Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phương pháp vô cảm là gì? Phân loại phương pháp vô cảm hiện nay

Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ

Các bệnh nhân khi điều trị bệnh bằng phẫu thuật thường sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp vô cảm để không phải chịu đau. Vậy phương pháp này là gì? Có hiệu quả ra sao? Bài viết sẽ thông tin đến bạn.

Có nhiều cách điều trị bệnh hiện nay như chữa bệnh bằng thuốc, bằng vật lý trị liệu, phẫu thuật. Trong đó phẫu thuật chính là cách can thiệp sâu làm tăng khả năng điều trị bệnh dứt điểm. Tuy nhiên người bệnh có thể gặp phải tác dụng phụ sau phẫu thuật cũng như phải chịu đau đớn. Phương pháp vô cảm sẽ hạn chế những vấn đề kể trên.

Phương pháp vô cảm là gì?

Vô cảm là phương pháp dùng thuốc có tác dụng cắt đứt sự liên lạc giữa các dây thần kinh mang thông tin cảm giác về hệ thần kinh trung ương, từ đó làm mất một phần hay toàn bộ cảm giác đau đớn của người bệnh khi phẫu thuật.

Phương pháp vô cảm an toàn khi ứng dụng cho người bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định khám tiền mê, đánh giá thể trạng cùng các bệnh lý đi kèm từ đó cân nhắc can thiệp phương pháp vô cảm thật thích hợp. Một phương pháp tốt phải đủ các yếu tố như gây ngủ, an thần, giúp người bệnh giảm lo âu, giảm mềm cơ để quá trình phẫu thuật thuận lợi, không đau đớn.

Phương pháp vô cảm: Những thông tin bạn cần biết! 1
Phương pháp vô cảm trong phẫu thuật được ứng dụng rộng rãi hiện nay

Hiện nay, vô cảm chính là phương pháp làm mất cảm giác đau, giảm tỷ lệ tai biến, biến chứng được công nhận. Hầu hết trong các cuộc đại phẫu thuật hay tiểu phẫu thuật đều ứng dụng phương pháp này. Tuy nhiên độ an toàn trong lúc ứng dụng phương pháp còn phụ thuộc vào các loại thiết bị, dụng cụ y tế, trình độ bác sĩ, chuyên viên kỹ thuật.

Phân loại phương pháp vô cảm hiện nay

Hiện nay có hai loại phương pháp mang hiệu quả cao trong giảm đau ở những cuộc phẫu thuật đó là vô cảm toàn thể và vô cảm vùng:

Vô cảm toàn thể

Đây là phương pháp làm mất ý thức, mất cảm giác toàn thân. Sau khi thuốc hết tác dụng thì người bệnh sẽ có lại cảm giác và ý thức và không để lại di chứng. Hình thức của vô cảm toàn thể gồm: Gây mê mask, gây mê mask thanh quản, gây mê tĩnh mạch, gây mê nội khí quản, gây mê phối hợp.

  • Gây mê mask: Đây là hình thức người bệnh tự thở oxy và thuốc mê hơi qua mask. Kỹ thuật viên gây mê có thể kết nối mặt nạ với máy gây mê để đưa thuốc mê vào đường mũi, miệng từ đó vào phổi, thuốc được hấp thu vào máu lên não và gây mê. Gây mê mask thích hợp cho phẫu thuật ngắn, không cần giãn cơ.
  • Gây mê mask thanh quản: Đây là hình thức thuộc phương pháp vô cảm toàn thể phổ biến, dùng ống nòng và đầu dưới có một bóng chèn hình êlip úp vào vùng thanh quản nhằm kiểm soát hô hấp. Gây mê mask thanh quản dễ sử dụng, an toàn.
  • Gây mê tĩnh mạch: Là phương án bác sĩ sẽ gây mê toàn thân bệnh nhân bằng thuốc mê tiêm truyền qua đường tĩnh mạch. Bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái mất tri giác, giảm đau nhưng vẫn bảo vệ được phản xạ hô hấp.
  • Gây mê nội khí quản: Sử dụng kỹ thuật dẫn khí từ máy thở vào phổi bằng ống nội khí quản. Bệnh nhân sẽ mất cảm giác và ý thức tạm thời nhưng vẫn có thể tự thở nếu không dùng thuốc giãn cơ hoặc được thở máy hỗ trợ hô hấp nếu bệnh nhân cần dùng thuốc giãn cơ. Trong cuộc phẫu thuật lớn hay nhỏ thì kỹ thuật này đều phù hợp.
  • Gây mê phối hợp: Phương pháp này sẽ gây mê bằng cách phối hợp nhiều loại thuốc như thuốc mê, thuốc giảm đauthuốc giãn cơ. Ngoài ra bệnh nhân còn được đặt nội khí quản hay mask thanh quản để kiểm soát hô hấp.
Phương pháp vô cảm: Những thông tin bạn cần biết! 2
Vô cảm toàn thể với nhiều hình thức giúp giảm đau, gây mê hiệu quả

Vô cảm vùng

Phương pháp gây tê sử dụng tác nhân hóa học, vật lý ức chế dẫn truyền xung động thần kinh nhằm làm mất cảm giác ở một bộ phận trên cơ thể. Người bệnh vẫn có ý thức, tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Các hình thức của phương pháp vô cảm vùng có thể kể đến:

  • Gây tê ngoài da và niêm mạc: Hình thức dùng thuốc tê bôi hoặc xịt lên da để giảm đau ở bề mặt.
  • Gây tê tại chỗ, tê thấm lớp: Kỹ thuật này áp dụng cho các trường hợp cần tiểu phẫu với vết thương nông hay chỉ rạch vết áp xe nhỏ.
  • Gây tê đám rối thần kinh: Phương pháp làm mất cảm giác và liệt vận động tại vùng gây tê bằng cách tiêm thuốc tê vào đám rối thần kinh hoặc dây thần kinh.
  • Gây tê tuỷ sống: Đưa thuốc tê vào khoang dưới màng nhện, thuốc tê sẽ hoà vào dịch não tuỷ nên có nồng độ nhỏ hơn so với nồng độ ban đầu, gây mất cảm giác.
  • Gây tê ngoài màng cứng: Kỹ thuật này giúp người bệnh mất cảm giác đau và liệt vận động tại vị trí khoanh tủy chi phối, làm mất cảm giác đau trong mổ và giảm cơn đau cấp tính hậu phẫu thuật.

Bệnh nhân cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ sau phẫu thuật?

Tuy phương pháp vô cảm rất an toàn và được ứng dụng hầu hết trong các đại phẫu thuật hay tiểu phẫu nhưng vẫn có trường hợp gặp tác dụng phụ. Đó có thể là hạn chế hoạt động của phổi, suy hô hấp, dịch dạ dày tràn vào phổi, nhức đầu, đau lưng, tụt huyết áp, bí tiểu. Vậy làm sao để hạn chế tác dụng phụ xảy ra:

  • Đảm bảo thể chất tốt nhất trước khi phẫu thuật: Người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng trước phẫu thuật, chế độ ăn giàu đạm, giàu dinh dưỡng và vitamin. Hạn chế ăn các loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu hay chất kích thích. Tuyệt đối không hút thuốc trước thời gian phẫu thuật ít nhất 3 tuần.
  • Chọn cơ sở chữa trị chất lượng: Việc sử dụng phương pháp gây mê, gây tê hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và chuyên môn của bác sĩ. Vậy nên cần chọn đúng cơ sở khám và chữa bệnh. Đặc biệt hãy khám tiền mê để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhất trạng thái của bạn và đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp.
Phương pháp vô cảm: Những thông tin bạn cần biết! 3
Có thể gặp tác dụng phụ sau phẫu thuật ở những mức độ khác nhau

Trên đây là những chia sẻ về phương pháp vô cảm. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn hiểu hơn về giải pháp gây mê, gây tê cùng như chủ động bảo vệ sức khoẻ trước khi điều trị bệnh. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm