Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhận biết các triệu chứng sỏi tiết niệu

Ngày 14/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sỏi tiết niệu là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Khi sỏi hình thành nhưng không làm tắc đường tiết niệu, thì chúng không gây triệu chứng gì đáng kể. Tuy nhiên, khi sỏi chặn đường đi của nước tiểu, có thể xuất hiện các triệu chứng sỏi tiết niệu như các cơn đau, nhiễm trùng, vô niệu hay suy thận.

Triệu chứng sỏi tiết niệu có thể xuất hiện trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Chính vì vậy, bạn cần nâng cao kiến thức của mình để có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý giúp phòng bệnh, cũng như phát hiện sớm bệnh.

Sỏi tiết niệu là gì?

Sỏi tiết niệu (sỏi niệu) có bản chất là các khối rắn do sự kết tinh của muối vô cơ có trong nước tiểu, thường là muối canxi. Đa phần các viên sỏi được hình thành tại thận, sau đó di chuyển theo niệu quản đến bàng quang, cuối cùng được bài tiết theo nước tiểu. Chính vì thế, sỏi tiết niệu quen được gọi là sỏi thận.

Tại Mỹ, theo thống kê cho thấy hằng năm có khoảng 400.000 bệnh nhân nhập viện vì triệu chứng sỏi tiết niệu. Người ta nhận thấy độ tuổi nhập viện do sỏi thận thường trong khoảng từ 30 đến 50, nam giới có tỷ lệ mắc phải cao gấp 3 lần nữ giới, chủ yếu gặp ở người da trắng nhiều hơn so với người da đen.

Triệu chứng sỏi tiết niệu 01
Sỏi tiết niệu hình thành do sự lắng đọng của các tinh thể muối trong nước tiểu

Nhận biết triệu chứng sỏi tiết niệu

Triệu chứng cơ năng

Khi sỏi di chuyển qua niệu quản, dính vào mô hoặc sỏi hình san hô, thường sẽ không có hoặc có rất ít triệu chứng sỏi tiết niệu, mặc dù có thể có nhiễm trùng đường niệu.

Tuy vậy, khi sỏi ngăn chặn, làm bít tắc đường tiết niệu thì cơ thể sẽ có những triệu chứng như sau:

  • Những cơn đau: Thường sẽ là đau lưng, bụng hoặc vùng hông. Đau do sỏi tiết niệu còn được gọi là đau quặn thận, là một trong những cơn đau khủng khiếp nhất bạn có thể nghĩ đến. Nhiều người ví triệu chứng sỏi tiết niệu là các cơn đau như dao đâm.
  • Tiểu ra máu đại thể, do sỏi làm tổn thương niêm mạc niệu khi di chuyển.
  • Tiểu đục hoặc có mùi hôi: Nguyên nhân do nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Thiểu niệu hoặc vô niệu: Do sỏi làm tắc nghẽn một bên thận hoặc cả hai.
  • Tiểu đau hoặc tiểu rát buốt
  • Tiểu ra sỏi.
  • Triệu chứng toàn thân: Cơ thể bạn có thể buồn nôn hoặc nôn, sốt cao, lạnh run, phù toàn thân…
Triệu chứng sỏi tiết niệu 02
Đau quặn thận là triệu chứng sỏi tiết niệu rất đặc trưng

Triệu chứng thực thể

Một số triệu chứng thực thể khi có sỏi tại thận như:

  • Khi thăm khám bụng, sẽ thấy chướng nhẹ.
  • Ấn vào thấy đau nhiều ở vùng hông lưng bên thận có sỏi.
  • Nghiệm pháp rung thận (+).
  • Nghiệm pháp chạm thận (+) nếu thận bị ứ nước.
  • Nếu thận ứ mủ sẽ xuất hiện phản ứng thành bụng.

“Sỏi im lặng” là sỏi bị mắc kẹt lâu ngày, gây tắc đài bể thận mà không có triệu chứng sỏi tiết niệu. Đây là trường hợp rất nguy hiểm vì người bệnh không được thăm khám và điều trị từ sớm. Đến khi triệu chứng bùng phát, bệnh đã ở giai đoạn nhiễm trùng nặng, có thể gây tổn thương chức năng thận vĩnh viễn.

Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu

Vậy là bạn đã nhận biết được các triệu chứng sỏi tiết niệu trong phần trên của bài viết. Thành phần hóa học của sỏi thận rất khác nhau và quá trình tạo sỏi cũng rất phức tạp. Hiện nay vẫn chưa thống nhất chắc chắn về nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu. Một số nguyên nhân có thể là:

Do tăng bài tiết các chất tan qua nước tiểu

Tăng Calci

Lượng Calci bình thường được bài tiết qua nước tiểu là 100 đến 175mg/một ngày. Tuy vậy, nếu lượng Calci cung cấp cho cơ thể quá thừa, làm tăng nguy cơ cơ thể có triệu chứng sỏi tiết niệu.

Một số lý do tăng calci niệu:

  • Ăn nhiều món ăn giàu Calci như sữa, pho mát, tôm, cua,…
  • Cơ thể thừa Vitamin D, kích thích ruột tăng hấp thu Calci.
  • Tiểu Calci vô căn.
  • Người bệnh nằm bất động lâu ngày, làm cơ thể lắng đọng Calci.
  • Một số bệnh lý ảnh hưởng đến hệ xương khớp, có thể nhắc đến như: bệnh cường giáp, u tủy, ung thư đã di căn đến xương,…
  • Một số bệnh lý nội khoa khác.

Tăng Oxalat

Ghi nhận thấy khoảng 50% sỏi thận có thành phần là muối Calci Oxalat. Chính vì thế, việc nạp nhiều thực phẩm chứa Oxalat cũng là nguyên nhân gây lắng đọng sỏi thận.

Tuy nhiên, nguyên nhân làm tăng Oxalat niệu chủ yếu do bệnh di truyền, gây ra khiếm khuyết trong quá trình chuyển hóa hợp chất Acid Glyoxylic trong cơ thể.

Tăng Cystine

Do các bệnh rối loạn di truyền. Dạng sỏi này ít gặp và có tính chất không cản quang.

Tăng Acid Uric

Nồng độ Acid Uric trong máu cao, xuất phát từ việc dùng nhiều thực phẩm có thành phần hóa học là nhân Purin như thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản,... hoặc tác dụng phụ của hóa trị liệu một số bệnh như bệnh tăng hồng cầu, bệnh bạch cầu.

Tăng Acid Uric niệu nhẹ khi nồng độ đo được > 800mg/ngày ở nam giới hoặc >750mg/ngày ở nữ giới. Hầu hết đến từ việc nạp vào cơ thể quá nhiều protein (có trong thịt, cá và gia cầm,…). Tình trạng tăng Acid Uric niệu có thể gây ra sỏi Calci Oxalat (sỏi thận Calci Oxalat do tăng Acid Uric niệu).

Triệu chứng sỏi tiết niệu 03
Việc ăn quá nhiều thịt đỏ cũng có thể làm xuất hiệu sỏi tiết niệu do lắng đọng calci oxalat

Sỏi tiết niệu do các thay đổi về lý tính

Giảm lượng nước tiểu của cơ thể làm cho nồng độ muối và các chất hữu cơ gia tăng lên. Nguyên nhân thường gặp là do thời tiết nóng bức, uống ít nước, mất nước do lao động vất vả,…

Chỉ số pH bình thường của nước tiểu là 5,85. Độ pH của nước tiểu có thể thay đổi khi cơ thể dùng thức ăn, nước uống, thuốc hoặc một số thực phẩm chức năng. Điều đáng nói là, một số muối vô cơ có thể khó tan trong môi trường pH kiềm.

Vậy là bạn đã biết được các triệu chứng sỏi tiết niệu, cũng như một vài nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Phòng bệnh sỏi tiết niệu bắt đầu từ các thói quen tốt cho cơ thể như uống đủ nước, ngủ đúng giờ, thường xuyên vận động và dùng các thực phẩm tốt cho thận.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm