Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh viêm VA cho trẻ

Ngày 18/04/2023
Kích thước chữ

VA là bệnh thường gặp ở trẻ em từ 1 - 6 tuổi. Trẻ có thể trải qua khoảng 4 - 6 đợt viêm cấp tính mỗi năm, nếu không chữa trị dứt điểm có thể trở thành mãn tính. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh VA cao nhưng nhiều phụ huynh vẫn chủ quan với các triệu chứng phổ biến ở trẻ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy có cách phòng tránh viêm VA cho trẻ không?

VA là bệnh thường gặp ở trẻ, nếu được điều trị kịp thời thì bệnh không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, một sai lầm phổ biến mà các bậc cha mẹ hay mắc phải là để bệnh tự khỏi hoặc tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, dẫn đến bệnh kéo dài hơn, dễ trở thành mãn tính.

Viêm VA là gì?

Trước khi tìm hiểu cách phòng tránh viêm VA cho trẻ, ba mẹ nên hiểu viêm VA là gì? Viêm VA (viêm họng mũi) là tình trạng bị vi khuẩn, virus tấn công gây viêm nhiễm, làm suy giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể mệt mỏi, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Đây là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến, có thể gây biến chứng đến các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ hoặc sức khỏe của người lớn.

Triệu chứng viêm VA

Viêm VA thường xảy ra ở lứa tuổi mẫu giáo, với tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp trên khoảng 20 - 30%. VA cũng dễ phát triển ở những nơi có khí hậu lạnh, không khí ẩm, mưa. Vì đây là điều kiện lý tưởng cho các loại nấm mốc, vi khuẩn phát triển. 

Triệu chứng viêm VA cấp tính

Trẻ bị viêm VA thường ở độ tuổi từ 1 - 4 tuổi, ít gặp hơn khi trẻ lớn dần. Trẻ bị viêm VA cấp tính thường có các biểu hiện sau: 

  • Thường xuyên bị nghẹt mũi, khó thở, phải há miệng để thở, thở hổn hển và ngủ ngáy. Trẻ nhỏ có thể ngừng bú vì không thở được. 
  • Cơn ho thường xuất hiện sau khi bị nghẹt mũi do chảy nước mũi hoặc khô họng khi thở bằng miệng.
  • Hơi thở hôi, mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc. 
  • Một số bé gặp vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ và tiêu chảy.
  • Trẻ có thể sốt 38 - 39 độ.
  • Nghe kém do tắc màng nhĩ.

Các triệu chứng trên là dấu hiệu của viêm VA không biến chứng, tức là bệnh chỉ viêm nhiễm, không ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Lúc này, đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để ngăn ngừa diễn biến thành mãn tính. Căn bệnh mãn tính hầu như không thể điều trị bằng thuốc và cần sử dụng các thủ thuật xâm lấn khác.

Triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh viêm VA cho trẻ 1
Trẻ bị viêm VA thường ở độ tuổi từ 1 - 4 tuổi do đó ba mẹ phải biết cách phòng tránh viêm VA cho trẻ

Viêm VA mạn tính

VA mãn tính là tình trạng viêm cấp tính tái phát nhiều lần. Lúc này, VA đã mất tác dụng trung hòa vi khuẩn, virus mà thay vào đó là xơ hoá và trở thành môi trường sống lý tưởng của vi khuẩn, virus. Khi trẻ bị viêm VA mãn tính sẽ có các biểu hiện sau: 

  • Chảy máu cam.
  • Do nghẹt mũi nên trẻ ngủ không ngon, quấy khóc, ngủ ngáy và có thể bị ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm. 
  • Rối loạn phát triển khối xương mặt là một biến chứng khi trẻ bị viêm VA mạn tính. 

Nguyên nhân gây viêm VA ở trẻ

VA có nhiệm vụ ngăn cản vi khuẩn, virus xâm nhập vào đường hô hấp nhưng cũng rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, trở thành nơi trú ẩn gây viêm đường thở khi hệ miễn dịch bị suy giảm. Nguyên nhân trẻ bị viêm VA như sau: 

  • VA nằm ở cửa mũi sau, phía trên lưỡi gà, khó thấy ở trẻ em. Nếu chỉ khám vùng mũi họng bằng đèn soi thì khó phát hiện viêm VA.
  • VA là một trong những thành phần cấu trúc của lympho họng, có nhiệm vụ bảo vệ đường hô hấp khỏi vi khuẩn, nấm, virus xâm nhập. Điều này có nghĩa là VA thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh. Do đó, chỉ cần khả năng miễn dịch của trẻ bị suy yếu dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Nếu viêm nhiễm tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến viêm VA mãn tính.
  • Sử dụng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ sẽ dẫn đến kháng thuốc, uống thuốc mãi nhưng không khỏi bệnh. Ngoài ra, việc áp dụng các mẹo trị VA không được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học càng làm tình trạng viêm VA của trẻ trở nên trầm trọng hơn.
  • VA có khả năng tạo ra chất màng để bảo vệ các mô. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc bệnh thì chính khả năng tạo màng này ngăn cản tác dụng của thuốc. Vì vậy, việc dùng thuốc không đúng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Trẻ bị viêm VA có nguy hiểm không?

Viêm VA kéo dài, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Viêm tai giữa: Các bộ phận tai mũi họng thông nhau. Do đó, nếu trẻ bị viêm VA kéo dài, vi khuẩn sẽ nhanh chóng lây lan và gây viêm nhiễm ở các cơ quan xung quanh, trong đó có bệnh viêm tai giữa
  • Viêm mũi, viêm xoang: Cũng giống như tai, mũi, các xoang rất nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh gây ngạt mũi kéo dài còn khiến đầu mũi bị teo dần do không được sử dụng. 
  • Ngoài ra, viêm VA còn gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp khác như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản
  • Vùng mũi họng bị nhiễm khuẩn khiến hàm trên của trẻ kém phát triển. Hệ quả là răng hàm trên của trẻ mọc không đều, hàm to, gây mất cân đối về cấu trúc khuôn mặt và mất thẩm mỹ.
Triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh viêm VA cho trẻ 2
Viêm VA kéo dài, không điều trị đúng cách dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa

Cách điều trị viêm VA ở trẻ

Điều trị viêm VA cấp tính

Trẻ được điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm. Khi cho trẻ dùng thuốc phải tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc hay tăng lượng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. 

Điều trị viêm VA mạn tính

Tùy vào mức độ viêm nhiễm mà bác sĩ chỉ định nạo VA cho trẻ. Trẻ được chỉ định nạo VA trong những trường hợp sau: 

  • Viêm VA tái phát thường xuyên và xuất hiện biến chứng. 
  • VA bị kích thích quá mức, tăng sinh gây nghẹt mũi lâu ngày, không đỡ mặc dù đã dùng thuốc. Có chứng ngưng thở khi ngủ. Khó nuốt và nói. Trường hợp này, khi nội soi cho kết quả viêm VA cấp độ 3, 4. 

Nhiều phụ huynh cho rằng sau khi nạo VA, sức đề kháng của trẻ suy giảm. Nhưng thực tế, khi viêm VA chuyển sang mãn tính thì VA mất đi chức năng tự nhiên và là nơi trú ẩn cho vi khuẩn, lúc này việc nạo VA là cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của trẻ. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng nạo VA, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, nội soi và cân nhắc trước khi thực hiện.

Cách phòng tránh viêm VA cho trẻ

Có thể nói viêm VA ở trẻ em chủ yếu là do nhiễm khuẩn và dị ứng. Vì vậy, tăng cường hệ miễn dịch là cách phòng tránh viêm VA cho trẻ hiệu quả. Ba mẹ nên ngăn ngừa viêm VA ở trẻ như sau:

  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học, ưu tiên các loại rau củ, trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất. 
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục để tăng cường sức khỏe.
  • Dạy trẻ vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách bằng xà phòng. 
  • Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.
  • Vệ sinh môi trường sống thường xuyên, không khí trong lành, thông thoáng.
  • Hạn chế đến nơi đông người, nhất là trong mùa dịch. 
  • Khám và điều trị ngay khi nghi ngờ trẻ có biểu hiện bệnh.
Triệu chứng, điều trị và cách phòng tránh viêm VA cho trẻ 3
Cách phòng tránh viêm VA là tăng sức đề kháng cho trẻ

Trên đây là những thông tin cơ bản bệnh viêm VA và cách phòng tránh viêm VA cho trẻ mà ba mẹ nên biết. Dù VA đã chữa khỏi hay chưa khỏi, ba mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai.

Xem thêm:

Cao Hiếu 

Nguồn tham khảo: tamanhhospital.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin