Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sỏi tiết niệu - Căn bệnh thường gặp của người Việt

Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người Việt bị bệnh sỏi tiết niệu do nhiều tác nhân khác nhau như lối sống sinh hoạt, thói quen ăn mặn ít uống nước và ít vận động. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc đường tiểu, nhiễm trùng, suy thận... nếu không được điều trị kịp thời.

Việt Nam nằm trong khu vực sỏi tiết niệu cao nhất trên thế giới với tỷ lệ mắc khoảng 2 - 12% dân số, trong đó sỏi thận chiếm đến 40%. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chủ quan, coi nhẹ những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Vậy nguyên nhân gây sỏi tiết niệu là gì? Những biến chứng nguy hiểm và cách phòng ngừa ra sao? Theo dõi ngay bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp nhé!

Việt Nam thuộc khu vực "vành đai sỏi" của thế giới

Theo thông tin từ khoa Tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành Phố Hồ Chí Minh cho biết, ước tính có khoảng 5 triệu người mắc bệnh thận trên toàn quốc và mỗi năm có 8.000 ca mắc mới.  Sự gia tăng đáng kể của bệnh thận có thể do nhiều nguyên nhân như lối sống, thói quen ăn mặn ít uống nước, các bệnh liên quan đến chuyển hóa, nhiễm trùng tiết niệu và ít vận động.

Sỏi tiết niệu - căn bệnh thường gặp của người Việt 3
Việt Nam thuộc khu vực mắc sỏi tiết niệu cao của thế giới

Với con số này, Việt Nam nằm trong khu vực "vành đai sỏi" của thế giới. Không chỉ riêng ở Việt Nam, đây là tình trạng chung của các nước Đông Nam Á. Theo thống kê từ Thư viện Y học quốc gia Mỹ, tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu trên toàn cầu ước tính khoảng 1% - 13% dân số và tại khu vực Châu Á tỷ lệ mắc dao động từ 1% - 19,1%. Trong đó, khu vực Đông Nam Á, Tây Á và Nam Á có tỷ lệ mắc cao nhất là 5 - 19.1%. Còn khu vực Đông Á và Bắc Á chỉ khoảng 1% - 8%. Tỷ lệ tái phát sỏi tiết niệu sau 3 - 5 năm là khá cao, từ 21% - 53%.

Sỏi tiết niệu hình thành do quá trình kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ có trong nước tiểu. Trong đó, sỏi thận chiếm tỷ lệ mắc cao lên đến 40% số ca mắc. Sỏi tiết niệu có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo nam giới.

Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh sỏi tiết niệu

Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh sỏi tiết niệu. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ở người Việt Nam như:

Thói quen ăn mặn, ít uống nước

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ bị mất nước do tiết mồ hôi và nước tiểu. Cùng với thói quen ít uống nước khiến lượng nước trong cơ thể bị thiếu hụt dẫn đến tiểu ít. Điều này sẽ dễ gây kết tinh sỏi trong nước tiểu.

Sỏi tiết niệu - căn bệnh thường gặp của người Việt 4
Thói quen ăn mặn, ít uống nước có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tiết niệu

Bên cạnh đó, người Việt hay có thói quen ăn mặn khiến nước tiểu thải ra cũng nhiều muối và dễ kết tinh hình sỏi hơn. Ngoài ra, việc bổ sung quá nhiều canxi, vitamin C hoặc D và ăn nhiều thịt, nội tạng động vật, hải sản cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành sỏi.

Chất lượng nguồn nước

Hầu hết các nguồn nước tự nhiên ở vùng núi đá vôi đều có chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là canxi - những nguyên tố gây ra sỏi tiết niệu, sỏi thận. Tuy nước đã được xử lý lọc trước khi dùng, nhưng không thể loại bỏ hết các khoáng chất này. Do đó, người dân ở những khu vực này thường được khuyến nghị nên dùng nước lọc, nước máy thay vì nước giếng đun sôi để nguội.

Nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng tiết niệu cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu. Những người hay bị nhiễm trùng đường tiểu mạn tính hay tái phát nhiều lần có thể gây phân hóa ure trong nước tiểu, góp phần vào sự hình thành sỏi. Ngoài ra, nhiễm trùng tiết niệu còn gây sưng viêm và làm tổn thương thế bào thận, ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết. Tình trạng này kéo dài có thể khiến sỏi tiết niệu hình thành.

Do tuổi tác

Theo nghiên cứu, tuổi mắc sỏi tiết niệu trung bình ờ nam giới là từ 20 - 40 tuổi và nữ giới từ 25 - 40 tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ sau 55 tuổi vẫn có tỷ lệ mắc bệnh cao do sự thay đổi về nội tiết tố và tình trạng loãng xương gia tăng trong giai đoạn mãn kinh. Ở trẻ em, bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 10 tuổi và ít phổ biến hơn ở độ tuổi từ 10 - 18 tuổi.

Sỏi tiết niệu - căn bệnh thường gặp của người Việt 2
Phụ nữ sau 55 tuổi phụ nữ có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu cao

Do di truyền

Hầu hết các ca mắc sỏi tiết niệu đều có tính chất gia đình. Cụ thể, nếu trong cùng một gia đình có một người có sỏi thì những người khác cũng sẽ có nguy cơ mắc sỏi cao. Ngoài ra, một số yếu tố khác như lối sống và thói quen ăn uống của các thành viên trong gia đình thường sẽ giống nhau.

Do các bệnh lý khác

Các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, hẹp niệu quản, dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh, phì đại tuyến tiền liệt, béo phì, ít vận động... cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến hình thành sỏi tiết niệu. Ngoài ra, những người đã từng cắt bỏ đoạn ruột dài cũng sẽ dễ hình thành sỏi thận do cơ thể khó hấp thu nước, điện giải và canxi.

Cách điều trị khi bị sỏi tiết niệu

Sỏi thận thường hình thành một cách âm thầm trong cơ thể và không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, việc siêu âm định kỳ có thể giúp phát hiện sỏi trước khi xảy ra biến chứng. Đối với trường hợp sỏi có kích thước nhỏ hơn 5nm hoặc không làm tắc đường tiết niệu, không gây đau và nhiễm trùng... thì không cần điều trị mà chỉ cần uống đủ nước, tập thể dục và uống thuốc tan sỏi.

Trường hợp sỏi gây tắc đường tiết niệu, nhiễm trùng, đau hoặc làm suy giảm chức năng thận dẫn đến các triệu chứng như tiểu ra máu, đau lưng bụng hoặc hông, tiểu buốt, tiểu ra sỏi... cần phải đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị. Phương pháp điều trị sẽ được quyết định dựa trên vị trí sỏi và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Sỏi tiết niệu - căn bệnh thường gặp của người Việt 1
Có nhiều phương pháp điều trị sỏi tiết niệu

Một số phương pháp điều trị sỏi tiết niệu như tán sỏi ngoài cơ thể, lấy sỏi qua da, mổ hở, nội soi tán sỏi ngược dòng... Trong đó, phương pháp nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm được xem là cách hiệu quả nhất để loại bỏ sỏi mà vẫn bảo tồn chức năng thận, không gây sẹo và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Hiện tại, Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng các kỹ thuật điều trị tiết niệu tiên tiến, như phẫu thuật nội soi với sự hỗ trợ của robot và kỹ thuật liên quan đến đường tiết niệu. Điều này đã nâng cao chất lượng điều trị cho người dân và phát triển mạnh ngành điều trị tiết niệu trong nước.

Hy vọng những thông tin chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh sỏi tiết niệu của người Việt, các yếu tố nguy cơ cũng như cách điều trị bệnh. Từ đó, có cách điều chỉnh lối sống lành mạnh để luôn có sức khỏe tốt nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm