Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Răng cối nhỏ là gì? Đặc điểm và vai trò của răng cối nhỏ

Ngày 30/07/2024
Kích thước chữ

Răng cối nhỏ là một thuật ngữ ít được sử dụng trong nha khoa, nó thường được dùng để chỉ các răng có cấu tạo gồm 2 múi. Vậy răng cối nhỏ là răng gì? Đặc điểm và vai trò của nó là gì?

Răng cối nhỏ trong thuật ngữ nha khoa là tên gọi khác của các răng số 4 và răng số 5 trên cung hàm. Thông thường, đối với người trưởng thành sẽ có tổng cộng 8 răng cối nhỏ với cấu tạo, hình dạng và kích thước khác nhau cùng đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc nhai, cắn thức ăn.

Răng cối nhỏ là gì?

Trong tiếng Anh, răng cối nhỏ được gọi là bicuspid, dịch ra nghĩa là răng 2 múi, tuy nhiên trên thực tế không phải tất cả răng cối nhỏ đều cấu tạo gồm 2 múi. Do đó nên tên gọi này không được phổ biến và ít được sử dụng trong nha khoa.

Mỗi người trưởng thành thường sẽ có 8 răng cối nhỏ bao gồm 4 chiếc răng ở trên và 4 chiếc răng ở dưới đối xứng nhau. Các răng cối nhỏ trường thành sẽ mọc sẽ mọc thay thế răng cối sữa trong giai đoạn 9 - 11 tuổi. Trong đó, các răng cối hàm trên và hàm dưới mọc tương đối đồng đều, răng cối thứ nhất mọc lúc 9 tuổi và răng cối thứ 2 sẽ mọc lúc 11 tuổi.

Về vị trí, răng cối nhỏ nằm ở giữa răng nanh và răng cối lớn trên mỗi cung răng. Để xác định rõ về vị trí của răng cối nhỏ, hãy chia dọc khuôn mặt thành hai phần đối xứng với nhau qua trung tâm. Từ điểm trung tâm này, răng đầu tiên sẽ được đánh số 1 vào đến số lượng răng cuối cùng (thường là 8) theo chiều vào sâu bên trong cung hàm, khi đó vị trí của các răng sẽ là:

  • Răng cửa giữa: Đánh số 1, tổng cộng gồm 4 răng trên và dưới.
  • Răng cửa bên: Đánh số 2, nằm ngay sau răng cửa giữa, bao gồm 4 răng.
  • Răng nanh: Được đánh số 3, tổng cộng gồm 4 răng nanh.
  • Răng cối nhỏ: Được đánh số 4 và 5, theo thứ tự là răng cối nhỏ thứ nhất và răng cối nhỏ thứ hai.
  • Răng cối lớn: Răng cối lớn hay răng hàm là các răng được đánh số từ 6 đến 8, bao gồm tổng cộng 12 chiếc. Trong đó, răng số 6 và 7 trên cung hàm được coi là răng cối lớn thứ nhất và thứ hai. Các răng này có kích thước lớn nhất và chịu trách nhiệm quan trọng trong quá trình nhai nghiền thức ăn, giúp việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn trở nên dễ dàng hơn. Răng thứ 8, được gọi là răng cối lớn thứ ba hay răng khôn, có thể có hoặc không mọc trên mỗi cung hàm, tuỳ thuộc vào sự phát triển của mỗi người.
Răng cối nhỏ là gì? Đặc điểm và vai trò của răng cối nhỏ 1
Răng cối nhỏ là các răng 4, 5 trên cung hàm 

Đặc điểm của răng cối nhỏ

Răng cối nhỏ có cấu tạo chung bao gồm ít nhất một múi lớn và sắc (múi ngoài của răng cối nhỏ dưới). Trong vài trường hợp, răng cối nhỏ có thể bao gồm 2 – 3 múi cùng với đó là một mặt nhai tương đối nhỏ so với răng cối lớn (răng hàm). Giữa răng cối nhỏ hàm trên và răng cối nhỏ hàm dưới có sự khác biệt về cấu tạo và vị trí:

Răng cối nhỏ hàm trên

Răng cối nhỏ hàm trên có một số đặc điểm nổi bật như:

  • Các răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai ở hàm trên có cầu tạo bao gồm 2 múi lớn, nhô cao với kích thước và hình dạng của hai răng tương đối giống nhau so với các răng cối nhỏ hàm dưới.
  • Răng cối nhỏ hàm trên có hình dạng và kích thước khác hoàn toàn so với răng cối nhỏ hàm dưới.
    • Các răng cối nhỏ hàm trên sẽ có kích thước trong ngoài lớn hơn so với kích thước gần xa khi nhìn từ phía nhai.
    • Các răng cối nhỏ hàm trên có đường viền ngoài chỉ hơi nghiêng vào bên trong được tính từ đỉnh múi đến điểm lồi tối đa ở ngoài khi nhìn từ phía mặt bên.
    • Các răng cối nhỏ hàm trên sẽ có điểm lồi tối đa trong ở vị trí phần ba giữa khi nhìn từ trên xuống.

Răng cối nhỏ hàm dưới

Các răng cối nhỏ ở hàm trên có kích thước và hình dáng khá giống nhau, tuy nhiên, các răng cối nhỏ hàm dưới lại có nhiều điểm khác biệt. Theo quan điểm thuần túy, răng cối nhỏ hàm dưới thứ nhất có thể được xem như là một chiếc răng nanh thứ hai. Trong khi đó, răng cối nhỏ hàm dưới thứ hai lại trông giống như một răng cối lớn thu nhỏ. Răng cối nhỏ hàm dưới còn có những đặc điểm nổi bật như:

  • Kích thước múi ngoài của răng cối nhỏ hàm dưới lớn hơn múi trong khá nhiều.
  • Khi nhìn từ phía nhai, các răng cối nhỏ hàm dưới có kích thước thân răng trong ngoài xấp xỉ gần bằng kích thước gần xa.
  • Khi nhìn từ phía bên, các răng cối nhỏ hàm dưới có đường viền ngoài nghiêng về phía trong nhiều hơn.
  • Khi nhìn từ phía trên, các răng cối nhỏ hàm dưới có điểm lồi tối đa thường ở trong hai phần ba nhai.
Răng cối nhỏ là gì? Đặc điểm và vai trò của răng cối nhỏ  2
Răng cối nhỏ trên và dưới có tạo chung bao gồm ít nhất một múi lớn và sắc

Vai trò của răng cối nhỏ và các vấn đề thường gặp

Các răng cối nhỏ (răng số 4 và răng số 5) phối hợp cùng nhau đảm nhiệm vai trò quan trọng trong chức năng ăn nhai, nghiền nát thức ăn. Ngoài ra, các răng này cũng giúp giữ khoảng cách cho răng vĩnh viễn, hỗ trợ tốt cho việc phát âm tốt hơn và nâng cao thẩm mỹ cho hàm răng. Việc mất răng cối nhỏ có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng như:

Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai

Răng cối nhỏ thuộc nhóm răng hàm đóng vai trò quan trọng trong việc cắn xé, nghiền nhỏ thức ăn, đồng thời giúp răng cối lớn nghiền nát thuận lợi hơn. Vì vậy, khi răng cối nhỏ bị mất đi sẽ khiến cho chức năng ăn nhai bị suy giảm, thức ăn lúc này sẽ không được nhai nhuyễn trước khi đưa vào dạ dày khiến cho hệ tiêu hóa làm việc nhiều hơn. 

Tình trạng này kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến các triệu chứng như khó tiêu, đau dạ dày, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng.

Hàm răng bị lệch dần

Khi các răng cối nhỏ bị mất đi sẽ để lại khoảng trống trên cung hàm, các răng khác có xu hướng sẽ di chuyển về phía trước để lấp đầy khoảng trống của răng này. Lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng răng bị xô lệch dần, lệch khớp cắn, răng ở hàm đối diện cũng sẽ dần trồi lên làm cấu trúc hàm mất cân đối.

Răng cối nhỏ là gì? Đặc điểm và vai trò của răng cối nhỏ 3
Mất răng cối nhỏ có thể khiến hàm răng bị xô lệch 

Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai mà còn ảnh hưởng đến cả phát âm và thẩm mỹ.

Hình thành các bệnh về răng

Mất răng cối nhỏ không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai mà thậm chí nó còn có thể làm tăng nguy mắc các bệnh lý về răng như sâu răng và viêm nha chu,…

Tại vị trí mất răng, thức ăn sẽ dễ dàng bị mắc kẹt, nếu không được vệ sinh sạch sẽ làm tăng nguy cơ thâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ dẫn đến các bệnh về răng miệng như hôi miệng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm ổ chân răng, sâu răng,...

Tiêu xương hàm

Khi răng cối nhỏ bị mất đi, nếu không sớm tìm cách khắc phục sẽ dẫn đến hiện tượng tiêu xương hàm. Đây là bệnh răng miệng nguy hiểm, đặc trưng bởi tình trạng vùng xương chân răng bị tiêu biến.

Răng cối nhỏ là gì? Đặc điểm và vai trò của răng cối nhỏ 4
Mất răng lâu ngày có thể gây tiêu xương hàm 

Nếu không kịp thời điều trị, tiêu xương hàm có thể gây ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai của người bệnh, làm lệch khớp cắn, méo miệng gò má chảy xệ, xuất hiện nhiều nếp nhăn rất mất thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, tình trạng tiêu xương hàm do mất răng cối nhỏ còn khiến cho việc trồng răng giả sau này gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như khi bạn muốn cấy ghép Implant, bạn sẽ phải tiến hành ghép xương hàm để đặt được trụ Implant vào trong xương hàm, điều này gây tốn kém thời gian và chi phí.

Răng cối nhỏ là tên gọi khác của các răng số 4 và số 5 trên cung hàm có vai trò quan trọng trong việc cắn xé, nghiền nhỏ thức ăn. Mất răng cối nhỏ có thể khiến cho hàm răng bị lệch dần và gây ra nhiều bệnh lý về răng như viêm nha chu, sâu răng, mất răng…

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.