Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em: Triệu chứng và cách điều trị từng phân độ

Ngày 06/07/2024
Kích thước chữ

Suy hô hấp ở trẻ em là tình trạng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Triệu chứng cũng như cách điều trị phụ thuộc vào phân độ suy hô hấp ở trẻ em. Việc tìm hiểu thông tin về cách phân độ này vì thế rất quan trọng.

Suy hô hấp cấp ở trẻ em là tình trạng trẻ dễ gặp phải trong giai đoạn sơ sinh hay thời thơ ấu. Để giúp nhận diện triệu chứng và quản lý tình trạng này một cách hiệu quả, việc hiểu rõ phân độ suy hô hấp ở trẻ em là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về các phân độ suy hô hấp ở trẻ em, cách nhận diện, nguyên nhân, và phương pháp điều trị.

Suy hô hấp ở trẻ em là gì? Nguyên nhân suy hô hấp ở trẻ em

Suy hô hấp là tình trạng hệ hô hấp không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể hoặc không thể loại bỏ đủ carbon dioxide ra khỏi cơ thể. Hai tình trạng này cũng có thể xảy ra cùng một lúc. Ở trẻ em, suy hô hấp có thể phát triển rất nhanh và trở thành tình trạng đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Suy hô hấp ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Suy hô hấp sơ sinh

Suy hô hấp sơ sinh thường xảy ra nhất với trẻ sinh non với phổi chưa phát triển hoàn thiện. Khi đó, phổi bị thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt để đảm bảo phổi hoạt động thuận lợi. Điều này gây ra tình trạng khó thở và các vấn đề ở hô hấp của trẻ.

Bên cạnh nguyên nhân sinh non, một số các yếu tố bên ngoài cũng làm xuất hiện hội chứng này ở trẻ sơ sinh như: Sinh mổ, đa thai, giảm cung cấp màu cho thai nhi khi sinh, mẹ bị ngạt, mẹ xuất huyết trước sinh, mẹ bị tiểu đường khi mang thai, gia đình có tiền sử suy hô hấp.

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em: Triệu chứng và cách điều trị 1
Suy hô hấp sơ sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ

Suy hô hấp ở trẻ nhỏ

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nói chung có thể do các vấn đề bệnh lý như:

  • Bệnh lý nhiễm trùng ở phổi như: Viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây suy hô hấp.
  • Bệnh lý di truyền và bẩm sinh: Những trẻ sinh non hoặc có dị tật bẩm sinh về phổi, tim, hoặc đường thở dễ bị suy hô hấp.
  • Tắc nghẽn đường thở: Dị vật đường thở, hen suyễn nặng, hoặc phản ứng dị ứng gây tắc nghẽn đường thở.
  • Bệnh lý thần kinh cơ: Các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ hô hấp, như bệnh teo cơ tủy sống.
  • Chấn thương: Chấn thương đầu, cổ, hoặc ngực có thể dẫn đến suy hô hấp.

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em và triệu chứng

Việc phân độ suy hô hấp ở trẻ em giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng này và giúp bác sĩ xác định được các biện pháp can thiệp phù hợp. Phân độ suy hô hấp trẻ em thường được chia thành 3 mức độ chính:

Suy hô hấp nhẹ (độ 1)

Dấu hiệu suy hô hấp mà bạn nên biết trong trường hợp này là: Trẻ có nhịp thở nhanh hơn bình thường nhưng khá đều. Khi trẻ thở có thể thấy tình trạng rút lõm nhẹ ở vùng ngực. Môi và móng tay của trẻ có thể có màu sắc hơi tái nhưng không bị tím.

Trong trường hợp này, sức khỏe của trẻ cần được theo dõi sát sao. Trẻ cần được cung cấp oxy bổ sung nếu cần. Nguyên nhân suy hô hấp độ nhẹ cũng cần sớm được tìm ra (dị ứng, nhiễm trùng...) để áp dụng các phương pháp điều trị nhắm vào từng nguyên nhân.

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em: Triệu chứng và cách điều trị 2
Tùy mức độ suy hô hấp, trẻ sẽ gặp các triệu chứng khó chịu khác nhau

Suy hô hấp trung bình (độ 2)

Khi bị suy hô hấp mức độ trung bình, trẻ có nhịp thở nhanh và cảm giác thở khó khăn rõ rệt. Khi thở, trẻ bị rút lõm rõ ở vùng ngực, xương ức, khoang liên sườn. Quan sát môi, móng tay, lưỡi của trẻ chuyển màu xanh tím.

Lúc này, trẻ cần được cung cấp oxy liên tục và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn quan trọng như: Nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu. Các biện pháp hỗ trợ hô hấp như CPAP, BiPAP cũng sẽ được sử dụng nếu cầu. Các bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm nguyên nhân và điều trị tích cực nguyên nhân gây suy hô hấp.

Suy hô hấp nặng (độ 3)

Trong phân độ suy hô hấp ở trẻ em, đây là cấp độ nặng nhất. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như: Nhịp thở rất nhanh hoặc rất chậm, không đều. Khi thở, toàn bộ vùng bụng và ngực bị rút lõm nặng. Môi, lưỡi, móng tay tím tái rõ rệt. Trẻ xuất hiện triệu chứng giảm ý thức hoặc mất ý thức. Bệnh nhân thở hổn hển hoặc ngừng thở theo từng cơn.

Trong trường hợp này, trẻ cần được cấp cứu ngay lập tức với sự hỗ trợ hô hấp của máy thở. Các dấu hiệu sinh tồn và khí máu động mạch cần được theo dõi chặt chẽ. Các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân gây suy hô hấp để kiểm soát bệnh đồng thời chuyển trẻ đến đến cơ sở y tế chuyên khoa nếu cần thiết.

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em: Triệu chứng và cách điều trị 3
Trẻ suy hô hấp nặng cần được cấp cứu kịp thời

Chẩn đoán phân độ suy hô hấp ở trẻ em

Những tiêu chuẩn chẩn đoán suy hô hấp thường bao gồm:

  • Khám lâm sàng là bước đầu tiên và quan trọng để chẩn đoán suy hô hấp. Bác sĩ sẽ đánh giá nhịp thở, dấu hiệu rút lõm ngực, màu sắc da, và tình trạng ý thức của trẻ. Các dấu hiệu này giúp xác định mức độ suy hô hấp và quyết định các biện pháp can thiệp ban đầu.
  • Các xét nghiệm máu như đo khí máu động mạch (ABG) giúp xác định mức độ oxy và carbon dioxide trong máu, từ đó đánh giá chức năng hô hấp của trẻ. Các xét nghiệm khác như công thức máu, CRP, và xét nghiệm vi sinh cũng có thể cần thiết để tìm nguyên nhân gây suy hô hấp.
  • Chụp X-quang ngực và siêu âm có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng phổi và tìm kiếm các nguyên nhân gây suy hô hấp như viêm phổi, tràn dịch màng phổi hoặc dị vật đường thở.
  • Trong một số trường hợp, đo chức năng phổi (spirometry) có thể cần thiết để đánh giá khả năng thông khí của phổi, đặc biệt ở trẻ mắc các bệnh lý mạn tính như hen suyễn.

Điều trị và quản lý suy hô hấp ở trẻ em

Cách phân loại suy hô hấp hay phân độ suy hô hấp ở trẻ em giúp các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Một số biện pháp quan trọng được áp dụng trong điều trị suy hô hấp ở trẻ em như:

Hỗ trợ hô hấp cho trẻ suy hô hấp

Hỗ trợ hô hấp bằng oxy liệu pháp thường được bác sĩ chỉ định khi trẻ thở khó khăn. Liệu pháp này sẽ cung cấp oxy qua mũi hoặc mặt nạ là biện pháp quan trọng để cải thiện tình trạng thiếu oxy ở trẻ suy hô hấp nhẹ và trung bình.

Phân độ suy hô hấp ở trẻ em: Triệu chứng và cách điều trị 4
Phân độ suy hô hấp ở trẻ em giúp xác định cách điều trị phù hợp

Thông khí không xâm lấn bằng các phương pháp như CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) và BiPAP (Bilevel Positive Airway Pressure) giúp duy trì đường thở mở và cải thiện thông khí ở trẻ suy hô hấp trung bình đến nặng. Trong trường hợp suy hô hấp nặng, trẻ có thể cần được thông khí xâm lấn bằng máy thở để đảm bảo đủ oxy và loại bỏ carbon dioxide.

Điều trị nguyên nhân

Điều trị hiệu quả nguyên nhân gây suy hô hấp là yếu tố quyết định thành công của quá trình quản lý suy hô hấp. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn bằng kháng sinh.
  • Điều trị các nhiễm trùng do virus bằng thuốc kháng virus.
  • Điều trị hen suyễn hoặc co thắt phế quản bằng thuốc giãn phế quản.
  • Giảm viêm và phù nề đường thở bằng Corticosteroid.
  • Phẫu thuật hoặc thủ thuật nội soi để lấy dị vật khỏi đường thở nếu trẻ suy hô hấp do dị vật.

Sau khi điều trị theo các phương pháp phù hợp, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không tái phát và phục hồi hoàn toàn. Phân độ suy hô hấp ở trẻ em là một công cụ quan trọng giúp nhận diện và quản lý tình trạng suy hô hấp một cách hiệu quả. Việc hiểu rõ các phân độ suy hô hấp, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp cha mẹ và các nhân viên y tế can thiệp kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin