Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Những lưu ý về giai đoạn răng hỗn hợp ở trẻ

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giai đoạn răng hỗn hợp là giai đoạn bạn có thể thấy được cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Giai đoạn này thường xuất hiện ở độ tuổi từ 6 - 12 tuổi. Hầu hết trường hợp sai khớp cắn cần nên định hình trong quá trình này. Vì thế nên bạn cần quan tâm đến một số lưu ý đối với trẻ trong giai đoạn này.

Giai đoạn khi chuyển tiếp từ bộ răng sữa dần sang bộ răng trưởng thành được gọi là giai đoạn răng hỗn hợp. Khi đó trong khoang miệng của trẻ sẽ tồn tại cả răng sữa và răng vĩnh viễn. Giai đoạn này bắt đầu khi trẻ đã thay chiếc răng sữa đầu tiên. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng sau này. Do đó, bố mẹ cần nên quan tâm và lưu ý về giai đoạn này ở trẻ.

Giai đoạn răng hỗn hợp là gì?

Con người có hai loại răng là răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa thường mọc từ khoảng 6 tháng tuổi đến 12 tuổi, sau đó sẽ dần được thay thế bởi những chiếc răng vĩnh viễn. Quá trình thay răng thường diễn ra từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Trong giai đoạn này, trên cung hàm của trẻ, tồn tại cả hai loại răng sữa và răng vĩnh viễn, nên được gọi là giai đoạn răng hỗn hợp.

Những lưu ý về giai đoạn răng hỗn hợp ở trẻ 1
Răng hỗn hợp là giai đoạn có sự xuất hiện của cả răng sữa và răng vĩnh viễn trên cung hàm

Quá trình thay răng hỗn hợp diễn ra như thế nào?

Quá trình thay răng hỗn hợp thường bắt đầu khi trẻ 6 tuổi và kéo dài từ 5 đến 6 năm. Trong giai đoạn đầu của quá trình này, thường từ 6 đến 9 tuổi, các răng cửa giữa và răng cửa bên sẽ mọc lên, nhưng răng nanh vẫn chưa hoàn thành quá trình mọc. Do đó, thường xuất hiện khe hở giữa hai răng cửa.

Răng sữa thường có màu trắng đục, còn răng vĩnh viễn thường trong hơn và có màu vàng đậm hơn. Sắp xếp của các răng thường không đều và có xu hướng xòe ra. Thông thường khi các răng nanh đã hoàn thành quá trình mọc xuống, các răng sẽ tự sắp xếp lại một cách đều đặn mà không cần sự can thiệp của bác sĩ.

Những lưu ý về giai đoạn răng hỗn hợp ở trẻ 2
Quá trình thay răng ở trẻ thường diễn ra từ 6 - 12 tuổi

Tầm quan trọng của răng sữa trong giai đoạn răng hỗn hợp

Bộ răng sữa không chỉ tạo nên nụ cười đẹp và thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ, mà còn giúp trẻ thực hiện việc nhai và nghiền nát thức ăn, tham gia tích cực vào quá trình tiêu hóa. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển hệ tiêu hóa và sự phát triển tổng thể của trẻ.

Ngược lại, nếu trẻ gặp vấn đề với bộ răng sữa do sâu răng hoặc mất răng sữa sớm, có thể dẫn đến tình trạng biếng ăn và gây ra suy dinh dưỡng. Mặc dù bộ răng sữa sẽ được thay thế sau này, nhưng khi còn tồn tại, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển của xương hàm, giúp xương hàm phát triển đúng cách và tạo ra không gian cho việc mọc răng mới.

Trong những trường hợp mất răng sữa sớm, có thể dẫn đến việc mọc răng mới không đúng thời điểm hoặc răng mọc lên sẽ bị xô lệch, chen chúc do thiếu chỗ. Đây thường là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lệch lạc về răng. Vì vậy, bộ răng sữa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ và cần được chăm sóc và quan tâm một cách đúng đắn, tương tự như bộ răng của người trưởng thành.

Những lưu ý về giai đoạn răng hỗn hợp

Trong giai đoạn răng hỗn hợp, các vấn đề về chỉnh hình răng mặt như răng hô, móm hoặc răng chen chúc thường bắt đầu xuất hiện. Những bất thường này có thể do yếu tố di truyền từ gia đình hoặc do các thói quen xấu như mút tay, cắn bút.

Các thói quen xấu này cần phải được loại bỏ để tránh gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển của răng hàm mặt ở trẻ. Nếu có những bất thường về xương được bác sĩ xác định có nguy cơ phát triển thành tình trạng lệch răng nghiêm trọng. Bạn nên cân nhắc điều trị càng sớm càng tốt để đạt được kết quả tốt nhất và hạn chế việc nhổ răng, đồng thời tiết kiệm chi phí điều trị.

Nhìn chung để đảm bảo có một hàm răng và một nụ cười khỏe mạnh khi trưởng thành, trẻ cần được theo dõi bởi bác sĩ nha khoa trong giai đoạn răng hỗn hợp. Bác sĩ có thể can thiệp khi cần thiết để giúp trẻ thay răng đúng trình tự, điều chỉnh răng mọc đúng vị trí và phát hiện sớm các vấn đề, thói quen xấu để có các biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời.

Những lưu ý về giai đoạn răng hỗn hợp ở trẻ 3
Trẻ có thói quen mút tay trong giai đoạn răng hỗn hợp có thể gây nên tình trạng răng mọc lệch

Một số phương pháp nha khoa cho trẻ

Để đảm bảo sức khỏe và nụ cười đẹp cho bộ răng sữa và răng vĩnh viễn của trẻ, sự hợp tác giữa phụ huynh, trẻ em và bác sĩ nha khoa là vô cùng quan trọng. Chăm sóc răng từ khi trẻ bắt đầu mọc răng sữa là cần thiết, có một số phương pháp mà bác sĩ nha khoa có thể can thiệp và điều trị sớm như:

  • Sử dụng gel Flour: Men răng sữa thường mỏng và dễ bị sâu răng, đặc biệt khi trẻ có thói quen bú đêm hoặc ngậm vú. Trong giai đoạn này, bác sĩ nha khoa có thể bôi gel Flour lên bề mặt răng của trẻ để bảo vệ men răng và ngăn chặn gây nên tình trạng sâu răng.
  • Trám Sealant: Răng hàm thường có nhiều hố rãnh trên mặt nhai, nơi thức ăn có thể đọng lại dù trẻ đã chải răng và súc miệng kỹ. Để ngăn chặn sâu răng, bác sĩ nha khoa có thể thực hiện việc trám bít những hố rãnh này bằng Sealant, giúp giảm nguy cơ sâu răng đáng kể.

Bài viết trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về những lưu ý về giai đoạn răng hỗn hợp. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin cần thiết về cách bảo vệ và chăm sóc răng ở trẻ nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin