Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Sinh con

Phương pháp đặt bóng kích đẻ bao lâu thì sinh?

Ngày 26/04/2024
Kích thước chữ

Những tuần cuối của thai kỳ, bạn đã sẵn sàng cho cuộc sinh nhưng thai đã được 40 tuần mà vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ? Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục bác sĩ sẽ phải sử dụng phương pháp giục sinh như đặt bóng kích đẻ? Vậy bạn đã thực sự hiểu rõ phương pháp này chưa, đặt bóng kích đẻ bao lâu thì sinh?

Phương pháp giục sinh được sử dụng cho những trẻ đã quá ngày dự sinh nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ hoặc có vấn đề sức khỏe nào đó khiến mẹ không thể chuyển dạ một cách tự nhiên. Phương pháp này chỉ được áp dụng sau khi đã khám lâm sàng, siêu âm và kiểm tra cẩn thận tình trạng của thai nhi cũng như sức khỏe của người mẹ trước khi giục sinh.

Khi nào cần sử dụng phương pháp giục sinh?

Nếu có thể sinh con tự nhiên thì điều này luôn được khuyến khích vì nó có lợi cho sức khỏe của người mẹ, sự phát triển của trẻ và phục hồi sau sinh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không thể chuyển dạ tự nhiên hoặc cần chuyển dạ nhanh thì phương pháp giục sinh sẽ được sử dụng. Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người phải sử dụng phương pháp giục sinh vì lý do y tế hoặc do mong muốn của người mẹ và gia đình.

phuong-phap-dat-bong-kich-de-bao-lau-thi-sinh 1.jpg
Phương pháp giục sinh được sử dụng khi không thể chuyển dạ tự nhiên hoặc cần chuyển dạ nhanh

Trên thực tế, việc giục sinh có thể mang lại những rủi ro nhất định cho cả người phụ nữ và trẻ sơ sinh, vì vậy nó chỉ nên được thực hiện khi cần thiết và vì lý do y tế rõ ràng. Sau đây là những tình huống cụ thể phải áp dụng các biện pháp giục sinh:

Mang thai quá ngày dự sinh

Nếu thai đã quá ngày dự sinh 1 đến 2 tuần và không có dấu hiệu chuyển dạ thì có thể cần phải giục sinh. Bạn nên sinh con càng sớm càng tốt vì từ tuần thứ 41, nếu thai tiếp tục ở trong bụng mẹ sẽ có nguy cơ cao xảy ra biến chứng do dinh dưỡng giảm, nước ối cạn, dây rốn và nhau thai hoạt động kém.

Nước ối vỡ nhưng vẫn chưa chuyển dạ

Nếu nước ối vỡ đột ngột do chấn thương hoặc bất thường trong quá trình chuyển dạ và không kèm theo chuyển dạ, có thể cần phải kích thích chuyển dạ. Nếu nước ối bị vỡ và trẻ sinh ra muộn thì mẹ sẽ dẫn đến bé có nguy cơ bị nhiễm trùng cao. Khi xuất hiện dấu hiệu vỡ ối, sản phụ cần được chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt và thông báo tình hình cho bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm trùng cao.

Thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe

Nếu mẹ bầu mắc các bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, tiểu đường, tiền sản giật, sản giật hoặc thai nhi có dấu hiệu nguy hiểm thì phải giục sinh để con được sinh ra sớm hơn. Các cặp song sinh vẫn cần phải đạt đến một độ tuổi nhất định để có thể sống sót sau khi sinh và các phương pháp chăm sóc đặc biệt sẽ hỗ trợ những em bé được sinh ra sớm hơn này.

phuong-phap-dat-bong-kich-de-bao-lau-thi-sinh 2.jpeg
Mẹ bầu bị huyết áp cao thì phải giục sinh để con được sinh ra sớm hơn

Trong nhiều trường hợp, sản phụ và gia đình sẽ chọn ngày sinh thuận lợi, chủ động muốn sinh sớm hoặc lo lắng khi thai hơn 40 tuần, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ trước khi chỉ định. Các chuyên gia khuyến cáo, để sức khỏe của mẹ và thai nhi tốt nhất, nên giục sinh khi thai nhi được ít nhất 41 tuần tuổi.

Phương pháp đặt bóng kích đẻ là gì?

Để mở, làm mềm cổ tử cung và kích thích chuyển dạ, sinh nở, bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách đặt một ống thông có gắn bóng nhỏ vào cuối cổ tử cung. Nước sẽ được bơm vào quả bóng để tạo áp lực làm cổ tử cung giãn ra, từ đó kích thích quá trình chuyển dạ.

Cách sử dụng bóng kích đẻ

Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa một quả bóng đôi đã được cải tiến qua âm đạo vào cổ tử cung. Quả bóng bên trong được đặt giữa túi ối ở lỗ trong của cổ tử cung và phần dưới của tử cung, còn quả bóng bên ngoài vẫn ở lỗ ngoài tử cung. Sau đó, dùng dung dịch muối bơm căng 2 quả bóng và giữ cố định. Dán đuôi bóng vào đùi bà bầu để cố định. Trong trường hợp bình thường, ống thông Foley sẽ tự rơi ra sau khi cổ tử cung giãn ra khoảng 3 cm.

Đặt bóng kích đẻ bảo lâu thì sinh

Quy trình đặt bóng được thực hiện với sản phụ ở tư thế sản khoa. Trải nghiệm của người mẹ với phương pháp giục sinh này sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng cổ tử cung của bà mẹ tại thời điểm đưa vào. Việc này dễ thực hiện và hiệu quả hơn đối với những phụ nữ sinh con tự nhiên.

phuong-phap-dat-bong-kich-de-bao-lau-thi-sinh 3.png
Quy trình đặt bóng được thực hiện với sản phụ ở tư thế sản khoa

Bà bầu thường cảm thấy khó chịu nhất khi đưa bóng vào, có cảm giác giống như khám âm đạo, bị căng và đau. Một số người mô tả cơn đau dữ dội ở xương chậu khi bóng được đưa vào, nhưng cơn đau thường giảm sau khi đưa bóng vào. Các cơn co tử cung và sự giãn nở cổ tử cung có thể bắt đầu ngay sau khi bóng được bơm căng hoặc có thể mất 12 đến 24 giờ để quá trình chuyển dạ bắt đầu.

Lưu ý rằng không giống như các cơn co tử cung, sự giãn nở cổ tử cung không phải là một quá trình mà người phụ nữ có thể cảm nhận được.

Rủi ro khi sử dụng các phương pháp giục sinh

Dù y học đã phát triển và các biện pháp giục sinh dần trở nên an toàn hơn, nhưng vẫn tồn tại một số nguy cơ rủi ro mà mẹ bầu và thai nhi có thể phải đối mặt:

Nguy cơ phải sinh mổ cao: Đôi khi, biện pháp giục sinh không mang lại kết quả như mong đợi, và việc sinh mổ có thể là lựa chọn cuối cùng.

phuong-phap-dat-bong-kich-de-bao-lau-thi-sinh.jpg
Đôi khi, biện pháp giục sinh yêu cầu phải sinh mổ

Thời gian ở bệnh viện kéo dài: Người mẹ phải ở lại bệnh viện để được quan sát và chăm sóc lâu hơn sau khi áp dụng biện pháp giục sinh.

Sử dụng thuốc giảm đau: Thai phụ cần dùng nhiều loại thuốc giảm đau hỗ trợ trong quá trình sinh và sau sinh.

Nguy cơ gây tê ngoài màng cứng hoặc sử dụng thuốc kiểm soát cơn đau: Biện pháp giục sinh thường đi kèm với cơn co thắt mạnh hơn so với quá trình sinh tự nhiên, có thể dẫn đến việc sử dụng các phương pháp gây tê hoặc thuốc giảm đau đặc biệt.

Nguy cơ nhiễm trùng: Nếu quá trình giục sinh kéo dài và không kết thúc bằng việc sinh, có nguy cơ cao cho túi ối bị vỡ, gây ra nguy cơ nhiễm trùng nguy hiểm.

Nguy cơ cho trẻ sơ sinh: Áp dụng biện pháp giục sinh quá sớm (khoảng từ 37 - 39 tuần thai kỳ) có thể tăng nguy cơ cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, gây ra vấn đề liên quan đến hô hấp và sức khỏe. Do đó, trừ khi có chỉ định y tế đặc biệt, không nên chủ quan áp dụng biện pháp giục sinh sớm.

Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc đặt bóng kích đẻ bảo lâu thì sinh. Tóm lại, việc giục sinh bằng bóng kích đẻ có rủi ro thấp và hữu ích trong việc bắt đầu quá trình giãn nở cổ tử cung và co bóp tử cung. Nhìn chung, sử dụng phương pháp giục sinh này là phương pháp kích thích an toàn và hiệu quả đối với hầu hết phụ nữ mang thai. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin