Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Sỏi đường tiết niệu là bệnh gì? Có chữa khỏi được không?

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Ngày càng nhiều người, đặc biệt là những người ở độ tuổi ngoài 30 mắc sỏi đường tiết niệu. Cùng tìm hiểu căn bệnh này đến từ đâu, có khả năng chữa khỏi không.

Việt Nam là một trong những nước có số ca mắc sỏi đường tiết niệu cao. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm chức năng thận. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Vậy sỏi đường tiết niệu có thể chữa khỏi không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Sỏi đường tiết niệu là gì?

Hệ tiết niệu hay còn gọi là hệ bài tiết là một trong những hệ cơ quan của cơ thể con người. Sỏi đường tiết niệu là hiện tượng các tinh thể vô cơ trong nước tiểu kết tinh lại thành những viên sỏi có kích thước khác nhau. Phần lớn chúng được hình thành ở thận, vì thế nhiều người nhầm lẫn sỏi đường tiết niệu chỉ là sỏi thận. Tuy nhiên, sự hình thành sỏi ở các cơ quan khác thuộc hệ bài tiết như: Niệu quản, bàng quang, niệu đạo cũng được gọi là sỏi niệu.

Bệnh nhân mắc sỏi đường tiết niệu phần lớn là nam giới ở độ tuổi trung niên. Bên cạnh đó, những đối tượng khác cũng có nguy cơ mắc bệnh là:

  • Người có dị tật bẩm sinh đường tiết niệu;
  • Người có cha, mẹ mắc bệnh sỏi tiết niệu;
  • Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý về đường tiết niệu như: Viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang,...;
  • Người làm công việc trong môi trường nắng nóng hoặc phải ngồi nhiều;
  • Người ăn ít rau, vệ sinh cá nhân không sạch sẽ, có thói quen nhịn tiểu.
Sỏi đường tiết niệu là bệnh gì? Có chữa khỏi được không? 1
Thói quen nhịn tiểu có thể gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu

Có những loại sỏi đường tiết niệu nào?

Sỏi chủ yếu được hình thành ở thận vì đây là cơ quan chịu trách nhiệm lọc máu và độc tố trong cơ thể. Sau đó đi đến các bộ phận khác của hệ bài tiết qua đường nước tiểu. Có nhiều loại sỏi có thể được tìm thấy trong đường tiết niệu với những đặc điểm khác nhau, cụ thể:

  • Sỏi oxalat: Có màu đen, rất cứng, trông giống san hô. Loại sỏi này chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ca mắc sỏi tiết niệu;
  • Sỏi phốt phát: Có màu hơi vàng, dễ tan, hình thành do các bệnh lý về nhiễm trùng gây nên;
  • Sỏi acid uric: Có màu nâu nhạt, mềm, xuất hiện do lượng lớn axit uric từ thực phẩm như rượu, bia, nội tạng động vật, hải sản,... lắng đọng lại;
  • Sỏi cystin: Có màu vàng nâu, là một trong những loại sỏi hiếm gặp vì được hình thành từ hiện tượng đột biến gen trong di truyền.

Triệu chứng bệnh sỏi đường tiết niệu là gì?

Nắm bắt được những triệu chứng của sỏi tiết niệu sẽ giúp sớm phát hiện được bệnh và quá trình chữa trị hiệu quả hơn. Trong quá trình đầu mới hình thành sỏi, bệnh nhân thường không nhận ra vì các dấu hiệu không rõ ràng. Một số triệu chứng phổ biến mà bạn cần lưu ý là:

  • Các cơn đau bắt đầu ở vùng thắt lưng rồi lan sang hai bên sườn, xuống bẹn và các vị trí khác. Sau khi vận động mạnh, mức độ đau có thể tăng lên.
  • Xuất hiện các triệu chứng bất thường khi tiểu tiện như: Tiểu ra máu, tiểu ra sỏi, nước tiểu đục và có mùi hôi, đau buốt khi đi vệ sinh, tiểu rắt hoặc không thể đi tiểu,...
  • Sốt cao kèm theo cảm giác lạnh run, buồn nôn, đau đầu, toàn thân sưng phù do nhiễm khuẩn tiết niệu.
Sỏi đường tiết niệu là bệnh gì? Có chữa khỏi được không? 2
Khi đường tiết niệu bị nhiễm trùng nặng, tình trạng sốt cao sẽ xảy ra

Sỏi đường tiết niệu có chữa khỏi được không?

“Sỏi đường tiết niệu có chữa khỏi được không?” hẳn là thắc mắc của nhiều người. Câu trả lời là có. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kích thước của hạt sỏi và thời điểm phát hiện bệnh mà hiệu quả điều trị có thể khác nhau. Một số phương pháp chữa sỏi tiết niệu đang được áp dụng hiện nay là:

Sử dụng thuốc

Sỏi tiết niệu có thể được đào thải tự nhiên qua việc kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, thói quen uống nhiều nước và sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc giãn cơ trơn, thuốc kiểm soát kiềm trong nước tiểu, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm niệu quản,... Phương pháp này được sử dụng đối với những viên sỏi có kích thước nhỏ và ít gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác.

Tán sỏi công nghệ cao

Hiện nay, việc điều trị sỏi đường tiết niệu không còn là vấn đề quá khó khăn và phức tạp. Nhờ những tiến bộ trong y học, ngày càng có nhiều phương pháp loại bỏ sỏi tiết niệu ra đời, ví dụ:

  • Tán sỏi qua da: Chỉ định cho những ca mắc sỏi san hô, sỏi ở phần trên của niệu quản;
  • Tán sỏi bằng nội soi niệu quản: Chỉ định trong trường hợp sỏi nằm ở giữa hoặc phía dưới niệu quản;
  • Tán sỏi ngoài cơ thể: Chỉ định trong trường hợp kích thước của sỏi nhỏ hơn 15mm và nằm cách bể thận ít nhất 1cm.

Nhìn chung, các bác sĩ sẽ kết hợp sóng xung kích, tia laser với mổ nội soi để tán nhỏ và đưa sỏi ra khỏi cơ thể. Vì thế, đây đều là những phương pháp được đánh giá cao về sự an toàn khi có tỷ lệ xâm lấn thấp và để lại ít biến chứng.

Sỏi đường tiết niệu là bệnh gì? Có chữa khỏi được không? 3
Các bác sĩ sử dụng phương pháp mổ nội soi để loại bỏ sỏi niệu

Phẫu thuật

Đây là biện pháp cuối cùng khi những phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Bệnh nhân thường phải mổ để lấy sỏi ra ngoài khi chúng đã có kích thước quá lớn từ 20mm trở lên hoặc xuất hiện những triệu chứng nhiễm trùng. Ngoài ra, khi mắc một số bệnh lý như: Suy thận, béo phì, xương biến dạng,... bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Người bị sỏi đường tiết niệu cần lưu ý gì?

Sỏi đường tiết niệu có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Suy thận cấp và mãn tính, giãn đài bể thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu,... Vì thế, để hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải căn bệnh này, bạn nên tập thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh. Cụ thể:

  • Ưu tiên các món luộc và hấp trong thực đơn hàng ngày để giảm lượng muối nạp vào cơ thể;
  • Không tiêu thụ một số thực phẩm như: Đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ muối chua, bánh ngọt, hải sản, đậu phộng, cacao, rau chân vịt, đạm động vật,...;
  • Tham khảo lời khuyên của bác sĩ nếu muốn bổ sung vitamin C;
  • Bổ sung không quá 100mg canxi mỗi ngày thông qua sữa và các sản phẩm làm từ sữa;
  • Uống nhiều nước để quá trình đào thải thận được diễn ra thuận lợi hơn;
  • Tập thể dục đều đặn để tăng cường trao đổi chất và chuyển hóa;
  • Bỏ thói quen nhịn tiểu hoặc ngồi quá lâu tại một chỗ;
  • Các phương pháp dân gian chỉ nên dùng hỗ trợ quá trình chữa trị. Để bệnh không trở nên nặng hơn cần phải có sự điều trị của bác sĩ.
Sỏi đường tiết niệu là bệnh gì? Có chữa khỏi được không? 4
Dưa muối chua là món ăn ngon nhưng không phù hợp với bệnh nhân sỏi niệu

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng của sỏi đường tiết niệu. Đây là căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hại tới hoạt động bài tiết của cơ thể. Vì vậy, bạn cần hết sức lưu ý để có thể phát hiện và điều trị kịp thời ngay từ khi có dấu hiệu bệnh nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin