Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Xem ngay đừng bỏ lỡ

Ngày 29/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Việc bồi bổ đúng cách là “chìa khóa vàng” giúp cải thiện sức khỏe và giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở giai đoạn tiền mãn kinh. Vậy phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì để cải thiện sức khỏe thế chất và tinh thần? Xem ngay bài viết dưới đây để biết chi tiết hơn nhé!

Tiền mãn kinh là hiện tượng sinh lý tự nhiên mà phụ nữ nào cũng phải trải qua. Tình trạng này sẽ gây ra không ít triệu chứng khó chịu cho phụ nữ, một số trường hợp cần phải sử dụng thuốc giảm bớt tình trạng này. Việc bổ sung một số loại vitamin có thể sẽ hỗ trợ tăng cường sức khỏe và giúp các chị em cảm thấy dễ chịu hơn. Vậy phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Thời kỳ tiền mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ ra sao?

Thời kỳ mãn kinh nữ là giai đoạn sinh lý bình thường khi phụ nữ bị ngưng chu kỳ kinh nguyệt. Trước khi bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ bắt đầu giảm dần sản xuất hormone estrogen. Giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ sinh sản sang thời kỳ mãn kinh được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. 

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Xem ngay đừng bỏ lỡ 3
Ở giai đoạn tiền mãn kinh phụ nữ phải đối mặt với một loạt các triệu chứng khó chịu

Trong giai đoạn này, phụ nữ thường phải đối mặt với một loạt các triệu chứng khó chịu, bao gồm:

  • Cơ thể bốc hỏa
  • Mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, gây mệt mỏi và thiếu năng lượng.
  • Cơ thể dễ tích mỡ và tăng cân, đặc biệt là ở vùng bụng.
  • Âm đạo mỏng và khô, dễ gây viêm nhiễm
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, gây khó chịu và làm mất ngủ.
  • Thay đổi tâm trạng thất thường hoặc mất kiểm soát về tâm trạng.
  • Giảm ham muốn tình dục do sự suy giảm hormone estrogen

Các triệu chứng tiền mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi và mức độ khác nhau tùy thuộc vào cơ địa từng người. Một số người trải qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, với các triệu chứng chỉ kéo dài trong vài tháng. Nhưng một số còn lại phải chịu đựng các triệu chứng nặng nề hơn, kéo dài đến 4 năm, thậm chí 7-8 năm. Ngoài ra, sự suy giảm estrogen cũng tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, bệnh tim mạch và các vấn đề về hệ tiết niệu ở phụ nữ.

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì?

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì và bổ sung gì là vấn đề được nhiều chị em quan tâm. Dưới đây là gợi ý một số loại thuốc mà các chị em có thể bổ sung để cải thiện và giảm bớt các triệu chứng ở giai đoạn tiền mãn kinh như:

Thuốc bổ sung vitamin E

Vitamin E là một chất chống oxy hóa quan trọng, có khả năng chống lại tổn thương do các gốc tự do gây ra và hỗ trợ giảm viêm. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ thường gặp phải nhiều triệu chứng như stress, tổn thương tế bào, nguy cơ trầm cảm, bệnh tim mạch và tăng cân. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung vitamin E có thể giảm căng thẳng, giảm oxy hóa tế bào và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Xem ngay đừng bỏ lỡ 2
Thuốc bổ sung vitamin E giúp giảm căng thẳng và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Có nhiều loại thực phẩm giàu vitamin E mà phụ nữ tiền mãn kinh có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày. Một số nguồn vitamin E giàu có bao gồm mầm lúa mì, hạnh nhân, trái bơ, bông cải xanh, động vật có vỏ, bí đao và hạt hướng dương. Bên cạnh việc tăng cường cung cấp vitamin E từ thực phẩm, phụ nữ cũng có thể uống thêm vitamin E dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Liều lượng khuyến nghị là ít nhất 15mg vitamin E mỗi ngày.

Thuốc bổ sung vitamin D và canxi

Hầu hết phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh đều phải đối mặt với nguy cơ loãng xương do sự thiếu hụt estrogen hoặc quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn do tuổi tác. Vì vậy, một trong những loại thuốc được khuyến nghị cho phụ nữ tiền mãn kinh là canxi và vitamin D.

Lượng canxi được khuyến nghị bổ sung ở giai đoạn tiền mãn kinh là 1000 mg mỗi ngày, trong khi phụ nữ sau mãn kinh cần đến 1200 mg (bao gồm cả lượng canxi từ chế độ ăn uống và các loại thuốc bổ sung). Lưu ý, không nên bổ sung vượt quá 2000 mg canxi mỗi ngày.

Lượng vitamin D  được khuyến nghị bổ sung hàng ngày là khoảng 600 IU (15 microgam) cho phụ nữ tiền mãn kinh và 800 IU cho phụ nữ sau mãn kinh. Việc cung cấp lượng vitamin D ở dưới mức này có thể sẽ không mang lại hiệu quả, trong khi việc sử dụng liều vitamin D cao có thể gây nguy hiểm, đặc biệt khi sử dụng lâu dài.

Thuốc bổ sung vitamin A

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Câu trả lời là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin A. Vitamin A là một nhóm các hợp chất được gọi là retinoid, và retinol là tiền thân của vitamin A, được tích trữ trong gan. Tuy nhiên, lượng retinol quá cao trong cơ thể có thể gây ngộ độc.

Ngoài gan động vật, có một số loại thực phẩm khác cũng cung cấp tiền thân của vitamin A, chẳng hạn như thực phẩm từ động vật và các sản phẩm bổ sung vitamin A. Đồng thời, một số loại trái cây và rau xanh giàu beta-caroten cũng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A cho cơ thể.

Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương. Vì vậy, việc tăng cường cung cấp các thực phẩm giàu vitamin A có thể giúp duy trì sức khỏe xương sau thời kỳ mãn kinh. Bạn có thể bổ sung vitamin A từ beta-caroten thông qua các loại rau và quả có màu cam và màu vàng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bổ sung vitamin A, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và không vượt quá liều lượng 5.000 IU/ngày.

Các loại thuốc có chứa hormone

Liệu pháp thay thế hormone là thuật ngữ dùng để mô tả 2 loại hormone estrogen và progesterone để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh. Trong thời kỳ này, việc sản xuất estrogen trong buồng trứng sẽ bị suy giảm, làm giảm nồng độ estrogen trong máu và gây ra các triệu chứng như bốc hỏa, nhức đầu và đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ.

Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì? Xem ngay đừng bỏ lỡ 1
Các loại thuốc có chứa hormone sẽ giúp giảm các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh

Estrogen là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh, nhưng không phù hợp với một số phụ nữ như:

  • Có tiền sử ung thư vú, bệnh mạch vành
  • Đã từng gặp biến cố về huyết khối tĩnh mạch hoặc đột quỵ
  • Người đang bị bệnh gan
  • Bị chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
  • Có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nội mạc tử cung hoặc thiếu máu cục bộ.

Đối với những phụ nữ tiền mãn kinh chỉ gặp vấn đề về âm đạo như khô âm đạo hoặc đau khi giao hợp thì chỉ nên sử dụng estrogen âm đạo liều thấp.

Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone để điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh cần được sự đồng ý và theo dõi của bác sĩ, vì phương pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng nguy cơ ung thư vú, xuất huyết và đột quỵ.

Cách làm giảm triệu chứng tiền mãn kinh qua lối sống sinh hoạt

Dưới đây là một số biện pháp qua lối sống sinh hoạt có thể giúp làm giảm triệu chứng tiền mãn kinh mà bạn có thể tham khảo như:

  • Thực hiện chế độ ăn uống cân đối: Tăng cường sự giàu chất xơ và protein trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nên ưu tiên thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, cá, hạt, rau xanh, và thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, hạt chia.
  • Tránh thực phẩm kích thích: Hạn chế tiêu thụ thức uống chứa caffeine như cà phê, trà và nước ngọt có gas, vì chúng có thể tăng cường triệu chứng bốc hỏa.
  • Tập thể dục đều đặn: Luyện tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, bơi lội hay tập thể dục thể thao đều có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và giảm triệu chứng tiền mãn kinh.
  • Quản lý stress: Áp dụng các phương pháp giảm stress như thiền, yoga, thảo dược, kỹ năng quản lý thời gian và thực hiện các hoạt động giảm stress như đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh.
  • Giữ một giấc ngủ đủ và chất lượng: Tạo môi trường thoáng mát, yên tĩnh và thoải mái để giúp cải thiện giấc ngủ. Hạn chế việc sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính trước khi đi ngủ.

Hy vọng những thông tin chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn tìm được lời giải đáp cho câu hỏi “Phụ nữ tiền mãn kinh nên uống thuốc gì?”. Từ đó, biết cách lựa chọn và bổ sung đúng để giúp tăng cường sức khỏe và làm giảm các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm