Những lý do ngủ trưa dậy tim đập nhanh mà bạn nên biết!
Ngày 07/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Công việc bận rộn thường khiến chúng ta bỏ qua thời gian ngủ trưa hàng ngày. Dù bận rộn thế nào thì bạn cũng nên dành thời gian cho một giấc ngủ ngắn giữa ngày để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, không ít người gặp phải tình trạng ngủ trưa dậy tim đập nhanh. Vậy lý do nào dẫn đến xuất hiện tình trạng này?
Đã bao giờ bạn thức dậy sau giấc ngủ trưa và thấy tim đập nhanh? Tình trạng này không hiếm gặp và thường liên quan đến các yếu tố như chế độ ăn uống, sinh hoạt thường ngày hoặc do một số bệnh lý. Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm ra những lý do khiến tình trạng ngủ trưa dậy tim đập nhanh xuất hiện qua bài viết dưới đây.
Lợi ích của giấc ngủ trưa
Ngủ trưa là một giấc ngủ ngắn vào ban ngày của con người và thường được thực hiện sau bữa ăn trưa. Thói quen ngủ trưa hàng ngày chính là một cách để bạn nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng và sự tỉnh táo sau thời gian làm việc buổi sáng.
Trước khi giải đáp các lý do khiến bạn ngủ trưa dậy tim đập nhanh, hãy cùng tìm hiểu những lợi ích mà giấc ngủ trưa mang lại cho sức khỏe:
Lợi ích đối với trẻ nhỏ
Giấc ngủ trưa có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện về thể chất và trí não của trẻ nhỏ từ 3-10 tuổi. Bố mẹ nên tạo thói quen ngủ trưa cho trẻ nhỏ bởi giấc ngủ trưa sẽ mang lại những lợi ích cho sức khỏe của trẻ như sau:
Tăng khả năng sáng tạo: Thói quen ngủ trưa sẽ tạo cho não bé những tín hiệu tích cực về việc nghỉ ngơi và thư giãn hệ thần kinh. Từ đó sẽ kích thích sự sáng tạo và khả năng phản xạ của trẻ.
Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên: Trong thời gian bé ngủ trưa, não sẽ gửi tín hiệu để loại bỏ hai loại hormone cortisol và neuroendocrine để giảm sự căng thẳng. Cơ thể sẽ được tái tạo năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Tăng khả năng ghi nhớ: Giấc ngủ ngắn giữa ngày sẽ giúp não bé được thư giãn sau thời gian hoạt động trong buổi sáng, giúp cho khả năng ghi nhớ của bé tốt hơn.
Lợi ích đối với người lớn
Giống như với trẻ nhỏ, giấc ngủ trưa cũng mang lại nhiều lợi ích nhất định, đặc biệt là những người làm việc nặng nhọc, làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt và những người có nhiều áp lực, căng thẳng. Cụ thể:
Tái tạo năng lượng, tăng cường khả năng tập trung: Não có khả năng tập trung hiệu quả với nguồn năng lượng tốt nhất trong khoảng 3-4 tiếng. Chính vì thế, giấc ngủ trưa sẽ giúp tái tạo năng lượng để làm việc hiệu quả vào buổi chiều sau thời gian làm việc buổi sáng.
Tránh tình trạng suy giảm trí nhớ: Giấc ngủ trưa sẽ giúp hệ thần kinh nghỉ ngơi sau thời gian tiếp nhận và ghi nhớ lượng dữ liệu nạp vào não trong quá trình học tập và làm việc hàng ngày. Nếu chúng ta phải nhớ quá nhiều và liên tục lặp lại mỗi ngày mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến hệ thần kinh bị quá tải, dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ.
Thư giãn, giảm áp lực cho mắt: Mắt làm việc liên tục sẽ tạo áp lực lớn lên nhãn cầu và võng mạc, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị giác và các tật khúc xạ. Giấc ngủ trưa sẽ là thời điểm nghỉ ngơi lý tưởng của mắt để hạn chế tối đa các vấn đề về thị lực.
Hạn chế mắc các bệnh lý về tim mạch: Ngủ trưa sẽ giúp cơ thể vận hành chậm lại, tim giảm nhịp co bóp để cơ thể tái tạo năng lượng. Một số khảo sát của y học đã chứng minh được rằng những người có thói quen ngủ trưa sẽ có khả năng hạn chế lên đến 60% các bệnh lý về tim mạch.
Lý do xuất hiện tình trạng ngủ trưa dậy tim đập nhanh
Ngủ trưa dậy tim đập nhanh có thể là do hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể để phản ứng lại các tác động bên ngoài như căng thẳng, chế độ ăn uống, sinh hoạt,... Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể là do một số bệnh lý.
Căng thẳng, lo lắng: Căng thẳng và lo lắng gia tăng có thể kích hoạt giải phóng các hormone trong máu làm tăng nhịp tim. Người trong thời kỳ căng thẳng cao độ còn có thể gặp những triệu chứng khác như ngủ trưa dậy bị đau đầu buồn nôn, khó thở, thở nhanh và nông,...
Chế độ dinh dưỡng: Nếu trước khi đi ngủ trưa bạn ăn đồ ngọt khiến lượng đường huyết tăng đột ngột, hoặc bạn uống các loại đồ uống có caffein thì rất dễ xảy ra tình trạng bạn thức dậy với nhịp tim loạn nhịp.
Ác mộng: Nếu ngủ trưa gặp phải ác mộng thì khi tỉnh dậy cơ thể run rẩy, đổ mồ hôi và tim đập nhanh.
Thiếu ngủ: Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhịp tim nhanh hơn bình thường sau khi thức dậy.
Do một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể làm cho một người ngủ trưa dậy tim đập nhanh, ví dụ như: Steroid dạng hít của người hen suyễn, Pseudoephedrine có trong thuốc cảm, Methylphenidate và Adderall dùng để điều trị các rối loạn tăng động giảm chú ý, một số thuốc trị bệnh tuyến giáp,...
Hormone sinh dục nữ: Khi nồng độ estrogen và progesterone thay đổi đáng kể có thể dẫn đến thức dậy với tình trạng đánh trống ngực.
Thiếu máu: Người bị thiếu máu sẽ không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh lưu thông trong cơ thể dẫn đến xuất hiện một số triệu chứng như tim đập nhanh, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, khó tập trung.
Ngưng thở khi ngủ: Ngưng thở đột ngột khi ngủ có thể làm giảm nồng độ oxy, gây thêm áp lực cho tim. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ, ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây rung nhĩ. Rung nhĩ có thể khiến tim đập nhanh, khó thở, hồi hộp và có thể làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ.
Phương pháp cải thiện tình trạng ngủ trưa dậy tim đập nhanh
Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn không còn gặp phải tình trạng thức dậy sau giấc ngủ trưa với một nhịp tim đập loạn cũng như một số triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, hồi hộp:
Làm việc điều độ, tránh xa căng thẳng, tích cực thư giãn, trò chuyện cùng bạn bè.
Đi ngủ sớm và thức dậy đúng giờ, duy trì thói quen ngủ trưa để nghỉ ngơi, đảm bảo mỗi ngày ngủ đủ 8 tiếng.
Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, tránh xa các chất kích thích như rượu bia, trà, cà phê, thuốc lá,...
Luyện tập thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe, ưu tiên các bài tập như yoga, ngồi thiền,...
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về những lý do khiến ngủ trưa dậy tim đập nhanh cũng như một số phương pháp cải thiện tình trạng này. Nếu bạn đã sử dụng những phương pháp trên mà tình trạng nhịp tim nhanh sau khi ngủ trưa dậy vẫn kéo dài thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và phát hiện chính xác tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Thảo Nguyên
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm