Răng số 7 bị sâu có nên nhổ không? Cách chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa sâu răng
Ngày 09/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Răng số 7 không chỉ là răng duy trì chức năng ăn nhai mà còn giúp giữ cho cung hàm được cân đối. Trong trường hợp đau răng do sâu răng, giải pháp tối ưu nhất là nhổ bỏ. Tuy nhiên trong trường hợp răng số 7 bị sâu có nên nhổ không?
Răng số 7 có vị trí quan trọng trên cung hàm chính vì vậy khi răng số 7 bị sâu có nên nhổ không là điều thắc mắc của nhiều người. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Răng số 7 nằm ở vị trí nào?
Răng số 7 nằm ở vị trí trước răng khôn, là một trong bộ ba răng cối lớn trong răng hàm. Trong trường hợp bạn chưa mọc răng khôn thì răng số 7 là răng trong cùng. Đối với người trưởng thành sẽ có khoảng 28 chiếc răng vĩnh viễn, trường hợp mọc đủ 4 chiếc răng khôn sẽ có tổng cộng là 32 chiếc răng. Bạn sẽ có 4 chiếc răng số 7 mọc đối xứng nhau ở hai hàm trên và hai hàm dưới. Điều đặc biệt ở răng số 7 là răng số 7 ở hàm dưới sẽ có 2 chân còn răng số 7 hàm trên sẽ có 3 chân.
Răng số 7 có chức năng và nhiệm vụ nghiền nát thức ăn để thức ăn được tiêu hóa tốt hơn ở dạ dày. Răng số 7 còn giúp bảo vệ xương hàm, tạo sự hài hòa và cân đối cho khuôn mặt. Không chỉ vậy, răng số 7 còn giúp bạn phát âm được chính xác hơn.
Vì sao răng số 7 bị sâu?
Trước khi tìm hiểu vấn đề răng số 7 bị sâu có nên nhổ không thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu vì sao răng số 7 bị sâu nhé. Vì răng số 7 đảm nhiệm chức năng quan trọng trong việc ăn nhai nên thường xuyên tiếp xúc với thức ăn khiến dễ dính các mảng bám và thức ăn thừa gây nên các vấn đề về răng miệng, đặc biệt là sâu răng. Dưới đây là một số lý do khiến răng số 7 bị sâu như:
Vị trí răng bị khuất: Vì là răng nằm trong cùng của hàm, thường xuyên tiếp xúc với thức ăn nhưng lại khó vệ sinh bởi bàn chải đánh răng khó chạm tới được. Chính vì vậy, răng số 7 thường dễ bị các mảng bám tích tụ, lâu ngày dẫn đến tình trạng sâu răng.
Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Đây cũng là một trong những lý do khiến răng số 7 bị sâu. Chế độ ăn thiếu khoa học cụ thể là thiếu canxi và vitamin D sẽ khiến men răng yếu, dễ nứt gãy và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, ăn mòn men răng. Bên cạnh đó, nếu thường xuyên sử dụng đồ cay, nóng, đồ chua hoặc thức uống có ga nhiều sẽ khiến men răng bị tổn thương, lâu dần dẫn đến sâu răng.
Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách: Ngoài chế độ ăn uống thiếu khoa học thì vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng sâu răng.
Răng số 7 bị sâu lâu ngày sẽ dẫn đến một số biến chứng đối với răng miệng như: Ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai vì khi răng số 7 bị tổn thương sẽ gây đau nhức, khiến bạn chán ăn dẫn đến suy giảm sức khỏe. Không chỉ vậy, suy giảm khả năng ăn nhai khiến dạ dày phải làm việc với công suất lớn hơn dẫn đến tình trạng đau dạ dày. Nếu lâu ngày không điều trị, răng số 7 bị sâu khiến bạn khó ăn uống dẫn đến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, stress. Ngoài ra, răng số 7 bị sâu còn có thể ảnh hưởng đến các răng bên cạnh nếu không được chữa trị. Đây cũng là lý do gây nên tình trạng viêm nha chu, viêm tủy răng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Răng số 7 bị sâu có nên nhổ không?
Chính vì giữ chức năng ăn nhai chính, thường xuyên tiếp xúc với thức ăn nên răng số 7 thường dễ bị sâu. Vậy răng số 7 bị sâu có nên nhổ không là thắc mắc của nhiều người khi gặp phải tình trạng này.
Đối với trường hợp răng số 7 bị sâu, nếu tình trạng răng sâu đã quá nặng, sâu đã đến tủy răng, chân răng lung lay và không còn khả năng để tái tạo thì lúc này bác sĩ mới chỉ định nên nhổ bỏ. Tuy nhiên đối với trường hợp vẫn có thể phục hồi được thì bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị cụ thể mà không cần phải nhổ bỏ răng số 7. Cụ thể như sau:
Đối với răng số 7 mới bị sâu
Tình trạng sâu răng được tính từ thời điểm trên răng xuất hiện các mảng bám không vệ sinh được bằng bàn chải đánh răng thông thường. Trong trường hợp này bạn nên đến nha khoa uy tín để thực hiện lấy cao răng sạch sẽ, xác định mức độ sâu răng và được chỉ định bôi thuốc chống sâu răng nếu cần thiết.
Đối với răng số 7 bị sâu ăn vào cấu trúc răng
Răng số 7 bị sâu ăn vào cấu trúc răng khi vi khuẩn tấn công men răng và phá hủy cấu trúc màng xốp của răng tạo nên các chấm đen hoặc các vết nứt trên răng. Đối với trường hợp này cần áp dụng các biện pháp như:
Trám răng: Sau khi vệ sinh răng sạch sẽ, các lỗ sâu răng sẽ được trám lại bằng vật liệu chuyên dụng rồi xử lý bề mặt răng. Đây là phương pháp hiệu quả để xử lý răng số 7 bị sâu xuất hiện những lỗ đen lấm chấm trên răng.
Bọc sứ: Đây là phương pháp mang lại hiệu quả cao hơn cả trám răng. Răng sâu sẽ được mài đến khi loại bỏ mô cứng bị tổn thương, sau đó bác sĩ sẽ chụp mũ răng sứ lên để bảo vệ phần răng còn lại, ngăn chặn vi khuẩn tấn công răng nguyên bản.
Cách chăm sóc răng miệng để hạn chế tình trạng sâu răng
Bên cạnh việc tìm hiểu răng số 7 bị sâu có nên nhổ không thì bạn cũng cần tìm hiểu cách chăm sóc răng miệng để hạn chế tình trạng sâu răng nữa nhé. Dưới đây là một số gợi ý cách chăm sóc răng miệng đúng cách để hạn chế tình trạng sâu răng mà bạn có thể tham khảo như:
Đánh răng đúng kỹ thuật, đánh răng khoảng từ 2 - 3 lần mỗi ngày.
Nên lựa chọn loại bàn chải có lông mềm, giúp bạn có thể vệ sinh sâu vào từng kẽ chân răng và góc hàm.
Sử dụng nước súc miệng sau khi ăn.
Không nên sử dụng tăm xỉa răng mà thay vào đó hãy sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa còn sót lại trên răng. Nếu được hãy sử dụng tăm nước giúp tăng cường loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa trên răng.
Hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas vào buổi tối.
Định kỳ hãy đến cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện thăm khám răng.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung thêm vitamin D và canxi để ngăn ngừa tình trạng thiếu canxi khiến răng dễ bị sâu.
Bài viết trên đây là toàn bộ giải đáp mà chúng tôi muốn gửi đến bạn về vấn đề răng số 7 bị sâu có nên nhổ không. Răng số 7 đóng vai trò quan trọng đối với cung hàm và cũng là răng thường xuyên tiếp xúc với thức ăn nên dễ bị sâu răng, chính vì vậy bạn nên chú trọng vào vấn đề vệ sinh răng miệng cũng như bổ sung các khoáng chất cần thiết để răng chắc khỏe hơn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.