Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Tắm nước nóng có tốt không? Bí quyết tắm đúng cách

Ngày 13/01/2025
Kích thước chữ

Tắm nước nóng không đơn thuần chỉ là làm sạch cơ thể mà tắm nước nóng còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tác dụng của việc tắm nước nóng và một số lưu ý để việc tắm nước nóng phát huy được hiệu quả.

Nhu cầu sử dụng nước nóng hay trang bị bình nóng lạnh để phục vụ việc tắm rửa và vệ sinh, đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe trong những ngày lạnh, ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ vào mùa đông, nhiều gia đình vẫn sử dụng bình nóng lạnh ngay cả trong mùa hè để tắm thay vì dùng nước lạnh. Thói quen tắm nước nóng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và nên được duy trì quanh năm. Đặc biệt, vào những ngày hè, việc tắm nước nóng vào sáng sớm hoặc khuya có thể mang lại nhiều tác dụng tích cực, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.

Tắm nước nóng​ có tác dụng gì với sức khỏe?

Bạn có thể lựa chọn tắm nước nóng, ấm hoặc lạnh tùy theo nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tắm nước nóng mang lại nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe. Để giúp bạn hiểu rõ hơn, dưới đây là những ưu điểm cụ thể khi tắm nước nóng đúng cách và những tác dụng tuyệt vời mà nó mang lại cho sức khỏe.

Thư giãn, giảm stress

Nước nóng giúp thư giãn cơ bắp bằng cách làm giãn nở mạch máu, tăng cường cung cấp oxy cho cơ thể. Điều này giúp giảm đau nhức và mệt mỏi sau các hoạt động thường ngày như đi bộ, leo cầu thang, mang vác đồ hoặc tập thể thao. Ngoài ra, nước nóng còn là chất thư giãn tự nhiên, hỗ trợ giảm viêm và làm dịu cơ bắp bị căng thẳng.

Những người bị viêm khớp dạng thấp, đau khớp hoặc cứng cơ nên tắm nước nóng. Nước nóng thúc đẩy tuần hoàn máu và kích thích các phản xạ cơ bắp, giúp giảm đau tại các khớp, gân và mô liên kết. Nước ấm cũng hỗ trợ điều trị viêm, đó là lý do các nhà vật lý trị liệu thường sử dụng nước nóng trong quá trình xoa bóp hoặc hỗ trợ tập luyện cho bệnh nhân.

Tắm nước nóng có lợi cho sức khỏe không? 1
Tắm nước nóng giúp cơ thể thư giãn sau một ngày dài mệt mỏi

Tăng tuần hoàn máu, giảm đau đầu

Tắm nước ấm mỗi ngày giúp kích thích tuần hoàn máu, làm giãn các dây thần kinh và cải thiện lưu thông máu trong cơ thể. Đặc biệt, với những người thường xuyên bị đau đầu, tắm nước ấm giúp máu lưu thông lên não tốt hơn, giảm các triệu chứng đau đầu và mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.

Có lợi trong kiểm soát đường huyết

Một lợi ích nữa của việc tắm nước nóng là tốt cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Các chuyên gia cho biết, việc tắm nước ấm thư giãn đúng cách trong 15 - 20 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và giảm rõ rệt các triệu chứng cũng như phiền toái do bệnh tiểu đường gây ra. Một nghiên cứu cho thấy tắm nước nóng có thể đốt cháy một lượng calo nhỏ và giảm lượng đường trong máu. Khi ngâm mình trong nước nóng, nhiệt độ cơ thể tăng lên và bạn sẽ đổ mồ hôi. Việc ngâm nước nóng khoảng 15 phút có thể đốt cháy calo tương đương với việc đi bộ trong cùng khoảng thời gian.

Ngủ ngon hơn

Sau khi tắm nước nóng, bạn có thể cảm thấy thư giãn và sẵn sàng ngủ. Khi tiếp xúc với không khí trong lành ngoài phòng tắm, cơ thể bạn sẽ tiết ra melatonin, một hormone giúp dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Melatonin thường được sử dụng để điều chỉnh múi giờ, nhưng bạn cũng có thể tự điều chỉnh múi giờ một cách tự nhiên bằng cách tắm nước nóng trước khi đi ngủ.

Giảm nghẹt mũi, thông thoáng đường thở

Xông hơi nước nóng là cách tự nhiên hiệu quả để thông mũi, giúp khoang mũi và xoang sạch sẽ, đồng thời làm dịch nhầy tiết ra nhiều hơn. Đặc biệt, vào mùa chuyển mùa, tắm nước ấm giúp bạn dễ chịu hơn và giảm cảm giác tắc nghẽn mũi. Nếu bạn bị viêm xoang hoặc dị ứng, tắm nước nóng là liệu pháp tuyệt vời.

Tắm nước nóng có lợi cho sức khỏe không? 2
Bạn có thể cảm thấy tình trạng nghẹt mũi được cải thiện nhiều sau khi tắm nước nóng

Hỗ trợ giảm cân

Tin vui cho những ai thừa cân là tắm nước nóng mỗi ngày giúp kích thích tuần hoàn máu ở các vùng có mỡ thừa như bắp tay, bụng, đùi, hông… Khi kết hợp với chế độ ăn uống khoa học và luyện tập điều độ, việc tắm nước nóng sẽ hỗ trợ giảm mỡ thừa và giúp quá trình giảm cân trở nên hiệu quả hơn.

Loại bỏ độc tố

Nước nóng giúp loại bỏ vi khuẩn và tạp chất trên cơ thể hiệu quả hơn nước lạnh, khi lỗ chân lông mở ra và cơ thể thoát nước, đào thải độc tố. Tắm nước nóng kích thích hệ tuần hoàn và bạch huyết, giúp bạn thư giãn và khỏe mạnh. Để đạt hiệu quả tốt, hãy tắm nước nóng 10 - 15 phút ít nhất một lần mỗi tuần, trước khi ngủ. Bạn có thể dùng thời gian này để thiền, suy ngẫm hoặc lập kế hoạch cho ngày hôm sau.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Thư giãn trong bồn tắm nước nóng giúp giãn mạch máu, cải thiện lưu thông và giảm huyết áp, từ đó làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng như đau tim hoặc đột quỵ. Một nghiên cứu kéo dài 20 năm tại Nhật Bản, nơi việc tắm nước nóng đã được công nhận từ lâu, cho thấy những người tắm nước nóng hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 28%. Tuy nhiên, tắm nước nóng không thể thay thế lối sống lành mạnh và các phương pháp điều trị y tế cho các vấn đề tim mạch hoặc huyết áp cao.

Ngăn ngừa mụn trứng cá

Tắm nước nóng từ bình nóng lạnh giúp mở rộng lỗ chân lông, từ đó đào thải các chất bẩn dưới da, giúp mụn trứng cá nhanh lành và mang lại làn da sáng khỏe hơn.

Các tác hại khi tắm nước nóng cần lưu ý

Dưới đây là một số tác hại khi tắm nước nóng không đúng cách:

Làm hỏng lớp biểu bì tóc

Nước nóng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lớp biểu bì tóc của bạn. Tóc chứa keratin, một loại protein giúp bảo vệ tóc khỏi hư tổn và gãy rụng. Tắm nước nóng trong thời gian dài có thể làm tổn thương cấu trúc tóc, tăng nguy cơ rụng tóc.

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Tắm nước nóng hàng ngày có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Một nghiên cứu trên 11 nam giới cho thấy rằng, trong số 5 người ngừng tắm nước nóng, số lượng tinh trùng của họ tăng tới 491% so với những người vẫn tắm nước nóng hàng ngày, vì tinh hoàn tạo ra ít tinh trùng trong môi trường nóng.

Làm khô da

Tắm nước nóng có thể làm ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ tự nhiên của da. Mặc dù nước nóng loại bỏ bụi bẩn hiệu quả, nhưng nó cũng làm mất đi những thành phần bảo vệ da, khiến da dễ bị khô. Vì vậy, bạn nên thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm. Những người mắc bệnh về da như chàm hoặc vảy nến cần tránh tắm với nước quá nóng.

Tắm nước nóng có lợi cho sức khỏe không? 3
Tắm nước nóng nhiều có thể gây khô da

Ngứa da

Người có làn da khô thường cảm thấy ngứa trong mùa đông và tắm nước nóng có thể làm da khô hơn. Nếu không dưỡng ẩm kịp thời, da sẽ ngứa nhiều hơn. Để giảm tình trạng này, bạn nên tắm với nước ấm thay vì nước nóng để giữ cho làn da luôn đủ ẩm và tươi sáng.

Tắm nước nóng thế nào là tốt cho sức khỏe?

Tắm nước nóng mang lại nhiều lợi ích, nhưng chỉ khi bạn tắm đúng cách. Hãy ghi nhớ những lưu ý dưới đây để tránh những tác hại không mong muốn.

  • Để bảo vệ da và tránh sốc nhiệt, bạn nên tắm nước nóng ở nhiệt độ vừa phải, khoảng 38 độ C. Nhiệt độ này giúp kích thích hệ thần kinh giao cảm và có tác dụng an thần.
  • Ngâm nửa thân dưới trong nước nóng giúp cải thiện lưu thông máu và đào thải độc tố qua mồ hôi.
  • Khi tắm, hãy bắt đầu từ mắt cá chân và dần ngâm lên đến ngực để cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ. Đồng thời, giữ áp lực nước ở mức vừa phải để thư giãn cơ thể và giảm mệt mỏi.
  • Sau khi tắm, uống một cốc mật ong ấm giúp duy trì cân bằng điện giải và bảo vệ cơ thể khỏi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
  • Hãy chuẩn bị một chiếc khăn khô và một chiếc áo choàng tắm để giữ ấm cơ thể sau khi tắm.
Tắm nước nóng có lợi cho sức khỏe không? 4
Nên tùy chỉnh nhiệt độ nước ở mức độ thích hợp để tránh sốc nhiệt

Tóm lại, tắm nước nóng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng ngoài việc lưu ý khi tắm, bạn cũng nên biết cách áp dụng đúng cách để tránh những tác hại không đáng có. Với những kiến thức trên, bạn có thể hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tắm nước nóng và cách tắm sao cho tốt cho sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin