Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp?

Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường trong máu do sự khiếm khuyết về tiết hoặc sử dụng insulin. Hậu quả có thể dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt nếu tình trạng đường máu cao kéo dài có thể dẫn đến suy thận, các bệnh về tim mạch và gây tăng huyết áp.

Người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn so với người không mắc bệnh. Tưởng chừng như đái tháo đường và tăng huyết áp là hai bệnh riêng lẻ, độc lập nhưng thực chất cả hai đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vậy tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết này nhé.

Khi nào được xem là tăng huyết áp?

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành mạch. Huyết áp cao là tình trạng tăng áp lực máu dai dẳng lên thành mạch, lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận,…

Bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp thông qua việc đo huyết áp. Người bệnh được xem là bị tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm thu có giá trị > 140/90 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương > 90 mmHg. Ở những người mắc bệnh đái tháo đường, chỉ số huyết áp bằng hoặc dưới 120/80 mmHg được xem là bình thường.

Tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp? 1
Việc đo huyết áp sẽ hỗ trợ xác định tình trạng tăng huyết áp

Tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp?

Khoảng 2/3 người mắc tiểu đường đi kèm với tình trạng tăng huyết áp. Đây là hai vấn đề bệnh lý riêng lẻ, độc lập nhưng tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp? Thực tế, đái tháo đường và tăng huyết áp có mối tương quan đặc biệt. Người bị tăng huyết áp làm cho bệnh đái tháo đường tiến triển nhanh hơn, nguy cơ dẫn đến biến chứng đái tháo đường cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân đái tháo đường thường có huyết áp tăng cao, làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ gấp 2 – 3 lần.

Đái tháo đường gây xơ cứng các mạch máu hay còn gọi là xơ vữa động mạch. Tình trạng tăng đường huyết lâu ngày sẽ gây tổn thương mạch máu, làm cho mạch máu bị thu hẹp lại và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích tụ các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa chủ yếu là cholesterol và chất béo lắng đọng trong mạch máu, làm cho mạch máu trở nên xơ cứng. Hậu quả là mạch máu bị hẹp hơn và tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến tăng huyết áp.

Lý do khác làm tăng huyết áp ở những người bị đái tháo đường là vì ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ và các đơn vị lọc tại cầu thận. Điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, gây giữ muối và nước, từ đó làm tăng huyết áp.

Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường thường đi tiểu thường xuyên hơn dẫn đến mất nước. Cơ thể phản ứng với tình trạng mất nước bằng cách giữ lại nhiều chất lỏng hơn, làm tăng lượng máu trong cơ thể và làm tăng huyết áp.

Tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp? 2
Khoảng 2/3 người mắc đái tháo đường có kèm theo tình trạng tăng huyết áp

Các yếu tố nguy cơ bị tăng huyết áp ở người mắc đái tháo đường

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp thì thực ra đây không phải là yếu tố duy nhất làm xuất hiện tình trạng tăng huyết áp. Tỷ lệ bị đau tim hoặc đột quỵ sẽ tăng theo cấp số nhân nếu bạn có nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.
  • Chế độ ăn nhiều muối, nhiều chất béo.
  • Lối sống ít vận động.
  • Tuổi cao, thừa cân và béo phì.
  • Thói quen hút thuốc lá hay uống quá nhiều rượu, bia.
  • Mắc kèm các bệnh mãn tính như bệnh thận, đái tháo đường hoặc ngưng thở khi ngủ.

Phòng ngừa tăng huyết áp ở người mắc đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường có thể gây tăng huyết áp, tuy nhiên không phải tất cả mọi bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đều sẽ bị huyết áp cao. Việc kiểm soát lượng đường trong máu, duy trì cân nặng hợp lý, thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên và tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Bạn có thể phòng ngừa tình trạng tăng huyết áp bằng cách:

Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi chế độ ăn uống là một trong những biện pháp không dùng thuốc, có thể áp dụng cho cả bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường bằng cách:

  • Bổ sung thức ăn giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau không chứa tinh bột và các loại đậu có thể giúp ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp dồi dào vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và tăng cảm giác no lâu.
  • Giảm tối đa lượng muối đưa vào cơ thể hằng ngày bằng cách ăn nhạt, hạn chế các loại nước chấm sẽ giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp.

Theo ADA, có rất nhiều lựa chọn chế độ ăn uống cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn kiêng DASH (viết tắt của Dietary Approaches to Stop Hypertension) là một chế độ ăn kiêng được thiết kế đặc biệt để giúp giảm huyết áp. Sau đây là những lời khuyên của chế độ ăn kiêng DASH:

  • Ăn nhạt, ít muối, ít chất béo bão hòa, cholesterol và các loại chất béo khác.
  • Ăn nhiều các loại trái cây, rau xanh, hạt và các chế phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo.
  • Ăn nhiều thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm và cá.
  • Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ (như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,...), soda, nước ngọt.
  • Bổ sung đủ kali từ các loại thực phẩm như rau bina, bơ, chuối, khoai lang, khoai tây.
Tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp? 3
DASH – Chế độ ăn tốt cho người tăng huyết áp

Luyện tập thể dục

Tập thể dục không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe tổng thể mà còn có vai trò quan trọng trong kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp cao. Dưới đây là một số lợi ích của việc tập thể dục trong việc kiểm soát các vấn đề này:

  • Tăng cường và duy trì sức khỏe tim mạch: Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường chức năng của tim. Khi bạn tập thể dục, tim phải hoạt động mạnh hơn để cung cấp máu và oxy cho cơ và các cơ quan trong cơ thể. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bao gồm bệnh tim động mạch và cao huyết áp.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Kiểm soát tốt đường trong máu bằng cách cải thiện độ nhạy cảm với insulin.
  • Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm chỉ số HBA1C.

Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập thể dục. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang dùng insulin hoặc thuốc đường uống khác có nguy cơ gây hạ đường huyết.

Điều trị tăng huyết áp ở người mắc đái tháo đường

Bên cạnh các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi chế độ ăn và luyện tập thể dục thì hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp cần sử dụng thuốc để điều trị, nhằm kiểm soát tốt huyết áp và hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng, đặc biệt ở bệnh nhân mắc đái tháo đường. Dưới đây là những loại thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến được sử dụng hiện tại:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Enalapril, perindopril, captopril,….
  • Thuốc ức chế thụ thể: Angiotensin II (ARB): losartan, candesartan,….
  • Chẹn kênh canxi (CCB): Amlodipin,…
  • Chẹn beta (BB): Atenolol, bisoprolol,…
  • Thuốc lợi tiểu: Indapamid, furosemid,…
Tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp? 4
Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp cần sử dụng thuốc để điều trị

Tóm lại, tình trạng tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là lý do tại sao đái tháo đường gây tăng huyết áp. Để giúp huyết áp được ổn định hơn, bệnh nhân đái tháo đường nên thực hiện ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên. Đồng thời tuân thủ cách sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng cách, đúng liều lượng theo bác sĩ chỉ định để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin