Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Phù nề thanh quản là gì? Phương pháp điều trị thích hợp

Ngày 26/05/2023
Kích thước chữ

Phù nề thanh quản là một vấn đề về đường hô hấp khá phổ biến xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể đi kèm hoặc không đi kèm theo nhiễm trùng, việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ của bệnh là rất quan trọng để chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Nếu không can thiệp sớm, phù nề thanh quản thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thông thường, người bị phù nề thanh quản sẽ phải trải qua các triệu chứng như: Giọng bị khàn, mất giọng, đau họng, khó nuốt…

Phù nề thanh quản là gì?

Dây thanh âm trong thanh quản là bộ giúp chúng ta nói và phát âm bình thường. Hai dây này được bao phủ bởi một lớp niêm mạc mỏng. Nếu lớp niêm mạc này bị tổn thương hay viêm, sưng tấy do các nguyên nhân khác nhau, sẽ khiến cho phù nề thanh quản, cùng với đó là mất giọng và khàn giọng.

Tuy nhiên, việc nhận biết hiện tượng phù nề thanh quản khá khó do các triệu chứng của nó tương tự như các bệnh lý khác: Viêm họng, viêm amidan hay viêm phổi... Để xác định chính xác, người bệnh cần phải thăm khám để được chẩn đoán bệnh và đánh giá mức độ thông qua các kết quả từ các phương pháp như: Nội soi thanh quản, chụp X-quang, CT...

Phù nề thanh quản là gì? Phương pháp điều trị thích hợp
Phù nề thanh quản có thể được xác định thông qua nội soi thanh quản

Nguyên nhân làm phù nề thanh quản

Nhiễm trùng 

Nhiễm trùng được xem là nguyên nhân chính gây sưng phù trong trường hợp phù nề thanh quản. Các tác nhân gây nhiễm trùng có thể là vi khuẩn, virus... tấn công vùng thanh quản sau khi bệnh nhân đã trải qua các bệnh lý tai mũi họng mà không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, thanh quản dễ bị tổn thương khi bị nhiễm lạnh hoặc do lạm dụng giọng nói quá mức tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây sưng phù.

Theo thống kê, tình trạng phù nề thanh quản có nguy cơ cao hơn khi người bệnh bị tác động bởi một số yếu tố sau đây:

  • Mắc hội chứng trào ngược dạ dày.
  • Sử dụng chất kích thích như: Thuốc lá, rượu bia thường xuyên.
  • Tiếp xúc với môi trường có khói bụi ô nhiễm thường xuyên
  • Người xuất hiện rối loạn dây thanh.
Phù nề thanh quản là gì? Phương pháp điều trị thích hợp 1
Vi khuẩn, virus có thể tấn công khiến thanh quản bị phù nề

Phản ứng phản vệ

Phản ứng phản vệ là một tình trạng nguy hiểm cho cơ thể, có thể gây nguy cơ trực tiếp đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Trong một số tình huống không mong đợi, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể giải phóng một số chất hóa học gây sốc cho cơ thể. Kết quả là, quá trình thẩm thấu mao mạch diễn ra nhanh chóng, gây suy giảm chức năng tuần hoàn, dẫn đến huyết áp giảm, co thắt phế quản và phù nề thanh quản. Tình trạng này khiến người bệnh nhanh chóng rơi vào suy hô hấp cấp và tiến triển đến tình trạng nguy kịch.

Xuất hiện khối u thanh quản

Phù nề thanh quản có thể xuất hiện trong nhiều trường hợp do sự hiện diện của khối u trong thanh quản. Khối u thanh quản có thể có tính chất lành tính hoặc ác tính, tùy thuộc vào đặc điểm và nguyên nhân hình thành. Khối u thanh quản ác tính thường phát triển do mô tế bào thanh quản mất kiểm soát, và đi kèm với các triệu chứng như: Khó thở, khàn giọng và mất cân nhanh chóng mà nguyên nhân không rõ.

Trái lại, các khối u thanh quản lành tính thường được gây ra bởi virus Human Papilloma. Các khối u thanh quản thường có kích thước nhỏ khi phát triển và tăng số lượng, có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn trong thanh quản, gây khó thở và góp phần tạo ra tình trạng phù nề thanh quản. Nếu không được điều trị kịp thời, việc tắc nghẽn đường thở có thể dẫn đến thiếu oxy và nguy hiểm đến tính mạng.

Bị mắc dị vật

Việc mắc dị vật trong thanh quản là một tình huống khá phổ biến trong các trường hợp dị vật trong đường thở, đặc biệt là ở trẻ em do thói quen nuốt những đồ vật mà không kiểm soát được.

Khi bị mắc dị vật đường thở, thanh quản không tránh khỏi tổn thương và có thể gây ra khó thở. Đối với trẻ em, không lấy dị vật ra ngoài sẽ gây ra phản ứng tím tái và đe dọa tính mạng, do đó cần thực hiện sơ cứu để đẩy dị vật ra ngoài và giúp trẻ dễ thở hơn.

Ngoài ra, polyp thanh quản cũng là một trong những nguyên nhân gây phù nề bộ phận này.

Phù nề thanh quản là gì? Phương pháp điều trị thích hợp 2
Mắc dị vật cũng là nguyên nhân gây phù nề thanh quản

Các yếu tố tác động khác

Ngoài các nguyên nhân đã đề cập, phù nề thanh quản cũng có thể được gây ra bởi một số yếu tố khác. Dưới đây là một số yếu tố có thể kích hoạt tình trạng này:

  • Phẫu thuật tuyến giáp bị biến chứng;
  • Bệnh nang dây thanh;
  • Bệnh lao thanh quản;
  • Nổi mề đay và phù mạch;
  • Tác động của thời tiết.

Phương pháp điều trị phù nề thanh quản

Để điều trị tình trạng phù nề thanh quản và các bệnh lý khác, việc tìm ra nguyên nhân chính xác là cần thiết để áp dụng phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Trong trường hợp phù nề thanh quản ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn từ bác sĩ và tuân thủ lịch hẹn tái khám. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân cần phẫu thuật và thực hiện điều trị tại bệnh viện.

  • Trong trường hợp phù nề do dị vật, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để loại bỏ dị vật càng sớm càng tốt.
  • Trong trường hợp phù nề do khối u hoặc polyp, cần theo dõi trong quá trình điều trị để đảm bảo không có biến chứng xấu. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật được thực hiện để loại bỏ các u nhọt hoặc polyp trong thanh quản.
  • Trong trường hợp phù nề do tình trạng viêm, nhiễm trùng, điều trị sẽ tập trung vào việc sử dụng thuốc kháng viêm theo chỉ định để giúp thanh quản phục hồi.
Phù nề thanh quản là gì? Phương pháp điều trị thích hợp 3
Tùy vào nguyên nhân phù nề thanh quản bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị thích hợp

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, để đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn sau đây:

  • Giảm triệu chứng phù nề thanh quản bằng các biện pháp thủ công như: Áp dụng nhiệt độ nóng lên vùng đau để giảm đau rát trong thanh quản.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng họng trong thời tiết lạnh.
  • Có thể sử dụng trà gừng hoặc mật ong để giảm triệu chứng sưng phù trong thanh quản, tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Tuân thủ đúng liều lượng và đơn thuốc chữa phù nề thanh quản theo chỉ định bởi bác sĩ. Không thay đổi hoặc tự ý sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ, quá liều hoặc các phản ứng không mong muốn.

Cũng như nhiều căn bệnh khác việc điều trị phù nề thanh quản phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Phát hiện bệnh càng sớm sẽ giúp cơ hội điều trị cao hơn. Nếu bạn thấy cơ thể, đặc biệt là tại vị trí này có các dấu hiệu bất thường, cần thăm khám ngay để nhận được lời khuyên chính xác từ các bác sĩ.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin