Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng/
  4. Thực phẩm dinh dưỡng

Những thực phẩm có tính kiềm giúp kiểm soát axit uric

Ngày 10/09/2024
Kích thước chữ

Ngày nay, việc duy trì mức axit uric cân bằng là điều cần thiết để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe như bệnh gout và bệnh thận. Một cách hiệu quả để hỗ trợ điều này là thông qua chế độ ăn uống với các thực phẩm có tính kiềm. Những thực phẩm này không chỉ giúp cân bằng pH trong cơ thể mà còn hỗ trợ quá trình thải độc và giảm viêm. Bài viết này sẽ giới thiệu những thực phẩm có tính kiềm và lợi ích của chúng trong việc kiểm soát axit uric.

Người có chỉ số axit uric cao cần chú ý đến chế độ ăn uống để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cần tuyệt đối tránh các thực phẩm như nội tạng động vật, rượu bia, đồ ngọt, thịt đỏ và hải sản vì chúng chứa nhiều purin, chất chuyển hóa thành axit uric. Thay vào đó, nên bổ sung rau xanh, trái cây có tính kiềm, những thực phẩm này cung cấp dưỡng chất cần thiết và hỗ trợ kiểm soát mức axit uric.

Chuối

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients cho biết, chuối là một trong những loại trái cây hữu ích để giảm lượng axit uric trong máu và giảm nguy cơ mắc phải bệnh gout. Chuối có hàm lượng purin rất thấp, một hợp chất tự nhiên chuyển hóa thành axit uric, nên là lựa chọn tốt cho việc kiểm soát axit uric cao. Ngoài ra, theo Healthline, chuối không chỉ có hàm lượng purin thấp mà còn cung cấp vitamin C, một yếu tố có thể giúp bảo vệ và chống lại bệnh gout. 

Những thực phẩm có tính kiềm giúp kiểm soát axit uric 1
Chuối là một trong những loại trái cây hữu ích để giảm lượng axit uric trong máu

Một đánh giá năm 2021 chỉ ra rằng vitamin C cao có thể giảm nguy cơ mắc bệnh gout, mặc dù cần thêm nghiên cứu để xác nhận lợi ích này. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một quả chuối chứa 14,1mg vitamin C, đáp ứng khoảng 16% giá trị hàng ngày. Do đó, ăn một quả chuối mỗi ngày có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric, cung cấp đủ kali cho cơ thể và hỗ trợ quá trình loại bỏ axit uric nhờ hàm lượng chất xơ trong nó.

Táo

Táo có chứa lượng chất xơ cao, giúp giảm nồng độ axit uric trong cơ thể. Chất xơ trong táo hấp thụ axit uric từ máu và hỗ trợ loại bỏ lượng dư thừa. Bên cạnh đó, táo cũng giàu axit malic, có khả năng trung hòa tác dụng của axit uric. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Á - Thái Bình Dương cũng khẳng định hiệu quả tương tự của táo trong việc giảm nồng độ axit uric.

Anh đào

Theo Healthshots, quả anh đào chứa anthocyanin, một hợp chất chống viêm tự nhiên, giúp kiểm soát nồng độ axit uric. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Arthritis and Rheumatology cho thấy những người tiêu thụ quả anh đào có nguy cơ bị bệnh gout thấp hơn so với những người không ăn. Bằng cách giảm viêm, quả anh đào cũng ngăn ngừa sự kết tinh và lắng đọng của axit uric trong khớp, đây là nguyên nhân chính gây bệnh gout.

Những thực phẩm có tính kiềm giúp kiểm soát axit uric 2
Quả anh đào chứa anthocyanin giúp kiểm soát nồng độ axit uric

Dâu tây

Dâu tây là một loại trái cây giàu chất chống oxy hóa, giúp trung hòa tác động tiêu cực của axit uric và giảm nồng độ axit uric trong cơ thể. Đặc tính lợi tiểu của dâu tây cũng tăng cường sản xuất nước tiểu tại thận, điều này rất quan trọng trong việc kiểm soát axit uric và cải thiện tình trạng bệnh gout. Ngoài ra, dâu tây cung cấp vitamin C, flavonoid và chất xơ, hỗ trợ phân hủy purin từ thực phẩm. Trong 200g dâu tây có chứa đến 160% lượng vitamin C khuyến cáo hàng ngày và 2g chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa. Dâu tây cũng không chứa chất béo, cholesterol hay natri, đồng thời cung cấp các vitamin và chất chống oxy hóa quan trọng khác.

Bông cải xanh

Trung bình 100g bông cải xanh chứa đến 89.2 mg vitamin C, tương đương với 89% nhu cầu khuyến nghị vitamin C hàng ngày dành cho người trưởng thành. Do đó, với cùng một khối lượng tiêu thụ, lợi ích kháng viêm từ bông cải xanh có thể mạnh mẽ hơn cả cà chua. Thêm vào đó, hàm lượng purin trong bông cải xanh rất thấp (22 mg/100g), làm cho nó trở thành một loại rau có lợi cho người bệnh gout và được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

Những thực phẩm có tính kiềm giúp kiểm soát axit uric 3
Hàm lượng purin trong bông cải xanh rất thấp

Dưa chuột

Dưa chuột không chỉ được sử dụng trong nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích làm đẹp và sức khỏe, bao gồm việc hỗ trợ điều trị bệnh gout. Dưa chuột giúp giảm cân, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và hạ nồng độ axit uric. Ngoài ra, dưa chuột chứa silicon, một chất có khả năng giảm và điều trị bệnh gout, đồng thời củng cố cấu trúc mô của khớp và giảm nguy cơ bị bệnh gout tấn công. Dưa chuột cũng là thực phẩm có tính kiềm, giúp thúc đẩy quá trình bài tiết nước tiểu và đào thải axit uric khỏi cơ thể.

Cải bẹ xanh

Cải bẹ xanh cung cấp nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm flavonoids, carotenoids, cũng như vitamin C và E, giúp giảm mảng bám axit uric tại các khớp và làm giảm tình trạng sưng viêm một cách hiệu quả. Thêm vào đó, cải bẹ xanh có hàm lượng vitamin K cao vượt trội so với nhiều loại rau khác (258 mcg/100g), đáp ứng hơn 200% nhu cầu khuyến nghị vitamin K hàng ngày cho người trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy vitamin K có đặc tính kháng viêm mạnh mẽ, hỗ trợ giảm đau khi bệnh gout bộc phát.

Cần tây

Rau cần tây là một thực phẩm có lợi cho người mắc bệnh gout vì chứa nhiều luteolin, một hợp chất chống oxy hóa với khả năng kháng viêm mạnh mẽ. Luteolin giúp giảm triệu chứng đau khớp do bệnh gout gây ra. Nghiên cứu cũng cho thấy luteolin có khả năng ức chế enzyme xanthine oxidase, enzyme này phân giải purin từ thực phẩm thành axit uric (UA) trong máu. Vì vậy, việc tiêu thụ rau cần tây có thể giúp kiểm soát nồng độ axit uric trong máu và giảm nguy cơ bệnh gout tái phát.

Những thực phẩm có tính kiềm giúp kiểm soát axit uric 4
Rau cần tây là một thực phẩm có lợi cho người mắc bệnh gout

Tóm lại, việc ăn nhiều thực phẩm có tính kiềm có thể giúp cơ thể thải axit uric hiệu quả hơn, từ đó giảm nồng độ axit uric trong cơ thể. Hy vọng với những thực phẩm có tính kiềm giúp kiểm soát axit uric được đề cập trong bài viết trên có thể giúp bạn đọc lựa chọn thêm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày để bảo vệ sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin