Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà

Ngày 19/12/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, khi có vấn đề về sức khỏe, nhiều người không đi khám để điều trị mà tự ý truyền dịch tại nhà mỗi khi mệt mỏi, đau, sốt… Vậy, những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thêm về câu hỏi này qua bài viết dưới đây

Truyền dịch đường tĩnh mạch đưa dịch truyền, thuốc và các chất vào hệ tuần hoàn một cách trực tiếp, do đó làm tăng nguy cơ phản ứng lại với thuốc. Tự truyền dịch tại nhà, không có sự giám sát của các y bác sĩ, monitor và không có các thuốc chống sốc có thể làm tăng các biến chứng khi truyền, có thể cả tử vong. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về: “Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà” qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu về liệu pháp tiêm tĩnh mạch

Truyền dịch đường tĩnh mạch là kỹ thuật đưa trực tiếp thuốc, chất dinh dưỡng hoặc các chất điện giải trong dịch truyền vào cơ thể qua tĩnh mạch. Đường truyền dịch tĩnh mạch thường được sử dụng để bù nước, điện giải và cung cấp chất dinh dưỡng cho người bệnh trong các tình huống khẩn cấp hoặc cho những bệnh nhân không thể sử dụng thuốc qua đường uống. Đường truyền tĩnh mạch là cách nhanh nhất để đưa các chất, thuốc và dịch đi khắp cơ thể khi được đưa trực tiếp vào hệ tuần hoàn, do đó, được phân phối nhanh chóng

Một số lý do phổ biến cần phải truyền dịch:

  • Duy trì cân bằng nước, các chất điện giải. Nếu người bệnh bị mất nước liên quan đến giảm lượng nước đưa vào cơ thể, nôn mửa, tiêu chảy hay qua mồ hôi, tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách bù nước qua truyền dịch.
  • Quản lý liều lượng thuốc được đưa vào cơ thể chính xác.
  • Truyền máu hoặc các sản phẩm từ máu để điều trị các tình trạng bệnh lý như sốc, chấn thương hoặc việc thiếu các thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Việc truyền dịch sẽ phục hồi thể tích tuần hoàn, cải thiện khả năng vận chuyển oxy và bù đắp các thành phần máu bị thiếu trong cơ thể.
  • Truyền dịch cung cấp chất dinh dưỡng đối với người bệnh không thể nhận đủ lượng chất qua đường ăn uống.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà 1
Truyền dịch là cách nhanh nhất để đưa thuốc và dịch đi khắp cơ thể 

Một số lưu ý khi truyền dịch đường tĩnh mạch

Việc truyền dịch qua tĩnh mạch là quy trình thường quy tại các cơ sở y tế hiện nay. Sau đây là một số lưu ý khi truyền dịch qua đường tĩnh mạch:

  • Truyền dịch cần được làm bởi người có chuyên môn tốt như bác sĩ hoặc điều dưỡng.
  • Truyền dịch đường tĩnh mạch đưa thuốc hay các chất, dịch truyền trực tiếp vào cơ thể người, do đó có thể xảy ra các biến chứng đáng tiếc, liên quan đến việc sử dụng sai liều, không đúng thuốc hoặc cơ địa của người bệnh.
  • Cần đảm bảo vô trùng trong suốt quá trình truyền dịch qua đường tĩnh mạch: Mỗi bộ dụng cụ tiêm truyền chỉ sử dụng 1 lần, không sử dụng lại cho người khác; Rửa tay sát khuẩn trước khi thực hiện quy trình.
  • Vị trí đặt đường truyền cần kiểm tra mỗi 2 giờ và khi cần thiết.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà 2
Sát khuẩn tay trước khi đặt đường truyền là bắt buộc

Phân loại đường truyền tĩnh mạch

Phân này sẽ mô tả 2 loại đường truyền tĩnh mạch, dựa vào vị trí đặt đường truyền khác nhau: Đường truyền tĩnh mạch ngoại biên (Peripheral IV) và đường truyền tĩnh mạch trung tâm (central venous catheter).

Đường truyền tĩnh mạch ngoại vi (Peripheral IV)

Đây là phương pháp phổ biến để truyền tĩnh mạch ngắn hạn tại các cơ sở y tế. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị nên thay đường truyền sau mỗi 72 – 96 giờ để ngăn ngừa nhiễm trùng và viêm tĩnh mạch ở người lớn. Đường truyền tĩnh mạch ngoại vi cần được rút ngay khi:

  • Thay mới sau mỗi 72 – 96 giờ hoặc khi cần thiết.
  • Ngay khi người bệnh ổn định và không cần điều trị bằng truyền dịch đường tĩnh mạch nữa.
  • Ngay lập tức nếu thấy đau, sưng nề, đỏ hoặc chảy mủ, chảy dịch tại vị trí đặt đường truyền.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà 3
Đường truyền tĩnh mạch ngoại vi

Một số biến chứng có thể xảy ra khi đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi mà không được chăm sóc tốt như: Viêm tĩnh mạch huyết khối, sự thoát mạch của thuốc, lệch vein, xuất huyết,… Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể gặp phù phổi, thuyên tắc khí, tắc đường truyền, nhiễm trùng,...

Catheter tĩnh mạch trung tâm

Catheter tĩnh mạch trung tâm là một ống đường truyền được đưa và tĩnh mạch lớn trong hệ thống tuần hoàn trung tâm, đầu ống thông đường đặt ở tĩnh mạch chủ trên và dịch truyền được đưa vào rất gần với tâm nhĩ phải của tim. Ngoài ra, một số vị trí khác có thể đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm là: Tĩnh mạch dưới đòn, tĩnh mạch đùi. Ngoài việc giúp đưa dịch truyền vào cơ thể, catheter tĩnh mạch trung tâm có thể được sử dụng để đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP).

Catheter tĩnh mạch trung tâm thường được sử dụng phổ biến ở những người bệnh nặng, có thể sử dụng trong nhiều ngày đến nhiều tuần và những bệnh nhân nội trú lâu dài.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà 4
Catheter tĩnh mạch trung tâm

Việc chăm sóc catheter tĩnh mạch trung tâm cần được đào tạo chuyên môn cao để ngăn ngừa các biến chứng do các đường truyền trung tâm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cho bệnh nhân. Do đó, cần tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật vô trùng đối với tất cả người bệnh.

Một số biến chứng có thể gặp: Phù phổi cấp do quá tải tuần hoàn, nhiễm trùng máu liên quan đến ống thông, huyết khối, thuyên tắc khí, tắc nghẽn đường truyền…

Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà

Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ do không được theo dõi trước, trong và sau truyền tại các cơ sở y tế, nơi có đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn và bộ dụng cụ, thuốc có thể xử trí nhanh khi các biến chứng xảy ra. Các biến chứng có thể xảy ra khi truyền dịch tại nhà:

  • Một số bệnh nhân có thể gặp tình trạng ớn lạnh, sốt, mạch nhanh, thở nông, tay chân lạnh, hạ huyết áp, khó thở, lo lắng, bồn chồn… khi truyền dịch. Tình trạng đó được gọi là sốc phản vệ, nguyên nhân gây sốc phản vệ là do có chất gây sốt trong dịch truyền hoặc do tốc độ truyền quá nhanh, đôi khi là do cơ địa nhạy cảm, dị ứng với thuốc của bệnh nhân (kháng sinh). Trong khi tự truyền dịch, thuốc tại nhà không được thử dị ứng trước khi truyền, do đó, tỷ lệ biến chứng này cũng cao hơn. Biến chứng này vô cùng nguy hiểm và cần được xử trí nhanh chóng, kịp thời.
  • Lệch vein gây thoát thuốc ra khỏi lòng mạch. Tình trạng này xảy ra khi dịch truyền gây phồng rộp các mô xung quanh gây tổn thương và đau.
  • Phù phổi có thể gặp khi có hiện tượng quá tải tuần hoàn, do đó gây tích tụ chất lỏng trong phổi. Tình trạng này gây giảm độ bão hòa Oxy, tăng nhịp hô hấp, khó thở, ho đờm bọt hồng…
  • Thuyên tắc khí do có không khí trong hệ thống mạch máu
  • Nhiễm trùng máu liên quan đến ống thông: Do vi sinh vật xâm nhập vào máu thông qua vị trí đặt đường truyền. Để tránh nhiễm trùng, cần thực hiện quy trình vệ sinh tay và sát khuẩn vị trí đặt đường truyền.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà 5
Những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà

Các rủi ro này thường gặp hơn ở những bệnh nhân có nguy cơ:

  • Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và bệnh thận, có nguy cao bị biến chứng toàn thân.
  • Bệnh nhi, trẻ sơ sinh và người già có nguy cơ cao hơn.

Truyền dịch tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro biến chứng do không có điều kiện, người có chuyên môn theo dõi diễn biến trong và sau truyền, đồng thời không có bộ thuốc cấp cứu cho các trường hợp sốc phản vệ. Do đó, nếu gặp các vấn đề về sức khỏe, nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín và điều trị theo phác đồ, hướng dẫn theo bác sĩ.

Bài viết trên của Nhà thuốc Long Châu đã mang đến cho các độc giả rất nhiều thông liên quan đến những nguy cơ tiềm ẩn khi tự truyền dịch tại nhà. Từ đó, giúp mọi người có thể tránh được những biến chứng này.

Xem thêm: Truyền nước biển có tác dụng gì? Trường hợp không được truyền nước biển?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin