Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Tác hại của cây thuốc dòi và một số lưu ý cần biết khi sử dụng

Ngày 19/09/2024
Kích thước chữ

Cây thuốc dòi, hay còn gọi là cây bọ mắm, từ lâu đã được biết đến như một loại thảo dược quen thuộc trong y học dân gian, với nhiều công dụng chữa bệnh như giảm ho, tiêu đờm và hỗ trợ điều trị các bệnh về phổi. Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, tác hại của cây thuốc dòi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được sử dụng đúng cách.

Như bất kỳ loại thảo dược nào khác, cây thuốc dòi cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu sử dụng không đúng cách. Việc lạm dụng hoặc dùng không hợp lý có thể gây ra các tác hại đối với sức khỏe, đặc biệt là ở những người có cơ địa nhạy cảm hoặc mắc các bệnh mãn tính. Do đó, hiểu rõ những tác hại của cây thuốc dòi là điều cần thiết để sử dụng thảo dược này một cách an toàn và hiệu quả.

Tìm hiểu về câu thuốc dòi

Cây thuốc dòi, còn được biết đến với các tên gọi như cây bọ mắm, cây bơ nước tương, có tên khoa học là Pouzolzia zeylanica thuộc họ tầm ma (Urticaceae). Đây là một loài cây phổ biến trong tự nhiên, thường mọc hoang ở các khu vực đất ẩm ướt. Cây thuốc dòi có phạm vi phân bố rộng rãi ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây này có thể dễ dàng tìm thấy ở các vùng đất bỏ hoang hay những khu vực đất ẩm cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tác hại của cây thuốc dòi bạn cần biết 1
Cây thuốc dòi thường được phát hiện phổ biến trong tự nhiên ở các vùng đất ẩm ướt

Cây thuốc dòi thuộc loại cây thân thảo, có thân mọc sát mặt đất và chia thành nhiều nhánh nhỏ. Thân cây có lớp lông bao phủ. Lá cây có màu xanh lục, hình dạng trứng với đầu lá thon nhọn và thường mọc so le trên cành. Hoa của cây nhỏ, mọc thành từng chùm và nở quanh năm. Quả của cây có hình trứng, với khía dọc trên bề mặt. Người ta thường thu hái phần thân, nhựa, hoa, và lá của cây để làm thuốc. Cây thuốc dòi được biết đến với nhiều công dụng trong y học cổ truyền như:

  • Hỗ trợ chữa các bệnh về phổi: Ho lâu ngày, ho có đờm, ho do lao.
  • Tiêu viêm và kháng khuẩn: Giảm viêm đường tiết niệu, hỗ trợ điều trị viêm phổi.
  • Giúp làm giảm đau dạ dày: Nhờ khả năng làm dịu các cơn co thắt.
  • Trị dòi trong mắm: Tên gọi "cây thuốc dòi" bắt nguồn từ việc sử dụng cây này để tiêu diệt dòi trong mắm.

Thời điểm thu hái cây thuốc dòi tốt nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, khi cây phát triển mạnh và có dược tính cao nhất. Ngoài các công dụng hỗ trợ trong y học cổ truyền, cũng cần phải lưu ý tác hại của cây thuốc dòi.

Tác hại của cây thuốc dòi

Mặc dù cây thuốc dòi được đánh giá là lành tính và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng khi sử dụng, vẫn cần lưu ý một số tác hại của cây thuốc dòi để tránh những ảnh hưởng không mong muốn.

Thứ nhất, cây thuốc dòi có tính mát, không phù hợp cho những người có cơ địa hàn hoặc tiêu hóa kém. Khi sử dụng, có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy, đặc biệt là ở những người hay bị lạnh bụng hoặc có tiền sử bệnh đường tiêu hóa. Vì vậy, nếu bạn có cơ địa nhạy cảm, cần cân nhắc trước khi dùng.

Tác hại của cây thuốc dòi bạn cần biết 2
Tác hại của cây thuốc dòi thường gặp ở người có cơ địa hàn và tiêu hoá kém gây rối loạn tiêu hoá và tiêu chảy

Thứ hai, việc sử dụng cây thuốc dòi có thể gây mất cân bằng khoáng chất. Do cây thuốc này có tác dụng lợi tiểu, khi uống nhiều có thể làm cơ thể mất cân bằng điện giải vì quá trình đào thải khoáng chất qua nước tiểu tăng lên. Điều này dẫn đến việc cơ thể khó hấp thu đủ lượng khoáng chất cần thiết, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thứ ba, mặc dù là dược liệu lành tính, một số người có thể bị kích ứng da khi tiếp xúc hoặc sử dụng cây thuốc dòi. Biểu hiện bao gồm ngứa, nổi mẩn hoặc viêm da. Do đó, nếu bạn có làn da nhạy cảm, nên thử nghiệm trên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng rộng rãi.

Thứ tư, cây thuốc dòi có thể gây phản ứng dị ứng ở những người có tiền sử dị ứng. Các triệu chứng dị ứng có thể bao gồm mẩn đỏ, ngứa, buồn nôn hoặc nôn mửa. Nếu bạn có cơ địa dễ bị dị ứng, cần cẩn trọng khi sử dụng loại thảo dược này và tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

Thứ năm, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng cây thuốc dòi. Trong giai đoạn mang thai, việc sử dụng loại thảo dược này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí trong một số trường hợp, uống nhiều có thể dẫn đến sảy thai.

Tác hại của cây thuốc dòi bạn cần biết 3
Phụ nữ có thai không sử dụng cây thuốc dòi trong giai đoạn này vì có thể gây ảnh hưởng đến thai kỳ

Cuối cùng, cây thuốc dòi có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường, thuốc chữa bệnh thận hoặc ho lao. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cây thuốc dòi.

Lưu ý khi sử dụng cây thuốc dòi

Khi sử dụng cây thuốc dòi cần lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả tốt nhất:

Trước hết, việc tham vấn từ thầy thuốc có chuyên môn là rất quan trọng. Mỗi người có cơ địa và tình trạng sức khỏe khác nhau, do đó, liều lượng và cách kết hợp dược liệu trong từng bài thuốc cũng cần được điều chỉnh phù hợp. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng cây thuốc dòi để tránh những tác dụng phụ không mong muốn hoặc tương tác thuốc.

Người bị bệnh huyết áp thấp, tiểu đường, hoặc bệnh thận cần thận trọng khi dùng cây thuốc dòi. Loại thảo dược này có thể tương tác với các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng, làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Mặc dù lành tính, nhưng nguy cơ gây dị ứng vẫn tồn tại, đặc biệt đối với những người có tiền sử dị ứng. Các biểu hiện dị ứng thường gặp bao gồm buồn nôn, nôn mửa, và nổi mẩn đỏ. Nếu xuất hiện các triệu chứng này, nên ngừng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi dùng cây thuốc dòi để nấu nước uống giải nhiệt, không nên lạm dụng trong thời gian dài, đặc biệt không kéo dài quá 1 tuần. Việc sử dụng thảo dược này lâu dài có thể gây lợi tiểu quá mức, khiến cơ thể mất chất điện giải, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và uể oải. Nguyên nhân là do cơ thể bị đào thải quá nhiều khoáng chất qua đường tiểu, làm suy giảm khả năng hấp thu khoáng chất.

Phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên dùng cây thuốc dòi. Thành phần trong thảo dược có chất điều kinh, có thể gây co thắt tử cung và dẫn đến sảy thai.

Người có cơ địa hàn không nên sử dụng cây thuốc dòi do tính mát của nó. Những người có vấn đề về tiêu hóa, hay bị lạnh bụng cũng cần tránh dùng, vì có thể gây tiêu chảy và đau bụng. 

Cuối cùng, rửa sạch dược liệu là một bước không thể bỏ qua. Việc loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trước khi sử dụng giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và đảm bảo an toàn vệ sinh.

Tác hại của cây thuốc dòi bạn cần biết 4
Cần sơ chế sạch sẽ và sấy khô nếu cần để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Mặc dù cây thuốc dòi có nhiều lợi ích trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác nhau, nhưng việc sử dụng không đúng cách có thể gây ra những tác hại đáng kể. Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tối ưu, người dùng cần tuân thủ hướng dẫn từ các thầy thuốc có chuyên môn, tránh lạm dụng hoặc sử dụng kéo dài. Hiểu rõ về tính chất và tác hại của cây thuốc dòi sẽ giúp mọi người sử dụng một cách hợp lý, mang lại lợi ích mà không gây hại cho sức khỏe.

Xem thêm:  

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin