Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Những điều cần biết về vi khuẩn Mycoplasma

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vi khuẩn Mycoplasma là một nhóm vi khuẩn có kích thước nhỏ có khả năng gây bệnh cho cả con người và động vật. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về loại vi khuẩn này, cũng như một số bệnh có thể do vi khuẩn này gây ra.

Nhóm vi khuẩn Mycoplasma thường được tìm thấy trong niêm mạc miệng, cổ họng và đường sinh dục. Khi số lượng vi khuẩn Mycoplasma tăng lên sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.

Đặc điểm của vi khuẩn Mycoplasma

Vi khuẩn Mycoplasma là vi khuẩn có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0.15 - 0.3 µm, không sinh sản nha bào, không có vách tế bào nhưng có vỏ mỏng như màng nguyên tương của vi khuẩn. Hình thể của vi khuẩn Mycoplasma rất đa dạng như hình thoi, hình cầu, hình nhẫn, hình xoắn,...

Nuôi cấy

Vi khuẩn Mycoplasma có thể sản sinh và nhân lên trong môi trường có hoặc không có tế bào sống. Trong môi trường không có tế bào, Mycoplasma cần các chất dinh dưỡng đặc biệt như huyết thanh và chiết xuất nấm men. Nhiều loài Mycoplasma hoàn toàn kỵ khí hoặc hiếu khí. Nhiệt độ tối ưu cho Mycoplasma phát triển là 35 - 37 độ C và pH từ 7.0 - 7.8.

  • Trong môi trường lỏng, vi khuẩn không làm vẩn đục môi trường.
  • Ở môi trường rắn, vi khuẩn phát triển thành các khuẩn lạc điển hình.
Những điều cần biết về vi khuẩn Mycoplasma1
Mycoplasma có thể sản sinh và nhân lên trong môi trường có hoặc không có tế bào sống

Trung tâm của các khuẩn lạc có màu sẫm, nhờn và phát triển lẫn xuống thạch. Các rìa của khuẩn lạc mỏng và phẳng. Các khuẩn lạc Mycoplasma có kích thước nhỏ.

Đặc tính sinh hóa

Quá trình sinh sản của vi khuẩn Mycoplasma rất phức tạp và phụ thuộc nhiều vào môi trường. Trong tế bào nuôi cấy, hầu hết vi khuẩn Mycoplasma phát triển trên bề mặt tế bào.

Khả năng đề kháng

Vi khuẩn Mycoplasma tương đối ổn định khi đông lạnh và rã đông. Chúng có thể tồn tại trong huyết thanh trong 2 giờ ở nhiệt độ 56 độ C. Vi khuẩn này dễ dàng bị tiêu diệt bằng dung dịch axit hoặc kiềm. Tất cả các loài Mycoplasma đều kháng penicillin. Loại kháng nguyên sử dụng phương pháp hóa học và sắc ký, người ta đã phân lập được các thành phần hóa học kháng nguyên khác nhau trong Mycoplasma. Mỗi thành phần hóa học đều có khả năng tham gia vào các phản ứng huyết thanh cụ thể.

Chẩn đoán bệnh do vi khuẩn Mycoplasma gây ra

Viêm phổi không điển hình là bệnh thường gặp do vi khuẩn Mycoplasma gây ra. Ngoài ra, vi khuẩn họ Mycoplasma còn thường gặp ở những bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng sinh dục tiết niệu khác như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm thận.

Phân loại

Theo Bergey, có sáu loài thuộc nhóm vi khuẩn Mycoplasma có thể gây bệnh ở người:

  • M.hominis týp 1: Gây bệnh ở người;
  • M.hominis týp 2: Xuất hiện ở cơ quan sinh dục tiết niệu nam giới;
  • M.salivarium: Thấy ở nước bọt và xuất hiện đường hô hấp trên;
  • M.fermentans: Ở bộ phận sinh dục nam;
  • M.pneumoniae: Nguyên nhân chính gây viêm phổi không điển hình;
  • M.orale hoặc M. pharyngis thấy được ở khí quản.
Những điều cần biết về vi khuẩn Mycoplasma2
Có sáu loài thuộc nhóm vi khuẩn Mycoplasma có thể gây bệnh ở người

Viêm phổi do Mycoplasma

Đây là một bệnh nhiễm trùng phổ biến do loài Mycoplasma pneumoniae gây ra. Các triệu chứng của bệnh này thường ít điển hình hơn so với bệnh viêm phổi do vi khuẩn thông thường gây ra. Vi khuẩn này thuộc nhóm vi khuẩn không điển hình và do đó được gọi là viêm phổi không điển hình. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở trẻ em. Các triệu chứng của viêm phổi do Mycoplasma như:

  • Người bệnh đau đầu, sổ mũi, mệt mỏi, đau họng kèm theo sốt nhẹ. Các triệu chứng có thể dễ bị nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường.
  • Sau đó bệnh nhân sốt, thường trên 39 độ, nhức đầu, ho nhiều, ho có đờm, ho khan. Ở trẻ em, triệu chứng chính là ho và sốt, nhưng khi nhiệt độ xuống dưới 39 độ, ho sẽ chuyển thành đờm và thường kèm theo quấy khóc, tiêu chảy. Bệnh thường lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung từ không khí do người bệnh ho ra. Bệnh thường lây lan nhanh chóng giữa những người tiếp xúc gần gũi với nhau.

Gây ra các bệnh về cơ quan sinh dục

Nhóm vi khuẩn Mycoplasma lây nhiễm vào đường sinh dục nam và nữ, từ đó gây ra các bệnh về cơ quan sinh dục ở cả hai giới. Viêm niệu đạo do M.urealyticum và M.genitalium gây ra bệnh áp xe tuyến Bartholin và viêm vòi trứng. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm:

  • Đối với nam giới: Triệu chứng đi tiểu nhiều, đau khi đi tiểu, tiểu ra mủ,….
  • Đối với phụ nữ: Tiết nhiều dịch âm đạo, đau khi quan hệ, đi tiểu nhiều lần, tiểu buốt,... Mycoplasma hominis gây bệnh viêm vùng chậu ở phụ nữ mang thai, có thể dẫn đến sảy thai. Vì người mẹ bị nhiễm vi khuẩn này ở bộ phận sinh dục nên trẻ sơ sinh ra đời có thể bị viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não.
viêm niệu đạo
Vi khuẩn Mycoplasma có thể gây viêm niệu đạo ở cả nam và nữ

Phương pháp phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Mycoplasma

Vì hiện nay chưa có vaccine để phòng các bệnh do vi khuẩn Mycoplasma gây ra. Vì thế, bạn cần lưu ý:

  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
  • Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng sức khỏe hệ miễn dịch.
  • Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng.
  • Tránh xa rượu bia, thuốc lá.
  • Hạn chế tiếp xúc với khói bụi hoặc đi đến những nơi không khí ô nhiễm để tránh ho kéo dài khi bị viêm phổi.
  • Trồng thêm nhiều cây xanh, giữ môi trường sống sạch sẽ, trong lành.
  • Kiểm tra sức khỏe định kì để phát hiện sớm các nguy cơ.

Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn về vi khuẩn Mycoplasma. Đây là một nhóm vi khuẩn có thể gây bệnh phổ biến ở người, đặc biệt là bệnh viêm phổi không điển hình và viêm niệu đạo. Để bảo vệ sức khỏe, hãy tuân thủ theo các phương pháp phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Mycoplasma được đề cập ở trên nhé!

Xem thêm: Thông tin chi tiết về vi khuẩn Bacillus cereus

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Đỗ Viết Chung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, nhiều năm đảm nhiệm vị trí tư vấn dược phẩm và sức khỏe. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.