốc được cho là có hiệu quả ở bệnh nhân có kèm đợt cấp bệnh phổi kẽ (bệnh phổi kẽ vô căn và các bệnh phổi kẽ khác), những bệnh nhân sau COVID-19 có hình ảnh tổ ong trên CLVT và đặc biệt là bệnh nhân có biểu hiện xơ phổi tiến triển.

Một số loại thuốc mới: Một số thuốc tác động đến con đường TGF-β và tổn thương phổi do virus gây ra hiện đang ở giai đoạn phát triển như: BG00011 (Biogen), PLN-74809 (Pliant Therapeutics) và TD-139 (Galecto biotech). 

Các phương pháp điều trị khác: Oxy tại nhà, phục hồi chức năng phổi, dùng thuốc chống đông, tiêm vắc xin phế cầu và Hemophilus influenza.

Bệnh nhân xơ phổi sau Covid có thể hồi phục sức khỏe ở trạng thái bình thường nếu được điều trị sớm trong giai đoạn cấp tính. Do đó, nếu có những triệu chứng của bệnh, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ và đến gặp bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.

Nhật Lệ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin