Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Suy giáp sau điều trị phóng xạ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Ngày 26/10/2024
Kích thước chữ

Tuyến giáp là một cơ quan với các mô đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nội tiết. Những mô này có thể bị tổn thương do điều trị bằng phóng xạ, dẫn đến tình trạng suy giáp. Vậy suy giáp sau điều trị phóng xạ là gì và liệu hiện tượng này có gây nguy hiểm hay không?

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém, dẫn đến sản xuất không đủ hormone cần thiết cho cơ thể, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân và da khô. Suy giáp sau điều trị phóng xạ là một tính trạng phổ biến. Tình trạng này đòi hỏi theo dõi và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng.

Suy giáp là gì?

Tuyến nội tiết này nằm ở vị trí trung tâm của cổ và có hình dáng giống chữ H. Nó tiết ra các hormone quan trọng để điều hòa hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như duy trì nhiệt độ, điều hòa nhịp tim và cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Những tác động từ rối loạn miễn dịch hay yếu tố môi trường có thể làm gián đoạn quá trình này, gây ra sự giảm cả về số lượng và chất lượng hormone tuyến giáp. Hiện tượng này được gọi là suy giáp.

Xạ trị là một trong các phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay. Liệu pháp này có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Đối với bệnh ung thư ở vùng đầu, mặt và cổ, tuyến giáp là khu vực dễ chịu tác động từ tia phóng xạ nhất, làm tăng nguy cơ suy giáp sau khi điều trị bằng xạ trị.

 Suy giáp sau điều trị phóng xạ 1
Xạ trị ung thư ở vùng đầu, mặt, cổ khiến cho tuyến giáp dễ bị tổn thương

Tại sao bị suy giáp sau điều trị phóng xạ?

Suy giáp sau điều trị phóng xạ có thể xảy ra theo hai cơ chế đó là viêm tuyến giáp tự miễn và teo tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp tự miễn

Viêm tuyến giáp tự miễn là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến suy giáp sau xạ trị. Những sự kiện lịch sử như thảm họa hạt nhân Chernobyl minh chứng rõ ràng cho tác động của phóng xạ đối với sức khỏe con người, khi sự tiếp xúc với năng lượng này đã gây ra biến đổi ở các tế bào lành tính của tuyến giáp.

Trong lĩnh vực y học, liều lượng phóng xạ hiện nay đã được kiểm soát ở mức tối thiểu cần thiết để điều trị. Các liệu pháp phổ biến bao gồm xạ trị bề mặt (EBRT), iod-131 và nhiều phương pháp khác. Tuy nhiên, tuyến giáp vẫn phản ứng khá nhạy cảm với phóng xạ, dẫn đến nguy cơ suy giáp và tự miễn dịch tuyến giáp sau điều trị.

Teo tuyến giáp

Theo báo cáo của WHO năm 2016, teo tuyến giáp cũng là một nguyên nhân gây suy giáp, tuy ít gặp hơn. Quá trình điều trị với phóng xạ kéo dài hoặc khi liều lượng tăng vượt ngưỡng là yếu tố chính dẫn đến hiện tượng này. Cả hai yếu tố này đều làm suy giảm chức năng của tuyến giáp, khiến nó bị teo. Dù vậy, nguyên nhân này vẫn được coi là hiếm gặp trong cộng đồng.

Tỷ lệ bệnh nhân suy giáp sau điều trị phóng xạ?

Suy giáp được coi là một tác dụng phụ ngoài ý muốn của quá trình điều trị bằng phóng xạ, và thường xuất hiện muộn sau khi điều trị. Phần lớn các trường hợp ban đầu sẽ gặp suy giáp ở mức độ cận lâm sàng, sau đó mới tiến triển thành suy giáp lâm sàng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi năm có khoảng 5-20% bệnh nhân sẽ bắt đầu phát triển suy giáp lâm sàng.

Ngoài ra, nhiều thống kê thực hiện trên bệnh nhân suy giáp sau điều trị iod-131 cho thấy rằng sau 10 năm có khoảng 59% bệnh nhân bị suy giáp, và con số này tăng lên 85% sau 25 năm. Đáng chú ý, liều bức xạ vượt quá 40 Gy không được xem là yếu tố nguy cơ gây suy giáp. Thông thường, suy giáp là kết quả của quá trình điều trị kéo dài.

 Suy giáp sau điều trị phóng xạ 2
Tỷ lệ suy giáp sau điều trị phóng xạ khoảng 5-20% mỗi năm

Dấu hiệu nhận biết suy giáp sau khi điều trị phóng xạ?

Như đã đề cập, nhiều bệnh nhân sẽ trải qua suy giáp cận lâm sàng trước khi tình trạng suy giáp thực sự xảy ra. Những rối loạn nhẹ về chức năng tuyến giáp này chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm chuyên sâu. 

Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân không nhận biết được điều này do họ không thường xuyên kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp. Các dấu hiệu của suy giáp cận lâm sàng thường khó nhận thấy, có thể bao gồm các bất ổn âm thầm trong tim mạch như xơ vữa động mạch hay rối loạn lipid máu.

Suy giáp lâm sàng có các biểu hiện rõ ràng, ảnh hưởng đến toàn cơ thể, chẳng hạn như giảm tốc độ phát triển, trầm cảm, suy nhược tinh thần, và tăng cân dù ăn ít. Các triệu chứng còn thể hiện ở hệ tiêu hóa với các tình trạng như táo bón, chướng bụng. Nếu nghiêm trọng, suy giáp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim và thậm chí suy tim.

Suy giáp sau điều trị phóng xạ 3
Các dấu hiệu của suy giáp cận lâm sàng thường khó nhận thấy

Chẩn đoán và điều trị suy giáp

Suy giáp sau điều trị phóng xạ thường phát triển muộn, khiến người bệnh thường chủ quan về nguy cơ này. Cần lưu ý rằng những bệnh nhân đã trải qua xạ trị có hệ miễn dịch dễ bị tổn thương và nhạy cảm hơn trước các tác động từ môi trường, thậm chí có thể dẫn đến cơ chế tự miễn. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời là vô cùng quan trọng.

Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán suy giáp được thực hiện thông qua lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Xét nghiệm hormone tuyến giáp TSH và fT4 thường được sử dụng, và nếu các giá trị này thấp hơn mức bình thường, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng, thì có khả năng người bệnh đang bị suy giáp.

Phương pháp điều trị

Đối với điều trị suy giáp sau xạ trị, hiện nay, phác đồ điều trị chủ yếu là bổ sung hormone tuyến giáp qua đường uống. Bệnh nhân thường sẽ được chỉ định một viên thuốc mỗi buổi sáng, và liều lượng sẽ được điều chỉnh dựa trên trọng lượng và cơ địa của từng người.

Cùng với quá trình điều trị, bệnh nhân cần thực hiện các cuộc tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, duy trì một lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng. Sự cân bằng giữa chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.

 Suy giáp sau điều trị phóng xạ 3
Tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ

Mặc dù suy giáp sau điều trị phóng xạ thường khởi phát muộn, nhưng điều này không có nghĩa là người bệnh có thể xem nhẹ nguy cơ này. Hiểu rõ sự tiềm ẩn của tình trạng này, bệnh nhân nên theo dõi sức khỏe của mình một cách thường xuyên. Việc tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám ít nhất mỗi 6 tháng là cần thiết để phát hiện sớm không chỉ suy giáp mà còn các nguy cơ sức khỏe khác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin