Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có nguy hiểm không?

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ là một dạng nhiễm trùng thường gặp nhất ở trẻ em. Nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ thường có triệu chứng nặng hơn ở người lớn. Vì vậy, các bậc cha mẹ đều nên tìm hiểu thông tin chi tiết về tình trạng này.

So với nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở người lớn, nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có xu hướng nặng hơn, xảy ra thường xuyên hơn. Các triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột và không kéo dài quá 14 ngày nhưng vẫn làm cho trẻ mệt mỏi, sút cân thậm chí tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em là gì?

Đường hô hấp trên bao gồm xoang, mũi, hầu, họng, tai. Đường hô hấp dưới gồm có khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi. Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở một hoặc một số trong các bộ phận xoang, mũi, hầu, họng, tai. Nhiễm trùng cấp tính thường xảy ra đột ngột, bất ngờ, triệu chứng đến nhanh chóng và thường không kéo dài quá 14 ngày.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Nhưng ở trẻ em, tình trạng viêm đường hô hấp trên này xảy ra phổ biến hơn do hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện. Vậy nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp trên cấp ở trẻ là gì? “Thủ phạm” chính dẫn đến tình trạng này là virus và vi khuẩn.

Thông thường, trong các bộ phận từ mũi, tai, hầu, họng hay xoang của con người đều có một lớp niêm mạc. Lớp niêm mạc này có tác dụng làm ẩm, làm ấm không khí và “bắt giữ” các tác nhân có thế xâm nhập và gây hại cho đường hô hấp như bụi bẩn, virus, vi khuẩn. 

Các lông mao và lớp dịch nhầy tự nhiên tiết ra từ lớp niêm mạc chính là “cái bẫy” giữ lại chúng. Nhưng vì là nơi bắt giữ virus, vi khuẩn nên các lớp niêm mạc này cũng dễ bị chúng tấn công ngược lại và gây viêm nhiễm. Nhiễm trùng đường hô hấp trên đã xảy ra như vậy.

nhiem-trung-duong-ho-hap-tren-o-tre-1.jpg
Trẻ em rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có triệu chứng gì?

Nhiễm trùng đường hô hấp trên không phải tên một bệnh mà là tên một tình trạng có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của đường hô hấp trên. Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang, cảm lạnh,…

Tuy mỗi căn bệnh có những triệu chứng điển hình khác nhau, nhưng các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên cấp đều có chung những dấu hiệu nhận biết như:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ dẫn đến sốt cao từng cơn. Trẻ có thể sốt từ 38 đến 40 độ, thời gian cắt sốt tùy từng trẻ.
  • Các bệnh đường hô hấp trên cấp cũng thường có triệu chứng sổ mũi, chảy nước mũi nhiều. Tùy nguyên nhân gây bệnh mà tính chất dịch mũi sẽ khác nhau. Nếu bệnh xảy ra do virus, dịch mũi thường loãng, trong, chảy nhiều. Nếu bệnh được gây ra bởi vi khuẩn, dịch mũi thường đặc, có màu vàng xanh, có mùi.
  • Khi vi khuẩn theo dịch mũi chảy xuống họng, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau họng, ho nhiều. Có bệnh gây ho khan nhưng cũng có bệnh gây ho nhiều đờm.
  • Khi cơ thể mệt mỏi, trẻ sẽ chán ăn, biếng ăn. Nhiều trẻ ăn vào là nôn khiến trẻ bị mất nước.
  • Vi khuẩn, virus khi đi xuống hệ tiêu hóa sẽ gây rối loạn tiêu hóa. Việc trẻ phải dùng thuốc chữa bệnh, nhất là thuốc kháng sinh, cũng làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
  • Không ít trẻ bị khò khè, khó thở khi bị bệnh đường hô hấp trên cấp.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có thể khác nhau ở từng bé. Nhận biết sớm các dấu hiệu này giúp trẻ được chăm sóc tốt và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.

nhiem-trung-duong-ho-hap-tren-o-tre-2.jpg
Không nên chủ quan với nhiễm trùng hô hấp ở trẻ

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có nguy hiểm không?

Có một thực tế cần thừa nhận, cùng là nhiễm trùng hô hấp trên cấp, nhưng các triệu chứng ở trẻ em thường nặng hơn ở người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp dưới và biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Từ bệnh cảm lạnh vào mùa đông hoàn toàn có thể dẫn đến viêm phổi. Từ viêm đường hô hấp trên có thể dẫn đến viêm cầu thận, thấp khớp cấp, viêm tim, viêm não,…

Khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp, các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan. Nếu được điều trị đúng cách, sức khỏe của trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ kéo dài, gây khó khăn trong điều trị và suy giảm sức khỏe tổng thể của trẻ. 

Trẻ bị tái đi tái lại thường xuyên các nhiễm trùng hô hấp trên thường có thể trạng yếu ớt, chậm phát triển hơn trẻ khác. Khi con bị mắc các nhiễm trùng hô hấp trên cấp, các bậc cha mẹ nên theo dõi sát sao, chăm sóc đúng cách để trẻ nhanh hồi phục.

Chăm sóc trẻ khi nhiễm trùng đường hô hấp trên

Các nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ sẽ nhanh chóng được kiểm soát nếu bé được chăm sóc cẩn thận. Có một số điều các bậc cha mẹ cần lưu ý như:

  • Ngay khi thấy các dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp trên cấp đầu tiên, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp tìm ra nguyên nhân, đánh giá tình trạng bệnh và chỉ định cách điều trị phù hợp với từng bệnh.
  • Khi bị ốm, trẻ sẽ ăn uống kém. Mẹ có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa, ăn đồ ăn lỏng, mềm. Trẻ cũng nên tăng cường uống nước, sữa, nước trái cây để bù nước, bù điện giải nếu bị sốt.
  • Giúp trẻ hoặc hướng dẫn trẻ cách vệ sinh mũi đúng kỹ thuật. Mũi họng được làm sạch hàng ngày bằng nước muối sinh lý sẽ giúp các nhiễm trùng đường hô hấp trên nhanh chóng được kiểm soát.
  • Không để trẻ phải tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn, ẩm mốc, hôi hám. Hãy đảm bảo không gian phòng nghỉ của trẻ có không khí lưu thông, sạch sẽ, thoáng mát.
  • Vào mùa đông, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ đầy đủ. Vào mùa hè, tránh để thân nhiệt trẻ bị thay đổi đột ngột khi đang ngoài nóng vào phòng điều hòa lạnh hoặc ngược lại.
nhiem-trung-duong-ho-hap-tren-o-tre-3.jpg
Trẻ nên được vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý mỗi ngày

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp ở trẻ có thể xảy ra thường xuyên và tái đi tái lại nhiều lần. Tuy nhiên, mỗi lần trẻ mắc bệnh cha mẹ đều phải đưa trẻ đi khám. Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc về chữa bệnh cho trẻ theo kinh nghiệm của bản thân nếu không có chuyên môn y khoa. Việc cha mẹ tự ý cho con dùng thuốc không có chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin