Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rắn hổ mèo có độc không? Cách sơ cứu khi bị rắn hổ mèo cắn

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Rắn hổ mèo là một trong những loài rắn độc phổ biến ở Việt Nam. Với vẻ ngoài khá đẹp mắt nên khiến nhiều người tự hỏi liệu rắn hổ mèo có độc không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Bằng cách tìm câu trả lời chính xác cho việc liệu rắn hổ mèo có độc không, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan và chính xác hơn về mức độ độc hại của rắn hổ mèo. Từ đó đưa ra những khuyến cáo và phương pháp phòng tránh hiệu quả để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mọi người.

Tìm hiểu về loài rắn hổ mèo

Naja siamensis, hay còn gọi là rắn hổ mèo, là một loài rắn thuộc họ rắn Hỗ (Elapidae family). Với tên tiếng Anh là Indochinese spitting cobra, loài rắn này có đặc điểm như sau:

  • Màu vàng xanh nhạt, dài khoảng 0,2 - 1,5 m và nặng từ 100 - 3000g.
  • Có khả năng phình mang (tạo thành hình hai mắt kính, nhưng không có gọng kính) và dựng đầu cao để phun được nọc rắn.
  • Rắn hổ mèo thường sống ở vùng cao, khô ráo như các ụ mối, hang hốc hoặc xung quanh nhà như dưới đống củi, chuồng gà hay chuồng heo. Điều này giúp chúng dễ dàng tìm kiếm mồi và có thể gây tai nạn cho con người.
Rắn hổ mèo có độc không và cách sơ cứu khi bị cắn? 1
Rắn hổ mèo là loại rắn độc khá nguy hiểm

Rắn hổ mèo có độc không?

Đây là loại rắn độc rất nguy hiểm, thường xảy ra tai nạn ở các quốc gia vùng nhiệt đới Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, rắn hổ mèo phổ biến ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Rắn hổ mèo cắn chiếm khoảng 10% các trường hợp rắn độc cắn được nhập viện. Những vết cắn của chúng có thể gây tử vong hoặc để lại nhiều di chứng, gây tàn phế do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Độc tố trong nọc rắn hổ mèo chủ yếu là độc tố tế bào, gây ra các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng trên lâm sàng, nhưng không gây nhiễm độc thần kinh.

Chẩn đoán lâm sàn và cận lâm sàn khi bị rắn hổ mèo cắn

Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng khi bị rắn hổ mèo cắn dựa trên các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, dịch tễ học và mẫu con rắn mà bệnh nhân mang đến bệnh viện.

Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng khi bị rắn hổ mèo cắn:

  • Tại chỗ: Đau dữ dội (100%), sưng nề và hoại tử vết cắn nhanh (88,2%), có thể xuất hiện bọng nước đen, hôi (17,6%). Thường phải can thiệp phẫu thuật rộng rãi.
  • Toàn thân: Cảm giác mệt, yếu (70,6%), nôn ói (52,9%), đau bụng (52,9%), tiêu chảy (47,1%), mờ mắt (17,6%), chóng mặt (17,6%), nhức đầu (23,5%), đau cơ (82,4%). Các triệu chứng shock (5,9%), nhịp tim nhanh (17,6%), suy thận cấp (11,8%) xuất hiện muộn. Không ghi nhận triệu chứng nhiễm độc thần kinh. Độ nặng của triệu chứng toàn thân phụ thuộc vào mức độ nhiễm độc toàn thân.

Cận lâm sàng

Các chẩn đoán cận lâm sàn có thể áp dụng:

Xét nghiệm đông máu toàn bộ cho thấy tình trạng rối loạn đông cầm máu trong trường hợp nặng. Các chỉ số như thời gian prothrombin (PT) và thời gian hoạt hóa bán phần (aPTT) kéo dài, trong khi số lượng tiểu cầu không giảm. Đồng thời, định lượng Fibrinogen và khả năng co cục máu ở mức bình thường.

Kết quả xét nghiệm công thức máu cũng ở trong giới hạn bình thường. Tuy nhiên, số lượng bạch cầu máu tăng cao trong giai đoạn sớm sau khi bị cắn, phản ánh mức độ nặng của bệnh.

Các xét nghiệm sinh hoá như BUN, Creatinin, AST, ALT, ion đồ đều trong khoảng giá trị bình thường. Trong khi đó, CPK, LDH, CKMB tăng rất cao, nhưng Troponin I không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ. Suy thận cấp với BUN, creatinine tăng thường xuất hiện trong giai đoạn nôn ói, tiêu chảy kéo dài. Đồng thời, Myoglobine máu và niệu cũng tăng cao.

Các xét nghiệm vi sinh cho thấy các mẫu cấy từ vết thương và bóng nước thường phát hiện các vi khuẩn như Morganella morganii ss. morganii, Proteus vulgaris, Providencia sp, những loại vi khuẩn này kháng lại các kháng sinh như Colistin, Amoxicillin+acid clavulanic, Doxycyclin và Cefuroxim.

Rắn hổ mèo có độc không và cách sơ cứu khi bị cắn? 2
Xét nghiệm đông máu toàn bộ sẽ cho thấy mức độ nặng nhẹ khi nạn nhân bị cắn

Sơ cứu khi bị rắn hổ mèo cắn

Khi bị rắn cắn, trước tiên cần phải trấn an bệnh nhân và hạn chế di chuyển. Có thể đặt chi bị cắn ở vị trí thấp hơn so với tim. Tiếp theo, rửa sạch vết cắn và băng ép bằng băng thun từ vị trí bị cắn đến gốc chi, thậm chí có thể băng ép toàn bộ chi. Tuy nhiên, phương pháp băng ép bất động chỉ nên áp dụng cho các trường hợp rắn hổ cắn, vì họ gây nhiễm độc thần kinh nhanh dẫn đến tử vong. Với các loại rắn khác, việc xác định loài rắn gây cắn là khó, nên có thể áp dụng phương pháp băng ép bất động cho tất cả các trường hợp để kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Tiếp theo, cần nẹp bất động chi bị cắn để hạn chế sự phát tán của nọc rắn. Không được tháo nẹp và băng ép cho đến khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để điều trị. Nếu bệnh nhân được garô cả động mạch và tĩnh mạch, cần thực hiện băng ép bất động đúng cách phần trên và dưới garô, sau đó từ từ nới lỏng garô về gốc chi và băng ép phần còn lại.

Không được cắt hoặc rạch vết cắn vì có thể gây chảy máu và nhiễm trùng. Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, đảm bảo hô hấp và tuần hoàn trong suốt quá trình di chuyển. Nếu có thể, nên nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia qua điện thoại hoặc hội chẩn Telemedicine.

Nếu bị nọc rắn phun vào mắt, cần rửa mắt bằng nước sạch liên tục ít nhất 15 phút, không được dùng các dung dịch khác vì có thể gây mù vĩnh viễn. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Rắn hổ mèo có độc không và cách sơ cứu khi bị cắn? 3
Tốt nhất nên nẹp bất động chi bị cắn để hạn chế sự phát tán của nọc rắn

Các biện pháp đề phòng rắn hổ mèo tấn công

Các biện pháp đề phòng rắn hổ mèo tấn công:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với rắn khi làm việc hay sinh hoạt. Không nên bắt rắn hoặc chơi đùa với rắn, ngay cả khi rắn đã chết, vì chúng có thể vẫn phản xạ cắn trong vòng 2 giờ. Khi quan sát rắn, hãy đứng cách xa chuồng rắn trên 2m để tránh bị rắn phun nọc vào mắt.
  • Khi ra vườn hoặc đồng ruộng làm việc, người dân nên mang ủng để bảo vệ chân.
  • Sử dụng gậy để khua các bụi rậm, cây cối trước khi bước vào, để rắn có thể rời đi trước.
  • Giữ vệ sinh xung quanh nhà bằng cách dọn sạch các bụi rậm.
  • Ngủ trên giường, không nên nằm dưới nền nhà.
  • Xây chuồng nuôi gia súc, gia cầm ở vị trí xa nhà và tránh để các đống rơm, rạ khô quanh nhà, tránh tạo điều kiện cho rắn ẩn nấp và di chuyển gây tai nạn.
Rắn hổ mèo có độc không và cách sơ cứu khi bị cắn? 4
Nên phát quang bụi rậm quanh nhà để hạn chế rắn độc trú ngụ

Tóm lại rắn hổ mèo có độc không? Qua những thông tin đã tìm hiểu, chúng ta có thể kết luận rằng rắn hổ mèo không gây độc thần kinh nhưng nọc độc của chúng cũng khá nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, mọi người cần nâng cao cảnh giác và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với rắn hổ mèo, đồng thời biết cách sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu khi xảy ra tai nạn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin