Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp): Nhận biết nhanh và điều trị sớm!

Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp) là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa trên thế giới, sau bệnh đục thủy tinh thể. Năm 2015, tại Việt Nam có 13.160 người mù do bệnh tăng nhãn áp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp) là gì?

Nhãn áp (intraocular pressure - IOP) là áp suất của chất dịch bên trong mắt của bạn. Nhãn áp có kết cấu như gel, chứa tại vị trí giữa giác mạc và mống mắt, đóng vai trò quan trọng đối với thị lực và sự linh hoạt của mắt. Nhãn áp bình thường dao động từ 10 - 20 mmHg.

Bệnh tăng nhãn áp hay bệnh glaucoma (dân gian còn gọi là bệnh thiên đầu thống, bệnh cườm nước) là tình trạng áp suất của chất dịch bên trong nhãn cầu tăng cao, làm chèn ép và tổn thương các tế bào thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn, không hồi phục.

Phân loại bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp)

Theo Quyết định ban hành tài liệu chuyên môn Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt của Bộ Y tế, bệnh glaucoma được chia thành những loại sau:

  • Glaucoma góc đóng nguyên phát: Là tình trạng cấp tính, xảy ra khi mống mắt phồng ra trước làm che lấp góc dẫn lưu, dịch trong nhãn cầu tắc nghẽn gây tăng nhãn áp. Đây là một cấp cứu nhãn khoa, bạn phải đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị lập tức.
  • Glaucoma góc mở nguyên phát: Là tình trạng bệnh lý tiến triển mạn tính, do quá trình cơ hóa vùng bè làm lắng đọng các chất ngoại bào trong lớp bè gây dính khoang bè, tắc đường lưu thông thủy dịch làm tăng nhãn áp. Hoặc do sự chênh lệch áp lực giữa tiền phòng và ống Schlemm gây xẹp ống này, cản trở thủy dịch thoát ra ngoài nhãn cầu làm tăng nhãn áp.
  • Glaucoma thứ phát: Do chấn thương, đục thủy tinh thể hoặc có khối u ở mắt. Sử dụng corticosteroid hoặc phẫu thuật vùng mắt cũng có thể gây glaucoma thứ phát nhưng hiếm gặp.
  • Glaucoma bẩm sinh: Hiếm gặp, có thể di truyền, xuất hiện khi sinh cho đến vài năm tuổi đầu đời, do khiếm khuyết tại góc dẫn lưu làm tắc nghẽn dịch nhãn cầu gây tăng nhãn áp.

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp)

Bệnh tăng nhãn áp với mỗi loại và mỗi nguyên nhân khác nhau sẽ có những nhóm triệu chứng khác nhau. Quan trọng hơn hết, ở giai đoạn sớm của bệnh các triệu chứng thường biểu hiện không rõ ràng và dễ bị bỏ sót, thị lực của người bệnh sẽ diễn tiến xấu dần nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp gồm:

  • Đau nhức mắt dữ dội hoặc căng tức hốc mắt, thường khởi phát vào chiều tối, lan lên đầu.
  • Nhìn đèn có quầng xanh đỏ kèm theo sợ ánh sáng hoặc chói sáng, chảy nước mắt.
  • Rối loạn thị lực đột ngột và thoáng qua, nhìn mờ, tầm nhìn bị thu hẹp (tầm nhìn đường hầm) hoặc tầm nhìn có điểm mù.
  • Đỏ mắt và sưng nề mi mắt.
  • Buồn nôn và/hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi,...
  • Cảm thấy có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng.
Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp): Nhận biết nhanh và điều trị sớm! 3
Đau mắt đột ngột - triệu chứng điển hình của bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp)

Biến chứng của bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp)

Ước tính có 10 người mắc bệnh tăng nhãn áp thì có 1 người suy giảm thị lực. Nguy cơ dẫn đến mù vĩnh viễn chiếm 5% số người mắc bệnh lý này.

Bệnh tăng nhãn áp glaucoma góc đóng cấp tính nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù vĩnh viễn. Ở bệnh tăng nhãn áp glaucoma góc đóng thể bán cấp có thể diễn tiến sang mạn tính hoặc các đợt cấp trên nền mạn tính.

Đối với tăng nhãn áp thể glaucoma góc mở, điều trị sớm và đúng phác đồ có thể ngăn chặn biến chứng mù lòa không có khả năng hồi phục.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh tăng nhãn áp có thể diễn tiến âm thầm, nhưng những thay đổi cấp tính có thể đột ngột xảy ra với bất kỳ loại tăng nhãn áp nào. Những dấu hiệu cấp tính ấy báo hiệu một trường hợp cấp cứu y tế khẩn.

Các dấu hiệu cảnh báo gồm:

  • Đau hoặc căng tức mắt đột ngột.
  • Thay đổi thị lực đột ngột: Nhìn mờ, nhìn thấy quầng sáng xanh đỏ, chói sáng, tầm nhìn có điểm mù.
  • Đỏ mắt, sưng nề mi mắt.
  • Buồn nôn hoặc nôn, đau bụng kèm theo.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp)

Tăng nhãn áp có thể xảy ra mà không có một nguyên nhân cụ thể gây ra. Thủy dịch trong mắt bị tích tụ mà không thoát ra được gây tăng áp lực trong mắt. Ngoài ra tình trạng tăng nhãn áp cũng có thể do mắt sản xuất dư thừa lượng thủy dịch. Kết quả là áp lực nội nhãn tăng lên, khiến tổn thương dây thần kinh thị giác và dẫn đến bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp)?

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ bị bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp):

  • Giác mạc mỏng ở trung tâm;
  • Người thường xuyên căng thẳng;
  • Chấn thương vùng mắt;
  • Tật khúc xạ như cận thị > 4 diop, lão thị sớm;
  • Người có tiền sử dùng corticosteroid kéo dài;
  • Lượng máu nuôi vùng mắt kém: Thiếu máu, giảm lưu thông máu đến vùng đầu;
  • Người có tiền sử bệnh tăng huyết áp, hạ huyết áp về đêm, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hội chứng Raynaud. 
Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp): Nhận biết nhanh và điều trị sớm! 4
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp)

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp)

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp) bao gồm:

  • Người trên 40 tuổi;
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tăng nhãn áp;
  • Người Châu Phi, Châu Á hoặc người Tây Ban Nha.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Khi có một hoặc nhiều triệu chứng trên xuất hiện, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và xử trí kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, tiền căn bệnh lý của bạn và gia đình. Bên cạnh đó, việc đánh giá sức khỏe tổng quát để xác định các bệnh lý khác có ảnh hưởng đến mắt như tăng huyết áp, đái tháo đường,... cũng rất quan trọng.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:

  • Đo thị lực (Optometry);
  • Đo nhãn áp (Tonometry);
  • Khám thần kinh thị giác;
  • Soi góc tiền phòng (Gonioscopy);
  • Đo thị trường (Perimetry);
  • Chụp cắt lớp quang học mắt (Optical coherence tomography);
  • Đo độ dày giác mạc (Pachymetry).
Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp): Nhận biết nhanh và điều trị sớm! 5
Đo nhãn áp để xác định có mắc bệnh thiên đầu thống hay không

Điều trị

Tổn thương dây thần kinh thị giác trong bệnh tăng nhãn áp là không thể hồi phục. Nguyên tắc điều trị bệnh là khống chế tiến trình tổn thương, giảm thiểu hậu quả nặng nề của bệnh. Trong đó, việc kiểm soát áp suất nội nhãn là yếu tố then chốt trong điều trị.

Thuốc: Nhiều loại thuốc nhỏ mắt có kê toa được sử dụng trong điều trị tăng nhãn áp. Vì bệnh lý này có thể tiến triển mạn tính và kéo dài suốt đời, nên việc sử dụng thuốc phải lâu dài và có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Bimatoprost là một thuốc hạ nhãn áp bằng cách làm tăng thoát lưu thủy dịch. Có hai dạng bào chế của hoạt chất này gồm que cấy giác mạc và dung dịch nhỏ mắt. Bimatoprost có thể được bác sĩ chỉ định đơn trị liệu hoặc phối hợp với nhóm thuốc chẹn beta để điều trị tăng nhãn áp. Một số tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt như tạo cảm giác ngứa hoặc châm chít, đỏ mắt, thay đổi màu mắt hoặc vùng da quanh mắt, khô miệng,...

Phẫu thuật: Đây là phương pháp xâm lấn, tuy nhiên hiệu quả kiểm soát nhãn áp sẽ nhanh hơn và tốt hơn việc sử dụng thuốc. Phẫu thuật chỉ giúp làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh, không thể phục hồi thị lực đã mất hoặc chữa khỏi hoàn toàn bệnh tăng nhãn áp. Một số phương pháp gồm cắt mống mắt chu biên bằng laser hoặc bằng phẫu thuật, laser tạo hình mống mắt, phẫu thuật cắt bè, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thiên đầu thống (tăng nhãn áp)

Chế độ sinh hoạt: 

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Mang kính râm và đội mũ khi ra đường để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời.
  • Duy trì thói quen tập luyện thể dục phù hợp

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm chứa nhiều omega 3,...

Phương pháp phòng ngừa bệnh thiên đầu thống (tăng nhãn áp) hiệu quả

Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp) là không thể ngăn ngừa hoàn toàn được. Phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp thông qua việc khám mắt định kỳ là phương pháp tốt nhất giúp bảo vệ được sức khỏe của mắt và ngăn ngừa việc suy giảm thị lực. Việc kiểm tra mắt tốt nhất nên được diễn ra định kỳ theo Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ :

  • Sau 35 tuổi: Một đến ba năm một lần đối với người có nguy cơ cao.
  • Trước 40 tuổi: Hai đến bốn năm một lần.
  • Từ 40 tuổi đến 54 tuổi: Một đến ba năm một lần.
  • Từ 55 tuổi đến 64 tuổi: Một đến hai năm một lần.
  • Sau 65 tuổi: Sáu tháng đến một năm một lần.

Dưới đây là một số điều bạn nên lưu ý để phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp:

  • Nếu bạn có các nguy cơ dẫn đến tăng nhãn áp, hãy đến khám định kỳ theo hướng dẫn đề cập bên trên.
  • Nếu dùng thuốc corticosteroid kéo dài hoặc với liều cao, hãy đề cập với bác sĩ chuyên khoa mắt để họ có chiến lược điều trị phù hợp.
  • Nếu bạn có tình trạng hạ huyết áp khi ngủ, việc này khiến tình trạng mắt của bạn trầm trọng hơn. Bạn đang sử dụng các thuốc hạ huyết áp hoặc có triệu chứng của hạ huyết áp, hãy đề cập với bác sĩ chuyên khoa mắt và không tự ý thay đổi thuốc hạ áp đang dùng.
  • Nếu bạn mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc có nguy cơ cao tăng nhãn áp, đừng cúi đầu thấp hơn tim trong thời gian dài. Tư thế cúi đầu sẽ làm tăng nhãn áp rất nhiều.
  • Tập thể dục nhưng hãy cẩn thận: Tập thể dục cường độ cao làm tăng nhịp tim cũng làm tăng nhãn áp. Tuy nhiên việc đi bộ và tập luyện vừa phải có thể giúp bạn hạ nhãn áp và cải thiện sức khỏe tổng thể. Lưu ý một số động tác thể dục, yoga hoặc lao động có tư thế cúi đầu có thể khiến nhãn áp tăng cao.
  • Việc chấn thương mắt có thể dẫn đến bệnh tăng nhãn áp, hãy luôn bảo vệ mắt khi hoạt động, làm việc hoặc chơi thể thao.
  • Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây đa dạng màu sắc, quả mọng mỗi ngày. Chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mắt.
  • Người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc một số bệnh lý khác. Nếu bạn có các triệu chứng ngáy ngủ hoặc ngừng thở trong lúc ngủ, hãy đến bác sĩ để kiểm tra.
  • Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời bằng cách mang kính râm và đội mũ khi ra ngoài trời buổi sáng.
  • Giữ họng miệng sạch: Các nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên kết giữa các bệnh nha chu với tổn thương thần kinh thị giác trong bệnh tăng nhãn áp.
Bệnh thiên đầu thống (bệnh tăng nhãn áp): Nhận biết nhanh và điều trị sớm! 6
Mang kính râm khi hoạt động ngoài trời giúp bảo vệ mắt
Nguồn tham khảo
  1. Glaucoma: https://www.healthline.com/health/glaucoma
  2. What Is Glaucoma? Symptoms, Causes, Diagnosis, Treatment: https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-glaucoma
  3. Arthur Lim Siew Ming et al (2004), “Primary closed angle glaucoma” 2nd Edition, an imprint of Elservier
  4. Michael V Boland, Harry A Quigley (2011). “Evaluation of a combined index of optic nerve structure and function for glaucoma diagnosis”, BMC Ophthalmology, 11:6
  5. Myron Yanoff, Jay S. Duker(2009): Ophthalmology, 3rd edition, Elsevier Inc.

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh bò điên

  2. Tiêu xương sọ

  3. Dị tật Dandy-Walker

  4. Chứng ngủ nhiều nguyên phát

  5. Phù hoàng điểm

  6. Loạn sản vách thị giác

  7. Xuất huyết não thất

  8. Viêm đa xoang

  9. Ung thư môi

  10. liệt dây thần kinh số 3