Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tạng phế là gì? Tạng phế có chức năng gì và bệnh lý thường gặp ở tạng phế

Ngày 18/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong Đông y, tạng phế chủ về hô hấp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì chức năng hô hấp của con người. Ngoài ra, tạng phế còn có những chức năng gì? Các bệnh ở tạng phế có triệu chứng thế nào? Làm sao để tạng phế luôn khỏe mạnh?

Trong Đông y, tạng phế là một trong “ngũ tạng” của cơ thể, nằm trong lòng ngực, chủ về hô hấp. Trong Y học hiện đại, tạng phế chính là phổi. Trong phạm vi bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về các chức năng của tạng phế cũng như triệu chứng khi mắc bệnh ở tạng này.

Tạng phế là gì trong học thuyết tạng phủ?

Học thuyết Tạng phủ là một học thuyết quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về sinh lý cũng như bệnh lý của cơ thể theo quan điểm của Y học cổ truyền. Theo học thuyết này, căn cứ vào chức năng sinh lý, tạng trong cơ thể con người có 3 phần gồm: Nội tạng (tạng), cơ quan bên ngoài (phủ) và các cơ quan cần duy trì ổn định (phủ kỳ hằng).

Nội tạng trong cơ thể có “ngũ tạng” (tức 5 tạng) và bao gồm: Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận. Như vậy, tạng phế là một trong 5 cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Phế chủ hô hấp, là nơi trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài, có tác dụng túc giáng, tuyên phát, khai khiếu ra mũi, ngoài hợp bì mao. Tạng phế thuộc hành thủy, cũng là nơi trao đổi dịch trong cơ thể với thận, tỳ, bàng quang, đại tràng, tiểu tràng. Phế nằm trong lồng ngực, trên liền cuống họng và là nguồn trên của dòng nước trong cơ thể. Đường kinh mạch của tạng phá bắt đầu từ trung tiêu tức (cuống phổi) đi ngang dưới nách, dọc theo cánh tay ra đầu ngón tay cái.

Tạng phế là gì? Tạng phế có chức năng gì? Triệu chứng bệnh ở tạng phế 1
Tạng phế thuộc hành thủy trong học thuyết tạng phủ

Tạng phế có chức năng gì?

Mỗi tạng trong cơ thể lại giữ những chức năng quan trọng khác nhau. Dưới đây là một số chức năng cơ bản của tạng phế:

Tạng phế chủ hô hấp

Tạng phế là nơi trao đổi khí giữa môi trường bên ngoài và cơ thể thông qua hành động hít thanh khí, thải trọc khí. Tạng phế có liên quan đến tông khí. Tông khí được tạo ra do khí của thức ăn từ tạng tỳ vị đưa lên kết hợp với khí từ môi trường do phế đưa vào.

Tâm khí được đưa vào tâm mạch để đẩy huyết đi nuôi dưỡng các bộ phận trên toàn cơ thể. Khi phế khí khỏe mạnh, con người có thể hít thở bình thường, hô hấp thông thoáng. Phế khí hư dẫn đến thở ngắn, thở gấp, thở phát ra tiếng. Phế khí úng gây đau tức ngực, hen suyễn khó thở. Phế khí nghịch sinh ho, thậm chí ho ra máu.

Tạng phế chủ túc giáng, tuyên phát

Tuyên phát là sự thúc đẩy khí huyết và tân dịch đến toàn thân, bên ngoài đi ra bì mao cơ nhục, bên trong đi vào các tạng phủ. Phế khí không tuyên gây ứ trệ với triệu chứng khó thở, tức ngực, ngạt mũi. Túc giáng là đưa phế khí đi xuống. Khi phế khí nghịch lên trên, uất tại tạng phế sẽ gây khó thở, ho, suyễn tức.

Tạng phế chủ bì mao

Trong Đông y, tạng phế cũng chủ bì mao (phần bên ngoài - nơi ngoại tà xâm nhập vào bên trong cơ thể). Sự tuyên phát của tạng phế giúp chất dinh dưỡng được vận chuyển đến bì mao. Vệ khí được tuyên phát ra bì mao có tác dụng chống lại ngoại tà. Ngoại tà thường phạm vào tạng phế trước gây cảm bởi ngoại tà. Khi phế khí hư yếu, không tuyên phát ra bì mao, da lông lưa thưa, thô ráp khiến cơ thể dễ bị cảm bởi ngoại tà.

Tạng phế là gì? Tạng phế có chức năng gì? Triệu chứng bệnh ở tạng phế 2
Tạng phế có chức năng vô cùng quan trọng với sức khỏe con người

Tạng phế chủ thông điều thủy đạo

Chức năng tuyên phát và túc giáng của tạng phế giúp nước trong cơ thể được bài tiết ra qua hơi thở, mồ hôi, nhị tiện nhưng qua đường nước tiểu là chủ yếu. Tạng phế đưa nước xuống thận. Tại đây nước được khí quá và một phần đưa xuống bàng quang (nước tiểu) và đào thải ra bên ngoài cơ thể qua tiểu tiện. Khi phế khí không tuyên thông, tiểu tiện sẽ không thuận lợi.

Tạng phế và mối quan hệ với tổ chức khí quan, tạng phủ

Tạng phế cũng giống như các tạng khác trong ngũ tạng, có mối liên hệ đặc biệt với các tổ chức khí quan khác trong cơ thể. Cụ thể là:

  • Tạng phế khai khiếu ra mũi bởi mũi giúp hơi thở phát ra từ phế. Phế khí bị cản trở khiến người bệnh bị ngạt mũi, chảy nước mũi.
  • Tạng phế thông với họng và giúp con người phát ra tiếng nói. Khí phế hư gây mất tiếng, khản giọng, ngứa họng. Phế nhiệt gây sưng đau họng, nhiều đờm, hen suyễn.

Trong mối quan hệ với các tạng phủ, tạng phế tương sinh với tỳ thận, tương khắc với tâm can và biểu lý với đại trường. Cụ thể là:

  • Tạng phế biểu lý với đại trường: Đại trường chứa đựng, bài tiết chất cặn bã của thức ăn sau quá trình tiêu hóa. Tạng phế tân không phân bố được gây khó đại tiện.
  • Tạng phế tương sinh với thận tỳ: Kim không sinh thủy gây phế hư rồi dẫn đến thận âm không đủ. Thổ không sinh kim gây chứng tỳ vị hư nhược rồi dẫn đến phế hư.
  • Tạng phế tương khắc với tâm can: Kim khắc mộc dẫn đến chứng phế thực, sau đó xuất hiện chứng can khí uất trệ. Hỏa khắc kim gây chứng can hỏa bốc lên sau dẫn đến phế nhiệt. Tạng phế có bệnh thường khiến người bệnh nóng rét, rét run, ho xuyên.
Tạng phế là gì? Tạng phế có chức năng gì? Triệu chứng bệnh ở tạng phế 3
Tạng phế có bệnh biểu hiện ra các tổ chức khí quan và tạng phủ khác

Tạng phế và những triệu chứng bệnh thường gặp

Tạng phế có vấn đề sẽ gây ra các triệu chứng liên quan đến thực - hư - nhiệt - hàn. Cụ thể, một số triệu chứng điển hình của tạng phế khi mắc bệnh đó là:

  • Triệu chứng về thực: Đầy tức ngực, khó thở, thở gấp, ho có mủ, ho có đờm đặc.
  • Triệu chứng về hư: Thở yếu, khô da, giọng nói nhỏ yếu ớt, ra nhiều mồ hôi, sợ lạnh, triều nhiệt, đạo hãn, ho ra máu.
  • Triệu chứng về nhiệt: Người sốt cao, mắt đỏ, cánh mũi phập phồng, đau họng, ho ra máu.
  • Triệu chứng về hàn: Ho, khó thở, sợ lạnh, có đờm loãng, chảy nhiều nước mũi.

Làm thế nào để tạng phế luôn khỏe mạnh?

Để tạng phế luôn khỏe mạnh, bạn có thể tập thở sâu, uống nhiều nước, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao mỗi ngày, kiểm tra phổi định kỳ. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn có thể ưu tiên sử dụng các thực phẩm tốt cho phổi. Đông y có một số vị thuốc, bài thuốc có tác dụng bổ phế như:

  • Siro quất đường phèn, kẹp quất có tác dụng bổ khí, dưỡng âm, bổ phổi, giảm ho đờm, giảm hen suyễn.
  • Mộc nhĩ tính bình, vị ngọt nhạt có thể hỗ trợ chữa viêm khí phế quản, lao phổi, suy nhược cơ thể, miệng khô, họng nóng rát, bụng cồn cào. Mộc nhĩ cũng có tác dụng giải độc, hoạt huyết, bổ khí huyết, tốt cho bệnh nhân bị di chứng phổi sau các bệnh do virus gây ra.
  • Mật ong tính bình, vị ngọt, có tác dụng nhuận phế, giải độc, bảo vệ ngũ tạng, dưỡng tỳ vị, trị ho mãn tính, ho ra máu, tăng cường chức năng phổi.
  • Tang diệp có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, thanh phế nhuận táo, chữa đau rát họng, chữa ho đờm vàng.
  • Ngân nhĩ bổ huyết dưỡng khí, nhuận phế, chữa ho khan, đau rát họng, phục hồi chức năng phổi.
Tạng phế là gì? Tạng phế có chức năng gì? Triệu chứng bệnh ở tạng phế 4
Cần áp dụng biện pháp bảo vệ, tăng cường chức năng tạng phế

Tạng phế chủ hô hấp - một trong những hoạt động sống quan trọng hàng đầu của cơ thể con người. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta đều nên áp dụng các biện pháp để duy trì tạng phế khỏe mạnh, phòng ngừa tổn thương, giảm nguy cơ mắc bệnh ở tạng phế.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin