Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nói lắp ở trẻ và tất cả những vấn đề cần biết

Ngày 03/05/2022
Kích thước chữ

Trẻ nhỏ luôn là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm. Nói lắp ở trẻ có thể khiến trẻ tự ti, từ đó dẫn tới các vấn đề ngại ngùng khi giao tiếp, tâm lí sợ đám đông, ảnh hưởng học tập và cuộc sống. Bài viết sau đây sẽ cung cấp tất cả những thông tin cần biết về tật nói lắp ở trẻ tới quý phụ huynh và gia đình.

Nói lắp ở trẻ nhỏ thường gặp trong giai đoạn từ 2-6 tuổi, độ tuổi trong quá trình học và hoàn thiện ngôn ngữ. Điều này làm cản trở lớn tới trẻ nếu xuất hiện thời gian dài tới tuổi trưởng thành nếu không được khắc phục kịp thời.

Nói lắp ở trẻ là gì?

Nói lắp là gì? Đó được định nghĩa là một tình trạng rối loạn giọng nói liên quan đến các vấn đề nói không trôi chảy, khó khăn khi nói ra hoặc lặp âm, từ lặp lại. Nói lắp phổ biến chủ yếu trong giai đoạn học nói của trẻ. Trẻ gặp phải tình trạng này khi khả năng ngôn ngữ chưa phát triển đủ để theo kịp được cuộc hội thoại, diễn đạt những điều mình muốn nói.

Đa số trường hợp nói lắp ở trẻ có thể khỏi khi lớn lên, tuy nhiên một vài trường hợp trở thành mãn tính và kéo dài tới tuổi trưởng thành. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng tương tác xã hội và tự ti lớn trong giao tiếp.

Nói lắp ở trẻ và tất cả những vấn đề cần biết 1 Đừng để nói lắp trở thành rào cản ngăn cách con với cả thế giới

Nguyên nhân gây nói lắp ở trẻ

Nguyên nhân nói lắp ở trẻ em chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đó có thể do sự chậm trễ hoặc lỗi dẫn truyền mà não của trẻ điều khiển tới cơ miệng của trẻ khi nói. Khi đó, mất đi sự phối hợp của các cơ miệng khi nói chuyện dẫn đến nói lắp.

Một số nghiên cứu khác cho rằng nói lắp có tính di truyền. Một trẻ có khả năng cao bị nói lắp hơn khi được sinh ra trong những gia đình có các thành viên cũng bị như vậy. Nhưng không có nghĩa là những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình có người bị nói lắp thì chắc chắn bị nói lắp.

Căng thẳng, áp lực và lo lắng có thể là nguyên nhân gây nói lắp ở trẻ. Đặc biệt, những đứa trẻ bị áp lực bởi sự kỳ vọng của cha mẹ sẽ luôn trong tình trạng sợ hãi khi nói chuyện với người khác. Tình trạng không kiểm soát tốt được tâm lý của mình làm cho trẻ dẫn đến nói lắp.

Triệu chứng nói lắp ở trẻ

Ở những giai đoạn tập nói đầu tiên của cuộc đời, trẻ có xu hướng phát ra các nguyên âm kéo dài, từ kép dài, rồi tới 18-24 tháng tuổi, khi vốn từ đã phát triển hơn, việc nói lắp để ghép từ tạo thành câu có thể mang tới một số khó chịu, bực bội cho cha mẹ. Tuy nhiên, đây là tình trạng sinh lý mà đứa trẻ nào hầu như cũng trải qua, cha mẹ hãy kiên trì với con để giúp con phát triển ngôn ngữ.

Khi lớn dần, hầu hết tình trạng nói lắp có thể xảy ra một thời gian rồi biến mất trước 6 tuổi, không cần bất cứ sự can thiệp nào. Nhưng, nếu tình trạng nói lắp của trẻ xảy ra với tần suất ngày càng nhiều và trở nên tồi tệ hơn thì điều này là bất thường, cần can thiệp cho trẻ.

Trẻ ở độ tuổi đi học, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề đã có mà tình trạng nói lắp vẫn tiếp diễn thì có thể do tình trạng tâm lý của trẻ bất ổn hoặc có trở ngại trong việc giao tiếp.

Các triệu chứng nói lắp của trẻ có thể bao gồm:

  • Kéo dài một âm, một từ trong thời gian dài.
  • Khó khăn trong việc khởi đầu nói một từ, một cụm từ, một câu hoàn chỉnh.
  • Lặp lại từ, cụm từ nhiều lần.
  • Thêm từ “ừm” nếu khó nói về một từ tiếp theo.
  • Nói ngắt quãng một âm hoặc một từ.
  • Lo lắng khi nói chuyện.
  • Căng thẳng, căng cứng khi cử động cơ mặt khi phát âm một từ.
​  Đừng để nói lắp trở thành rào cản ngăn cách con với cả thế giới  ​2 Nói lắp ở trẻ có thể luyện tập và khắc phục được

Nói lắp ở trẻ có chữa được không?

Nếu trẻ đã 6 tuổi mà vẫn còn nói lắp, hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu ngôn ngữ để được tư vấn và trị liệu hiệu quả. Mặc dù, hiện nay không có thuốc chữa khỏi chứng nói lắp, nhưng có rất nhiều phương pháp điều trị có thể can thiệp cho trẻ tùy vào lứa tuổi, mục đích giao tiếp và nguyên nhân gây ra nói lắp ở trẻ.

Trước cuộc hẹn với bác sĩ, hãy liệt kê ra danh sách các vấn đề bao gồm:

  • Các từ và âm thanh gặp phải trong cuộc giao tiếp của trẻ, nếu có thể có thể ghi âm hoặc video về triệu chứng của trẻ.
  • Dấu hiệu và hoàn cảnh nói lắp ở trẻ bắt đầu từ khi nào? Điều gì làm cho nó tốt hơn hay tệ hơn.
  • Ảnh hưởng của nói lắp tới trẻ hiện tại.
  • Các thông tin sức khỏe khác như tinh thần, sức khỏe thể chất của trẻ từ khi sinh ra đến thời điểm hiện tại.
  • Các loại thuốc sử dụng thường xuyên cho trẻ.
  • Những câu hỏi mà bạn muốn đặt cho bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu.

Cách điều trị nói lắp ở trẻ

Cách điều trị nói lắp cho trẻ khá đa dạng. Bên cạnh các trường hợp nói lắp sinh lý của trẻ có thể tự khỏi sau một thời gian không cần trị liệu, thì một số trẻ cần có can thiệp liệu pháp ngôn ngữ, các thiết bị điện tử, sử dụng thuốc hoặc các liệu pháp hành vi tâm lý cho trẻ.

Liệu pháp ngôn ngữ

  • Bài tập cho cơ miệng để giãn cơ và phối hợp vận động cho các nhóm cơ khi nói.
  • Trị liệu phát âm: Luyện phát âm từng từ đơn, câu đơn một cách trôi chảy chậm rãi, sau đó chuyển sang các từ, các câu phức tạp hơn.
  • Học điều chỉnh nhịp thở, tâm lý khi bắt đầu nói.
  • Sử dụng tranh, ảnh, trò chơi trong khi giao tiếp với trẻ để giải tỏa tâm lý khi giao tiếp,...

Sử dụng các thiết bị điện tử

Các thiết bị điện tử sử dụng cho người nói lắp có công dụng tiếp nhận giọng nói, ghi âm, sau đó phát lại giọng nói của người sử dụng, làm cho người nói có cảm giác có một giọng nói khác cùng nói với mình trong cùng một thời điểm đó. Thiết bị mang tên “Speech easy” giúp cho người nói tự tin và trôi chảy hơn trong giao tiếp.

Điều trị tâm lý liệu pháp cho trẻ

Một số trẻ nói lắp do nguyên nhân tâm lý căng thẳng thì việc giải tỏa tâm lý cho trẻ là vô cùng quan trọng. Cần tạo môi trường thoải mái, tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ hằng ngày. Nói chuyện, tâm sự chân thành, cởi mở như một người bạn với trẻ, để trẻ hòa nhập và giải tỏa tâm lý khó khăn khi giao tiếp.

​  Đừng để nói lắp trở thành rào cản ngăn cách con với cả thế giới  ​ 3 Điều trị nói lắp ở trẻ cần kết hợp nhiều phương pháp

Dùng thuốc trị nói lắp

Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu nói lắp. Các thuốc được sử dụng hầu hết là chữa các triệu chứng tâm lý, như các thuốc an thần, chống trầm cảm, chống động kinh. Các loại thuốc này thường chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và có rất nhiều tác dụng phụ có thể làm ảnh hưởng tới phát triển của trẻ.

Phòng bệnh nói lắp ở trẻ

  • Thư giãn cơ thể: Khi cơ thể được thả lỏng, thư giãn đầu óc, sẽ giúp cho trẻ không bị căng cứng cơ thể, đặc biệt là cơ miệng giúp cho giao tiếp ngôn ngữ của trẻ được trôi chảy hơn. Một số động tác giúp thư giãn như: Bật môi trước khi nói, lắc đầu, nhai kẹo cao su,… rất hiệu quả trong việc giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trước khi bắt đầu giao tiếp.
  • Đứng trước gương luyện giao tiếp: Nói lắp ở trẻ thường gia tăng trong môi trường đông người và giảm khi chỉ có một mình. Vì vậy, trẻ đứng trước gương tự giao tiếp với chính mình về một vấn đề nào đó sẽ giúp trẻ có thêm sự tự tin và chuẩn bị tốt về chủ đề giao tiếp.
  • Tưởng tượng và chuẩn bị nội dung nói trước khi nói: Khi nắm được nội dung cần truyền đạt sẽ giúp trẻ không bị lúng túng khi nói chuyện. Nếu không có nội dung nói, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng nói lắp và mất phương hướng trong chủ đề giao tiếp.

Nói lắp ở trẻ là tình trạng cần điều trị trong thời gian dài, cần sự kiên nhẫn và chú ý của cả gia đình, nhà trường, bạn bè. Hãy yêu thương và đồng hành cùng con trên chặng đường khắc phục nhược điểm này ba mẹ nhé. Nhà Thuốc Long Châu luôn hi vọng là người bạn đồng hành để chăm sóc sức khỏe cho con và cả gia đình!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin