Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Saccharin là gì? Lợi ích của saccharin đối với sức khỏe

Ngày 07/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Saccharin là gì? Loại đường này mang lại những lợi ích gì đối với sức khỏe và có an toàn với sức khỏe không? Bài viết dưới đây sẽ đi vào tìm hiểu sâu hơn về loại đường hóa học này, cùng theo dõi ngay nhé!

Saccharin được biết đến là một chất tạo ngọt nhân tạo lâu đời nhất trên thị trường. Nhiều người cho rằng, việc sử dụng đường saccharin thay thế cho cho đường sẽ mang đến nhiều lợi ích trong việc giảm cân, tiểu đường và tốt cho sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, mức độ an toàn của loại đường hóa học này đối với sức khỏe vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về saccharin trong bài viết dưới đây nhé!

Saccharin là gì?

Saccharin là một chất làm ngọt nhân tạo không có giá trị dinh dưỡng. Loại đường hóa học này được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách oxy hóa các hóa chất O-toluene sulfonamide hoặc Phthalic anhydride. Quá trình này sẽ tạo ra một loại bột kết tinh màu trắng có tính ổn định cao trong nhiều điều kiện.

Saccharin bao gồm có 3 dạng chính:

  • Acid saccharin;
  • Sodium saccharin;
  • Calcium saccharin.
Saccharin là gì? Lợi ích của saccharin đối với sức khỏe 1
Saccharin là một chất làm ngọt nhân tạo không có giá trị dinh dưỡng

Saccharin thường được sử dụng như một chất thay thế đường vì không chứa calo hay carbohydrate. Cơ thể con người không thể tiêu hóa saccharin nên sẽ không ảnh hưởng đến cơ thể.

Saccharin ngọt hơn đường khoảng 300 - 400 lần, vì vậy chỉ cần một lượng nhỏ đã đủ để tạo vị ngọt. Tuy nhiên, chất tạo ngọt có thể để lại dư vị đắng hoặc mùi kim loại sau khi sử dụng. Để giảm thiểu điều này, saccharin thường được kết hợp với các chất làm ngọt khác không chứa calo hoặc ít calo như aspartame, để tạo thành một chất làm ngọt ít calo thường thấy trong các loại đồ uống có ga dành cho người ăn kiêng.

Saccharin được các nhà sản xuất thực phẩm ưa chuộng vì tính ổn định và thời hạn sử dụng lâu dài. Nó vẫn có thể đảm bảo an toàn để tiêu thụ ngay cả khi sau nhiều năm bảo quản. Ngoài việc được sử dụng trong đồ uống có ga dành cho người ăn kiêng, saccharin còn được dùng để làm ngọt kẹo, mứt, bánh quy, thạch ít calo và trong nhiều loại thuốc.

Bạn có thể sử dụng saccharin tương tự như đường ăn bằng cách rắc lên thực phẩm như ngũ cốc hoặc trái cây, hay dùng làm chất thay thế đường trong cà phê hoặc khi nướng bánh.

Saccharin được ứng dụng trong đời sống như thế nào?

Saccharin được sử dụng như một chất làm ngọt không có chứa calo, thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm nhờ tính ổn định và thời hạn sử dụng lâu dài. Chúng vẫn có thể đảm bảo an toàn để tiêu thụ sau nhiều năm bảo quản. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phê duyệt việc sử dụng saccharin trong các sản phẩm như:

  • Đồ uống có ga và nước trái cây.
  • Mứt, kẹo, thạch và các loại bánh quy ít calo.
  • Thực phẩm chế biến và có thể được dùng như đường ăn để rắc lên thức ăn.
  • Làm chất thay thế đường trong cà phê hoặc khi nướng bánh.
  • Làm thành phần để tạo ngọt, tăng hương vị trong viên nhai vitamin và khoáng chất.
  • Bảo quản hương vị và đặc tính của kẹo cao su.
  • Cải thiện hương vị của các thành phần trong sản phẩm bánh.

Ngoài việc ứng dụng trong thực phẩm và đồ uống, saccharin còn được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm phi thực phẩm như mỹ phẩm, dược phẩm, thức ăn gia súc, thuốc lá nhai và thuốc hít.

Saccharin có an toàn với sức khỏe con người không?

Saccharin đã được các tổ chức y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng xác nhận rằng an toàn cho sức khỏe con người. Theo FDA, liều lượng được cho phép sử dụng mỗi ngày (ADI) là 5 mg/kg thể trọng, trong khi WHO đề xuất khoảng 0 - 15 mg/kg thể trọng.

Saccharin là gì? Lợi ích của saccharin đối với sức khỏe 2
Saccharin đã được các tổ chức y tế xác nhận an toàn cho sức khỏe con người

Nhưng vào những năm 1970, một số nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng saccharin có thể liên quan đến ung thư bàng quang, dẫn đến việc nó được xếp vào loại có thể gây ung thư cho con người. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó lại cho thấy ung thư ở chuột không có mối liên hệ với con người, nghĩa là không có bằng chứng rõ ràng giữa việc tiêu thụ saccharin và nguy cơ gây ung thư ở người.

Để đạt đến mức gây ung thư như trong thí nghiệm trên chuột, con người cần phải tiêu thụ một lượng saccharin cực kỳ lớn, tương đương với việc uống khoảng 800 lít nước ngọt dành cho người ăn kiêng mỗi ngày.

Mặc dù nguy cơ gây ung thư của saccharin vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, việc phân loại nó đã được điều chỉnh thành "không thể phân loại là gây ung thư cho con người". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo rằng cần thận trọng và hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa saccharin, do các nghiên cứu hiện tại chưa đủ để khẳng định hoàn toàn không có rủi ro.

Lợi ích của saccharin đối với sức khỏe con người

Chất tạo ngọt nhân tạo saccharin được cho là mang đến một số lợi ích sức khỏe như:

Có tác dụng hỗ trợ giảm cân

Thay thế đường bằng chất làm ngọt ít calo có thể hỗ trợ giảm cân và ngăn ngừa béo phì. Bởi bạn có thể tiêu thụ các món ăn và đồ uống yêu thích với hàm lượng calo ít hơn.

Saccharin có thể thay thế từ 50 - 100% lượng đường trong một số thực phẩm mà không làm thay đổi hương vị hoặc kết cấu của sản phẩm.

Một nghiên cứu quan sát trên 78.694 phụ nữ cho thấy, những người sử dụng chất làm ngọt nhân tạo tăng nhiều hơn khoảng 0,9 kg so với những người không sử dụng.

Tuy nhiên, một nghiên cứu phân tích tổng hợp các bằng chứng về chất làm ngọt nhân tạo và ảnh hưởng của chúng đến lượng thức ăn cũng như trọng lượng cơ thể kết luận rằng thay thế đường bằng chất làm ngọt ít calo không gây tăng cân. Ngược lại, nó có thể làm giảm lượng calo tiêu thụ (trung bình ít hơn 94 calo mỗi bữa) và giảm cân (trung bình khoảng 1,4 kg).

Kiểm soát lượng đường trong máu

Saccharin thường được khuyên dùng cho người mắc bệnh tiểu đường. Bởi chất làm ngọt nhân tạo này không được cơ thể chuyển hóa và không làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như đường tinh luyện.

Saccharin là gì? Lợi ích của saccharin đối với sức khỏe 3
Chất tạo ngọt nhân tạo saccharin không làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu

Một nghiên cứu được thực hiện trên 128 người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cho thấy, việc tiêu thụ sucralose (splenda) không gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Kết quả tương tự cũng đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo khác như aspartame.

Một số nghiên cứu ngắn hạn cho thấy việc thay thế đường bằng chất làm ngọt nhân tạo có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, mặc dù hiệu quả không cao. Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng cho thấy chất làm ngọt nhân tạo không ảnh hưởng đáng kể đến lượng đường trong máu ở người khỏe mạnh hoặc người mắc bệnh tiểu đường.

Thay thế đường bằng saccharin có thể giúp giảm nguy cơ sâu răng

Đường là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sâu răng. Nhưng không giống như đường, saccharin không bị vi khuẩn lên men thành axit trong khoang miệng.

Vì vậy, việc sử dụng saccharin thay thế đường cũng có thể góp phần làm giảm nguy cơ sâu răng. Đây cũng chính là lý do tại sao nó thường được dùng làm chất thay thế đường trong các sản phẩm như thuốc.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thực phẩm và đồ uống chứa chất làm ngọt nhân tạo vẫn có thể chứa các thành phần khác gây sâu răng, như một số axit trong đồ uống có ga và đường tự nhiên trong nước ép trái cây.

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng saccharin

Hầu hết các cơ quan y tế đều xem saccharin là an toàn cho con người. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số lo ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn của nó đối với sức khỏe.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc sử dụng saccharin, sucralose và aspartame có thể làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột. Điều này có thể gây ra một số thay đổi có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh viêm ruột và ung thư.

Saccharin là gì? Lợi ích của saccharin đối với sức khỏe 4
Việc sử dụng saccharin có thể làm mất cân bằng vi khuẩn trong ruột

Trong một thí nghiệm kéo dài 11 tuần, những con chuột được cho ăn hàng ngày một lượng aspartame, sucralose hoặc saccharin có lượng đường trong máu cao bất thường. Điều này cho thấy tình trạng không dung nạp glucose và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa. Tuy nhiên, khi những con chuột này được điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn đường ruột, lượng đường trong máu của chúng trở lại bình thường.

Một thí nghiệm tương tự được thực hiện trên một nhóm người khỏe mạnh tiêu thụ liều saccharin tối đa khuyến nghị hàng ngày trong 5 ngày. Trong số 7 người tham gia, có 4 người có lượng đường trong máu tăng cao bất thường và sự thay đổi vi khuẩn đường ruột, trong khi những người khác không gặp thay đổi nào.

Các nhà khoa học cho rằng, chất làm ngọt nhân tạo như saccharin có thể thúc đẩy sự phát triển của loại vi khuẩn có khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng hiệu quả hơn, dẫn đến tăng lượng calo từ thực phẩm và tăng nguy cơ béo phì.

Tuy nhiên, vì nghiên cứu này còn khá mới nên cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo và những thay đổi của hệ vi sinh đường ruột.

Trên đây là những thông tin liên quan đến chất ngọt nhân tạo saccharin cũng như một số tác động của nó đến sức khỏe. Hy vọng sẽ hữu ích đối với bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin