Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Phải làm sao để cải thiện tình trạng này?

Ngày 25/11/2024
Kích thước chữ

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, béo phì là nguyên nhân dẫn đến khoảng 2,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài mà còn là yếu tố gây ra hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm cao huyết áp, các bệnh về tim mạch, tiểu đường type 2 và suy giảm chức năng thận. Vậy, tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Phải làm sao để cải thiện tình trạng này để bảo vệ sức khỏe và duy trì vóc dáng?

Béo phì và cao huyết áp là hai vấn đề sức khỏe phổ biến đang ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ cao huyết áp đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu và đặt ra câu hỏi tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ không chỉ giúp giải đáp thắc mắc này mà còn là chìa khóa để tìm ra giải pháp cải thiện sức khỏe, giảm thiểu rủi ro và duy trì một lối sống lành mạnh.

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp?

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Câu trả lời là: Béo phì có thể gây tăng huyết áp bởi khi cơ thể tích tụ quá nhiều mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng, áp lực lên hệ tim mạch gia tăng, khiến tim phải hoạt động mạnh hơn để bơm máu. Điều này làm tăng sức cản trong lòng mạch, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Cơ chế tăng huyết áp do béo phì khá phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố như:

  • Hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm (SNS).
  • Kích thích hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAAS), đây là hệ thống hormone điều hòa huyết áp và cân bằng dịch của cơ thể.
  • Biến đổi các cytokine từ mô mỡ, bao gồm hormone leptin.
  • Tình trạng kháng insulin.
  • Những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của thận.
Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Phải làm sao để cải thiện tình trạng này? 1
Tại sao béo phì lại tăng huyết áp là thắc mắc của nhiều người

Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương đạt từ 90mmHg. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến bệnh tật và tử vong trên toàn cầu. Theo thống kê, có khoảng 65%–78% các trường hợp tăng huyết áp nguyên phát có liên quan đến tình trạng béo phì. Mối liên hệ này đã được chứng minh rõ ràng trong nhiều nghiên cứu y học.

Mối quan hệ giữa béo phì và các bệnh lý tim mạch

Để hiểu rõ hơn tại sao béo phì lại tăng huyết áp thì sau đây là mối quan hệ giữa béo phì và các bệnh lý tim mạch mà bạn đọc nên biết. Theo nghiên cứu của M. Javed Ashraf và cộng sự (2013) về mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tình trạng thừa cân ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch thông qua việc tăng tiết các adipokine từ mô mỡ dư thừa. Các adipokine này, bao gồm leptin, chemerin, resistin và nhiều cytokine khác, đóng vai trò điều chỉnh nhiều chức năng quan trọng như cân bằng năng lượng, đáp ứng miễn dịch, độ nhạy insulin, chuyển hóa lipid, huyết áp, cầm máu và quá trình hình thành mạch máu. Không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp, béo phì còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường type 2 và ngưng thở khi ngủ. Những yếu tố này góp phần đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ suy tim.

Béo phì liên quan đến nhiều bệnh tim mạch, bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành: Làm hẹp mạch máu, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Suy tim: Tim phải làm việc quá sức, dễ dẫn đến phì đại cơ tim và suy tim. Ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng áp lực lên tim và huyết áp.
  • Rung nhĩ: Là yếu tố nguy cơ của nhịp tim bất thường, gây mệt mỏi, khó thở và cục máu đông.
  • Đột tử: Tỷ lệ đột tử ở người béo phì cao hơn so với người cân nặng bình thường.

Việc kiểm soát cân nặng là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Phải làm sao để cải thiện tình trạng này? 2
Béo phì có liên quan đến nhiều bệnh tim mạch

Phải làm sao để cải thiện tình trạng tăng huyết áp ở người béo phì?

Sau khi hiểu rõ nguyên nhân béo phì dẫn đến tăng huyết áp, việc kiểm soát tình trạng này một cách kịp thời là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến sức khỏe. Dưới đây là một số gợi ý giúp người béo phì kiểm soát tình trạng tăng huyết áp hiệu quả:

Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp

Người béo phì bị tăng huyết áp cần tuân thủ các nguyên tắc ăn uống sau:

  • Kiểm soát lượng calo: Hạn chế calo nạp vào dưới mức cơ thể cần, thường chỉ khoảng 70% nhu cầu năng lượng, giúp đốt cháy mỡ thừa và hỗ trợ giảm cân.
  • Đảm bảo dinh dưỡng cân đối: Cung cấp đủ chất xơ, vitamin (như vitamin tan trong dầu), kali, sắt, axit amin,… để tránh thiếu vi chất.
  • Ăn uống hợp lý: Duy trì 3 bữa chính mỗi ngày, tránh ăn thức ăn nhanh.
  • Hạn chế thực phẩm không lành mạnh: Giảm muối, tránh đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và nhiều dầu mỡ. Tăng cường rau củ, trái cây tươi, thịt nạc, cá và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tránh đồ uống có hại: Kiêng bia, rượu, nước ngọt và các loại đồ uống chứa nhiều đường.

Điều chỉnh chế độ ăn uống là bước quan trọng để hỗ trợ kiểm soát cân nặng và huyết áp hiệu quả.

Kiểm soát cân nặng hợp lý

Giảm cân là mục tiêu hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp do béo phì, giúp làm giảm các yếu tố gây bệnh. Mỗi kilogram giảm được có thể giúp huyết áp hạ khoảng 1mmHg, với mức giảm 10kg tương đương hạ trung bình 6mmHg. Phương pháp giảm cân bao gồm thay đổi lối sống, ăn kiêng, phẫu thuật hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, các phương pháp như phẫu thuật và thuốc cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ để tránh rủi ro và tác dụng phụ.

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Phải làm sao để cải thiện tình trạng này? 3
Giảm cân là mục tiêu hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp do béo phì

Thăm khám bác sĩ để được tư vấn

Người bệnh cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ chuyên môn để đảm bảo giảm cân hiệu quả. Dựa trên tình trạng sức khỏe và mục tiêu giảm cân, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về các phương pháp phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc. Người bệnh không nên tự ý áp dụng bất kỳ phương pháp giảm cân nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Rèn luyện thể thao đều đặn

Thay đổi lối sống bằng cách rèn luyện thể thao đều đặn là yếu tố quan trọng để giảm cân hiệu quả. Người béo phì nên tập các bài tập tăng sức bền, với tần suất 3-5 buổi mỗi tuần. Bắt đầu với cường độ thấp và dần dần tăng cường độ cũng như thời gian tập luyện. Ngoài ra, các môn thể thao nhịp nhàng, đều đặn và kéo dài như đi bộ, đạp xe, bơi lội cũng là lựa chọn tốt để duy trì sức khỏe và giảm cân.

Tại sao béo phì lại tăng huyết áp? Phải làm sao để cải thiện tình trạng này? 4
Rèn luyện thể thao đều đặn là một trong những cách giảm cân hiệu quả

Những thông tin trong bài viết trên đã giải đáp cho bạn đọc lý do tại sao béo phì lại tăng huyết áp và cách cải thiện tình trạng này. Tóm lại, béo phì gây tăng huyết áp thông qua các cơ chế như thay đổi hormone và chức năng tim mạch. Để cải thiện tình trạng này, cần giảm cân, ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Thăm khám bác sĩ cũng rất quan trọng để đảm bảo điều trị hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin