Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải biến chứng nặng?

Ngày 04/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nhanh, diễn biến liên tục trong thời gian ngắn. Triệu chứng phổ biến của bệnh là sốt cao, đau đầu, nhức mỏi người,... Vậy khi sốt xuất huyết bị tiêu chảy là biến chứng gì?

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết khi được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ rất nhanh chóng khỏi bệnh, sức khỏe phục hồi. Tuy nhiên trong trường hợp xấu, bệnh nhân vẫn có thể gặp các biến chứng nặng. Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải một trong những biến chứng nguy hiểm không?

Biến chứng thường gặp khi bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Khi đã qua giai đoạn xuất huyết - giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh, bệnh nhân chớ nên chủ quan bởi nguy cơ biến chứng vẫn có thể xảy ra.

Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải biến chứng nặng? 1
Biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết dưới da

Muốn biết sốt xuất huyết bị tiêu chảy là biến chứng nào, bạn cần đi sâu tìm hiểu những biến chứng phổ biến của bệnh. Các biến chứng thường gặp của bệnh sốt xuất huyết là hạ tiểu cầu và cô đặc máu, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các ca tử vong vì không chữa trị sốt xuất huyết kịp thời.

  • Hạ tiểu cầu: Biểu hiện phổ biến nhất là người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ngủ li bì. Triệu chứng khi hạ tiểu cầu khá khó phân biệt với mệt mỏi thông thường nên khiến nhiều người bệnh chủ quan, không theo dõi thường xuyên khiến bệnh chuyển biến nặng và để lại hậu quả nghiêm trọng, điển hình như xuất huyết ồ ạt ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Cô đặc máu: Người bị sốt xuất huyết đến giai đoạn nặng thường bị cô đặc máu, đây là biến chứng thường gặp và có thể xử lý được nếu phát hiện sớm. Cô đặc máu ở người bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện mệt, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn thường xuyên, lơ mơ, kém tỉnh táo,... Biến chứng kéo dài khoảng 24 - 48 giờ tùy tình trạng bệnh nhân.

Giai đoạn hạ sốt là lúc bệnh nhân sốt xuất huyết dễ gặp biến chứng hạ tiểu cầu và cô đặc máu nhất. Khi này, thể tích máu tuần hoàn giảm dẫn đến hạ huyết áp, phản ứng sốc,...

Người bệnh và người chăm sóc tuyệt đối không nên chủ quan, cần đặc biệt theo dõi diễn biến và biểu hiện bệnh, nhất là trong 4 - 7 ngày sau khi phát bệnh. Bác sĩ thường chỉ định người bị sốt xuất huyết xét nghiệm máu mỗi ngày để kịp thời phát hiện bất thường, đến khi bệnh khỏi hẳn.

Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có nghiêm trọng không?

Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải một trong những biến chứng nặng của bệnh hay không? Một số triệu chứng sốt xuất huyết trở nặng như sau:

  • Sốc mất máu: Số lượng tiểu cầu giảm dẫn đến tăng tính thấm mao quản và dẫn đến chảy máu ồ ạt. Bệnh nhân sẽ có phản ứng sốc mất máu, biểu hiện cụ thể như chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết thương hở chảy nhiều máu,...
  • Tràn dịch màng phổi: Khi bệnh nhân sốt mất nước và kém ăn uống, bác sĩ thường chỉ định truyền nước để bù nước và điện giải cho cơ thể. Đến khi bệnh chuyển sang trạng thái nặng hơn, tăng tính thấm thành mạch, dịch tràn ra ngoài gây nên chứng tràn dịch màng phổi. Huyết tương khi tràn ra ngoài thành mạch còn gây biến chứng viêm đường hô hấp, viêm phổi, phù phổi cấp,... rất nguy hiểm.
  • Suy đa tạng: Sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy tim do hiện tượng chảy máu liên tục.
  • Xuất huyết bất thường, rối loạn đông máu: Xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng, rong kinh,... là những biểu hiện khi người bệnh bị rối loạn đông máu. Tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng này chỉ khoảng 1% nhưng vẫn cần theo dõi sát sao.
  • Biến chứng ảnh hưởng đến mắt: Biến chứng đầu tiên phải kể đến là xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính hoặc máu tràn vào buồng dịch kính che lấp tầm nhìn.
Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải biến chứng nặng? 2
Sốt xuất huyết bị tiêu chảy không phải biến chứng bệnh chuyển nặng

Như vậy có thể thấy, sốt xuất huyết bị tiêu chảy không nằm trong những biến chứng nặng của bệnh, bạn có thể yên tâm phần nào rồi nhé. Tuy tiêu chảy không phải biểu hiện nguy hiểm nhưng đau bụng khi đang bị sốt xuất huyết là dấu hiệu của một số biến chứng nặng, cần nhập viện sớm để điều trị kịp thời. Bệnh nhân cần tự theo dõi bệnh tình và báo với người thân hoặc gọi xe cấp cứu khi sốt xuất huyết bị tiêu chảy kèm theo đau bụng, đi ngoài phân đen, chảy máu cam,...

Phương án xử lý khi sốt xuất huyết bị tiêu chảy

Tiêu chảy không phải biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, cũng không phải biến chứng nặng nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu diễn ra trong thời gian dài. Vậy phải làm cách nào khi sốt xuất huyết bị tiêu chảy?

Bù nước: Tiêu chảy khiến người bệnh mất rất nhiều nước và chất điện giải dẫn đến tổn thương niêm mạc, mệt mỏi, khát nước,... khi này, bạn cần uống nhiều nước hơn, bổ sung thêm nước trái cây, nước dừa là tốt nhất.

Dinh dưỡng cân đối: Thức ăn cho người có biểu hiện sốt xuất huyết bị tiêu chảy cần chú ý vệ sinh thực phẩm, không ăn những thức ăn đã để qua đêm, nên ăn các món mềm, dễ tiêu.

Giữ vệ sinh cơ thể: Lau người bằng nước ấm, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thay quần áo thường xuyên,... là cách giúp bạn tránh nhiễm khuẩn đường ruột khiến triệu chứng tiêu chảy nặng hơn.

Nghỉ ngơi: Người bệnh sốt xuất huyết và đặc biệt sốt xuất huyết bị tiêu chảy cần tăng cường nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc và giữ tinh thần thoải mái, hạn chế lo lắng, stress.

Tăng sức đề kháng cho cơ thể: Đề kháng của bệnh nhân sốt xuất huyết thường khá kém nên dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến tiêu chảy. Khi này, bạn có thể chủ động tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh bằng cách ăn sữa chua, các loại trái cây giàu vitamin C, A như bưởi, cam, ổi, kiwi, dâu tây,... Nếu bệnh nhân kém ăn, nôn ói nhiều có thể bổ sung vitamin C qua viên sủi nhưng cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ điều trị.

Sốt xuất huyết bị tiêu chảy có phải biến chứng nặng? 3
Người bị tiêu chảy nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin C

Tóm lại sốt xuất huyết bị tiêu chảy không phải dấu hiệu bệnh chuyển nặng hay gặp biến chứng nặng. Nếu tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm, có kèm theo triệu chứng chảy máu trong, đau bụng, mệt mỏi, li bì, mơ màng,... bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ (nếu đang điều trị tại viện) và đến cơ sở y tế gần nhất (nếu điều trị tại nhà).

Xem thêm: Sốt xuất huyết nên ăn gì và tránh ăn gì để nhanh hồi phục?


Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin