Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Nổi mề đay khi trời lạnh: Làm thế nào để nhận biết và xử lý?

Ngày 14/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nổi mề đay khi trời lạnh là một dạng dị ứng da phụ thuộc vào một tác nhân là nhiệt độ lạnh. Nó gây khó chịu và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên tình trạng nếu trở nên nghiêm trọng sẽ gây phản ứng toàn thân dẫn tới sốc và thậm chí là tử vong.

Hãy cùng tìm hiểu những ai có nguy cơ cao mắc phải chứng mề đay khi trời lạnh, cách nhận diện các triệu chứng, biện pháp điều trị hiệu quả và các phương pháp phòng tránh thông qua bài viết này của Long Châu.

Yếu tố nguy cơ của tình trạng nổi mề đay khi trời lạnh

Mề đay lạnh (Cold urticaria) là một dạng tương đối hiếm gặp của tình trạng nổi mề đay mãn tính. Khi mắc phải, người bệnh sẽ bị nổi mày đay khi tiếp xúc với bất cứ thứ gì lạnh, chẳng hạn như uống đồ uống lạnh, ăn kem, bơi trong nước lạnh, đi bộ dưới nhiệt độ lạnh.

Chỉ có khoảng 0,05% dân số bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, nó phổ biến hơn ở những người trong độ tuổi thanh niên và trung niên. Rủi ro mắc bệnh ở phụ nữ cao gấp đôi so với nam giới.

Trong một số ít trường hợp, bạn có thể bị nổi mề đay do di truyền bệnh từ một thành viên trong gia đình. Và với trường hợp này, bạn sẽ bị phát ban đau đớn hơn cùng những triệu chứng giống như khi bị cảm lạnh.

Ngoài ra, mắc một số bệnh lý như viêm gan và ung thư cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số dạng nổi mề đay khi trời lạnh.

Đa số các tình trạng mề đay do lạnh gặp phải là dạng bệnh nguyên phát, với nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Chỉ có một số ít thuộc loại thứ phát do các tình trạng tiềm ẩn về máu và bệnh truyền nhiễm, bao gồm:

  • Cryoglobulin máu;
  • Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính;
  • Lymphosarcoma - Ung thư hạch bạch huyết;
  • Thủy đậu;
  • Giang mai;
  • Viêm gan siêu vi;
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng và các bệnh nhiễm virus đường hô hấp khác.
Nổi mề đay khi trời lạnh: Làm thế nào để nhận biết và xử lý? 1
Mề đay lạnh là một dạng tương đối hiếm gặp của tình trạng nổi mề đay mãn tính

Chẩn đoán và triệu chứng lâm sàng của tình trạng nổi mề đay khi trời lạnh

Nổi mề đay lạnh xảy ra bởi sự kích thích của các tác nhân có nhiệt độ lạnh làm kích hoạt tế bào mast, giải phóng histamine và các chất trung gian gây viêm. Thế nhưng nguyên nhân thực sự của hiện tượng này vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Người ta mới chỉ ghi nhận những triệu chứng lâm sàng và cách chẩn đoán bệnh lý này.

Chẩn đoán

Bệnh lý nổi mề đay lạnh có thể được chẩn đoán bằng một bài kiểm tra với nước đá (ice-cube test). Bác sĩ tiến hành chườm một viên đá lên vùng da ở cẳng tay trong 1 - 5 phút. Nếu bạn mắc phải bệnh này, vùng chườm sẽ phát ban và sưng đỏ rõ rệt trong vòng vài phút ngay sau khi chườm.

Thêm vào đó, việc thực hiện xét nghiệm công thức máu toàn phần và các phân tích chuyển hóa khác cũng có thể giúp trong việc tìm ra các vấn đề sức khỏe có liên quan.

Triệu chứng lâm sàng

Nổi mề đay lạnh được chia làm 2 loại:

  • Nổi mề đay lạnh mắc phải: Là loại thường gặp, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trong vòng 2 - 5 phút và kéo dài trong vòng 1 - 2 giờ trước khi biến mất.
  • Mề đay lạnh di truyền: Thường gây ra các biểu hiện lâm sàng sau khoảng 24 - 48 giờ từ khi bắt đầu và thường kéo dài 24 giờ, mặc dù có trường hợp nó có thể kéo dài tới 48 giờ.

Các triệu chứng này bao gồm:

  • Xuất hiện vết loét, ngứa, có thể phù mạch khu trú (ảnh hưởng đến một vùng của cơ thể) hoặc tổng quát (phát ban toàn thân).
  • Các phản ứng về da có thể trở nên tệ hơn khi da ấm lên.
  • Phản ứng sưng phù xảy ra ở những khu vực da tiếp xúc trực tiếp với độ lạnh (như sưng môi, lưỡi, hoặc cổ họng sau khi ăn kem hoặc đồ uống lạnh).
  • Trong một số trường hợp, các triệu chứng toàn thân có thể phát triển thành sốc phản vệ với các biểu hiện như: Khó thở, thở khò khè; đau bụng, tim đập nhanh và nhịp không đều.
  • Trường hợp rất nghiêm trọng, có thể xảy ra hạ huyết áp, sốc và tử vong.

Bơi trong nước lạnh là nguyên nhân phổ biến nhất của phản ứng nổi mề đay lạnh nghiêm trọng. Những phản ứng này cũng có thể phát triển ở bệnh nhân khi họ phơi nhiễm trong môi trường có nhiệt độ thấp như phòng lạnh, hoặc trong quá trình tiến hành các ca phẫu thuật có tác động của gây mê toàn thân.

Nổi mề đay khi trời lạnh: Làm thế nào để nhận biết và xử lý? 2
Ngứa là triệu chứng thường gặp khi bị nổi mề đay khi trời lạnh

Cách điều trị và phòng ngừa nổi mề đay khi trời lạnh

Bệnh nhân nổi mề đay lạnh nên học cách tự bảo vệ mình do nhiệt độ cơ thể giảm nhanh. Sau đây là một số cách điều trị và phòng ngừa mà bạn có thể tham khảo.

Điều trị

Sau khi chẩn đoán bạn bị mề đay lạnh, bác sĩ có thể đưa ra một số phương hướng điều trị sau:

  • Với bệnh nhân có nguy cơ phát triển sốc phản vệ, nên mang theo adrenaline khẩn cấp. Adrenaline thường được ưu tiên sử dụng trong điều trị cấp cứu do khả năng nhanh chóng khắc phục các dấu hiệu của sốc phản vệ, bằng cách nâng cao áp lực máu, mở rộng đường hô hấp và làm giảm tình trạng sưng phù.
  • Liều lượng thường được kê của thuốc kháng histamine trong những trường hợp dị ứng bình thường có thể không mang lại kết quả mong muốn, do đó việc điều chỉnh liều lượng cao hơn có thể được cân nhắc, chẳng hạn như việc sử dụng cetirizine với liều 40 mg mỗi ngày. hoặc thay thế bằng một số loại thuốc khác như doxepin, ketotifen.
  • Các thuốc đối kháng leukotriene, ciclosporin, corticosteroid toàn thân, dapsone, kháng sinh đường uống đã được báo cáo điều trị thành công trong một vài trường hợp.
Nổi mề đay khi trời lạnh: Làm thế nào để nhận biết và xử lý? 3
Có nhiều loại thuốc được sử dụng để xử lý tình trạng này

Phòng ngừa

Sau đây là một số lời khuyên về việc phòng ngừa chứng nổi mề đay khi trời lạnh để bạn có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, đặc biệt nếu bạn thuộc người có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này:

  • Cố gắng hạn chế ăn và uống đồ lạnh.
  • Tránh đứng gần hoặc tiếp xúc những nơi có nhiệt độ lạnh, ví dụ như các kệ lạnh ở siêu thị.
  • Khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp, nên tránh tham gia các hoạt động ngoài trời như bơi lội, đi bộ, hay leo núi.
  • Nếu đi bơi, hãy kiểm tra nhiệt độ nước trước bằng tay để đảm bảo phản ứng dị ứng không xảy ra.
  • Dùng các thuốc kháng histamine đúng chỉ định của bác sĩ khi có triệu chứng xảy ra.
  • Luôn thông báo trước với bác sĩ về tình trạng của bạn trước khi tiến hành điều trị hoặc phẫu thuật.

Trong trường hợp bạn cần phải gây mê toàn thân, sau đây là một số biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị:

  • Bác sĩ gây mê phải được thông báo trước về tình trạng của bạn, các nhân viên y tế phải có biện pháp giữ ấm cho bệnh nhân.
  • Nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình gây mê và phẫu thuật.
  • Giữ cho nhiệt độ trong phòng mổ luôn ấm áp.
  • Đắp chăn ấm.
  • Với các dịch truyền tĩnh mạch, nên làm ấm trước khi tiêm cho bệnh nhân.
  • Trước phẫu thuật, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng histamine không có tác dụng an thần.
  • Cân nhắc sử dụng corticosteroid toàn thân.
  • Tránh dùng các thuốc có khả năng giải phóng histamine (ví dụ các thuốc chứa thành phần có tính chất gây nghiện) và các thuốc có nguy cơ gây sốc phản vệ cao.
Nổi mề đay khi trời lạnh: Làm thế nào để nhận biết và xử lý? 4
Hạn chế ăn và uống đồ lạnh để phòng tránh bệnh

Các bệnh nhân mắc phải tình trạng nổi mề đay khi trời lạnh hầu hết đều dựa vào việc thay đổi lối sống để tránh bệnh bùng phát mạnh hơn. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này để có thể nhận biết sớm các dấu hiệu và yếu tố nguy cơ nếu có để lên kế hoạch điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:ngứa