Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những nguyên nhân gây mụn trứng cá đỏ mà bạn cần biết

Ngày 22/11/2023
Kích thước chữ

Mụn trứng cá đỏ là một trong những loại mụn phổ biến và gây ra nhiều khó khăn trong quá trình điều trị. Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa trị hoàn toàn mụn trứng cá đỏ, và thường chỉ có thể giảm thiểu sự xuất hiện của nó.

Mụn trứng cá đỏ không phải là mụn trứng cá thông thường. Bệnh thường xuất hiện với biểu hiện nổi mụn đỏ, châm chích và nổi mủ, đi kèm với giãn mạch, đỏ da… Do đó, mụn trứng cá đỏ thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá. Tuy nhiên, nếu không nhận diện đúng nguyên nhân và áp dụng cách chữa trị đúng cách, tình trạng da có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Mụn trứng cá đỏ là gì?

Mụn trứng cá đỏ là một bệnh da liễu có thể xảy ra ở cả nam và nữ, đặc biệt thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 - 60. Tình trạng này khiến da mặt trở nên đỏ, các mạch máu trở nên rõ ràng hơn và gây nên những đốm mụn sưng đỏ, có mủ, kèm theo cảm giác châm chích khó chịu. Mụn trứng cá đỏ thường khó kiểm soát và xuất hiện theo từng đợt, làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn.

Bệnh mụn trứng cá đỏ (Rosacea) thường phát triển nhiều hơn ở mặt so với các vùng khác trên cơ thể. Các dấu hiệu này có thể bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng và giảm dần theo thời gian. Bệnh cũng có thể xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và diễn ra theo một vòng lặp đều đặn.

Cách điều trị mụn trứng cá đỏ đơn giản, hiệu quả 1
Mụn trứng cá đỏ khiến da mặt trở nên đỏ với các mạch máu trở nên rõ hơn

Vị trí xuất hiện mụn trứng cá đỏ

Vị trí của mụn trứng cá đỏ thường tập trung chủ yếu ở khu vực da mặt, đặc biệt là ở phần trung tâm như trán, mũi, và cằm. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở khu vực gần mi mắt và ít biểu hiện ở các vùng da khác trên cơ thể.

Một số triệu chứng phổ biến của mụn trứng cá đỏ bao gồm:

  • Các mạch máu tại khu vực bị mụn trứng cá đỏ thường trở nên rõ ràng và những mạch này thường bị giãn, lan rộng ra hai bên mặt.
  • Lỗ chân lông trở nên lớn và da mặt có thể trở nên khô, thiếu sức sống.
  • Mụn trứng cá đỏ thường phát ban dưới dạng các cụm đỏ sưng tấy, đặc biệt là ở khu vực chữ T trên khuôn mặt.
Cách điều trị mụn trứng cá đỏ đơn giản, hiệu quả 2
Mụn trứng cá đỏ thường phát ban dưới dạng các cụm đỏ sưng tấy

Nguyên nhân gây mụn trứng cá đỏ

Theo một số nghiên cứu từ Viện da liễu Hoa Kỳ, mụn trứng cá đỏ có thể liên quan đến di truyền, hệ miễn dịch và dị ứng, đặc biệt là sự bất thường trong kiểm soát vận mạch, suy yếu hệ thống tĩnh mạch vùng mặt và rối loạn chức năng peptide kháng khuẩn. Một số nguyên nhân khác có thể góp phần vào tình trạng này:

Môi trường

Trong môi trường ô nhiễm có nhiều bụi bẩn, da dễ bị tổn thương và kích thích. Thời tiết nóng, tác động của tia UV và ánh sáng xanh cũng có thể làm da trở nên đỏ và gây giãn nở các mạch máu bất thường, gây nên bệnh mụn trứng cá đỏ. Trong điều kiện da bị tổn thương và kích thích, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập và phát triển hơn.

Thực phẩm

Chưa có nghiên cứu cụ thể về việc các loại thức ăn nào gây nên mụn trứng cá đỏ. Tuy nhiên, thực phẩm cay nồng, dầu mỡ, gia vị và rượu bia có thể gián tiếp làm nặng thêm tình trạng này.

Cách điều trị mụn trứng cá đỏ đơn giản, hiệu quả 3
Thực phẩm cay nồng, dầu mỡ, gia vị có thể làm tăng tình trạng mụn trứng cá đỏ

Thuốc

Một số người sử dụng thuốc để điều trị bệnh có khả năng cao hơn về việc bị mụn trứng cá đỏ. Một số loại thuốc chứa corticosteroid hoặc thuốc điều trị huyết áp có thể làm suy giảm khả năng miễn dịch của da, làm giãn mạch máu, dễ khiến da trở nên mụn nặng hơn. Các chất khác như lithium, testosteron cũng có thể làm da dễ bị mụn. Một số loại mỹ phẩm cũng có thể làm tăng tình trạng mụn trứng cá đỏ.

Di truyền

Theo một số nghiên cứu, người có người thân mắc bệnh mụn trứng cá đỏ trong gia đình có khả năng mắc bệnh này cao hơn. Bệnh thường xuất hiện ở người da trắng hơn so với người da màu hoặc da đen.

Triệu chứng của mụn trứng cá đỏ

Triệu chứng của mụn trứng cá đỏ bao gồm những giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn tiền trứng cá đỏ

  • Cảm giác nóng bừng mặt, tiết nhiều mồ hôi.
  • Cảm giác châm chích khó chịu kèm theo da mặt đỏ lên.
  • Các yếu tố như ánh nắng mặt trời, stress và chế độ ăn uống có thể làm gia tăng cơn bùng phát và giai đoạn này có thể kéo dài đến các giai đoạn sau.

Giai đoạn mạch máu giãn

  • Xuất hiện những mạch máu nhỏ giãn ra, tạo ra các đốm nhỏ rực ở cánh mũi.
  • Hiện tượng phù nề, giãn mao mạch nhỏ trên da do quá trình vận chuyển máu bị rối loạn.

Giai đoạn viêm

  • Xuất hiện sần và nổi mụn mủ có kích thước khoảng 2-5 mm, đi kèm với da đỏ.
  • Những nốt mụn này thường bị nhầm lẫn với mụn trứng cá thông thường. Các nốt mụn này có thể là do vi khuẩn như Demodex thuộc họ ve mạt hoặc các sinh vật chưa được xác định khác.

Giai đoạn muộn

Ở giai đoạn muộn có thể xảy ra với một số người, tăng sinh tuyến dầu kết hợp với viêm nhiễm mô sẽ dẫn đến sự xuất hiện của u xơ đa đì phi nhiều ở mũi, gây sưng to. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng mũi sư tử, thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi và ít gặp ở nữ giới.

Cách điều trị mụn trứng cá đỏ

Mặc dù hiện tại chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn mụn trứng cá đỏ do bệnh trạng mang tính mãn tính, nhưng vẫn có thể kiểm soát tình trạng. Bác sĩ sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân để đề xuất liệu trình điều trị da phù hợp với tình trạng mụn của người bệnh.

Mục tiêu khi điều trị bệnh là kiểm soát tình trạng mụn, giảm triệu chứng và các tổn thương trên da. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng để có kết quả tốt nhất.

Một số bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi ngoài da, trong trường hợp nặng hơn, có thể được kê đơn thuốc kháng sinh. Các loại thuốc này giúp giảm viêm nhiễm và cải thiện tình trạng da bằng cách làm dịu cơn nóng bừng, làm khô mụn mủ và cải thiện thẩm mỹ của da.

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm erythromycin đơn hay benzoyl peroxide phối hợp với clindamycin (kem trị mụn trứng cá đỏ) hoặc kem permethrine 5% để tiêu diệt ký sinh trùng Demodex. Ngoài ra, việc loại bỏ các loại mỹ phẩm gây kích ứng da và thay thế chúng bằng các bước sữa rửa mặt nhẹ nhàng và kem chống nắng để bảo vệ da cũng là điều quan trọng.

Cũng có một số loại thuốc giúp giảm đỏ, nốt sần trên da và mụn mủ như metronidazol, acid azelaic, mặc dù có thể gây châm chích một chút. Thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin và doxycycline cũng được sử dụng để giảm sần và mụn mủ.

Làm sao để ngăn ngừa tình trạng mụn trứng cá đỏ?

Để ngăn chặn sự tiến triển của mụn trứng cá đỏ, những biện pháp sau đây có thể được thực hiện:

  • Tránh sử dụng các chất kích thích như bia và rượu.
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên khi ra ngoài, đặc biệt là trong môi trường có ánh sáng mặt trời.
  • Sử dụng các sản phẩm làm sạch và chăm sóc da nhẹ nhàng, không kích thích, lành tính.
  • Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
  • Tìm kiếm sự tư vấn và điều trị tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên gia chăm sóc da chuyên nghiệp.
Cách điều trị mụn trứng cá đỏ đơn giản, hiệu quả 4
Rửa mặt sạch sẽ để ngăn ngừa tình trạng mụn trứng cá đỏ

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về cách điều trị mụn trứng cá đỏ đơn giản, hiệu quả. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích, giúp bạn phòng ngừa và điều trị mụn trứng cá đỏ tốt hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm