Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến

Ngày 14/09/2022
Kích thước chữ

Ký sinh trùng đường ruột có rất nhiều loại khác nhau, từ những loại ký sinh phổ biến như giun, sán đến các sinh vật đơn bào không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ký sinh trùng  thường sẽ âm thầm hút chất dinh dưỡng với vật chủ trong thời gian dài mà chỉ khi các triệu chứng nguy hiểm hình thành thì người bệnh mới phát hiện.

Nhiễm ký sinh trùng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh diễn ra trong thời gian dài sẽ gây nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến để có biện pháp phòng tránh, bảo vệ cơ thể một cách hiệu quả nhất bạn nhé!

Ký sinh trùng đường ruột là gì?

Ký sinh trùng là loại sinh vật sống ký sinh trong cơ thể vật chủ tại các mô, cơ quan của con người. Ký sinh trùng thường có mặt trong thực phẩm nhiễm bẩn và nguồn nước bị ô nhiễm, do vậy, nó có thể lây truyền vào cơ thể con người thông qua quá trình ăn uống thông thường. Ngoài ra, ký sinh trùng cũng còn tồn tại trong cơ thể một số loài động vật cũng như phân người nên nếu bạn không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi chơi với thú cưng hoặc sau khi đi vệ sinh thì nguy cơ bị nhiễm ký sinh là rất cao. 

Một số loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến như giun sán (sán dây, giun tròn, giun kim), ký sinh trùng protozoa (cryptosporidium, giardia), Cyclospora cayetanensis,...

Các triệu chứng của nhiễm ký sinh trùng đường ruột?

Có rất nhiều loại ký sinh trùng đường ruột khác nhau nên các triệu chứng của chúng cũng không nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là loại ký sinh trùng nào, chẳng hạn như:

Nhiễm giun sán

Giun sán là tác nhân gây nhiễm ký sinh trùng đường ruột hàng đầu bởi nó tồn tại trong rất nhiều loại thực phẩm như cá, ốc, thịt bò, rau sống, tiết canh,... Người bị nhiễm giun sán thường cảm thấy đau ở vùng rốn, buồn nôn, đi ngoài bất thường, có lúc lỏng có lúc đặc. Ngoài ra, người bệnh cũng thường cảm thấy ngứa ngáy vùng hậu môn, cơ thể suy nhược, gầy yếu do giun sán hút máu và chất dinh dưỡng của vật chủ.

Những loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến 1

Giun sán thường có trong các món tươi sống như tiết canh

Nhiễm trùng roi Giardia

Đây là loại ký sinh trùng thường xuất hiện trong các loại thịt chưa được nấu chín. Nếu nhiễm loại ký sinh trùng này, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn,... Tiêu chảy nhiễm trùng trong thời gian dài còn có thể dẫn đến tình trạng mất nước, sụt cân.

Nhiễm Cryptosporidium 

Cryptosporidium là dạng ký sinh trùng vỏ cứng, tìm thấy nhiều trong sữa chua, nước hoa quả chưa qua xử lý, đồ ăn tươi sống,... Người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột Cryptosporidium thường xuất hiện các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, co thắt dạ dày, sốt nhẹ,...

Những loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến 2

Nhiễm Cryptosporidium có thể gây đau bụng, co thắt dạ dày

Nhiễm Cyclospora 

Ký sinh trùng đơn bào cyclospora có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thức ăn tươi sống, nguồn nước bị ô nhiễm,... Nếu mắc phải loại ký sinh trùng này, bệnh nhân có thể gặp tình trạng tiêu chảy liên tục, ăn không ngon miệng, đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn, nôn, đau cơ và sốt nhẹ.

Các triệu chứng tiêu hóa kể trên thường sẽ có mức độ biểu hiện khác nhau ở từng đối tượng. Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu kể trên, hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng đường ruột

Với các nguyên nhân gây bệnh kể trên, một số thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:

  • Dùng nước đá lạnh có chứa ký sinh trùng. Nước đá có thể được làm từ nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh nên nguy cơ ký sinh trùng tồn tại trong đó là rất cao. 
  • Không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi chơi đùa với động vật, tiếp xúc với nguồn ô nhiễm hoặc sau khi đi vệ sinh. Sau đó lại dùng tay bẩn chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.
  • Không làm sạch rau củ quả trước khi ăn, không nấu chín thức ăn. 
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu do mắc các bệnh như HIV/ AIDS, tiểu đường, ung thư, suy thận, người đang thực hiện hóa trị hoặc bệnh nhân cấy ghép tạng.
  • Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng của họ yếu hơn người bình thường.

Những loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến 3

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh vì có sức đề kháng yếu

Biện pháp phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng đường ruột

  • Giữ vệ sinh thân thể. Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Lựa chọn nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh. Luôn rửa sạch nguyên liệu trước khi nấu ăn. Ăn chín uống sôi. Hạn chế ăn các loại gỏi sống, đồ tái,...
  • Quan hệ tình dục an toàn, có biện pháp bảo hộ để tránh lây nhiễm ký sinh trùng khi quan hệ qua đường hậu môn.
  • Xổ giun định kỳ 6 tháng/ lần để loại bỏ tác nhân gây bệnh là giun sán.

Những loại ký sinh trùng đường ruột phổ biến 4

Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh 

Ký sinh trùng đường ruột thường âm thầm sinh sôi, hút chất dinh dưỡng của vật chủ và các triệu chứng do chúng gây ra cũng rất dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh và thăm khám ngay khi có các dấu hiệu tiêu hóa bất thường là biện pháp bảo vệ cơ thể hiệu quả nhất đối với các loại ký sinh trùng đường ruột.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin