Tế bào gốc stem cell là gì? Ứng dụng của tế bào gốc trong đời sống
Ngày 06/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Lưu trữ tế bào gốc được xem là một biện pháp “bảo hiểm sinh học” trọn đời. Nó giúp phòng ngừa và chữa trị nhiều loại bệnh nghiêm trọng cho trẻ em và gia đình. Tế bào gốc stem cell gồm những loại nào và ứng dụng của nó trong y học ra sao?
Tế bào gốc, còn được gọi là stem cell, đã cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn sâu hơn về cấu trúc cơ thể con người và quá trình hình thành cũng như phát triển của nhiều loại bệnh. Nhờ đó, họ có cơ sở để tìm ra các phương pháp điều trị bệnh một cách hiệu quả và áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực thẩm mỹ. Vậy tế bào gốc stem cell là gì?
Tế bào gốc stem cell là gì?
Tế bào gốc stem cell hay tế bào mầm là tế bào mang khả năng đặc biệt, chúng có thể biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thực hiện các chức năng cụ thể trong một loại mô nào đó. Đặc tính quan trọng của tế bào gốc là khả năng tự làm mới và khả năng biệt hóa nhanh chóng. Trong quá trình thực hiện phân bào, tế bào gốc tạo ra các tế bào con nhưng vẫn giữ nguyên được tính gốc (tự làm mới) hay biệt hóa thành các loại tế bào khác với các chức năng cụ thể (biệt hóa).
Tế bào gốc có thể được xem như là khối xây dựng chính của mọi sinh vật. Đa số, trong quá trình phân chia, tế bào gốc sẽ tự làm mới bản thân. Vì vậy, các nhà khoa học thường sử dụng chúng để thay thế hoặc sửa chữa những tổn thương trên cơ thể con người khi cần thiết.
Phân loại tế bào gốc
Dựa trên nguồn gốc, tế bào gốc stem cell được phần thành các loại như sau.
Tế bào gốc phôi
Tế bào gốc phôi (ESC) là các tế bào đa năng xuất hiện từ giai đoạn sớm của phôi đến giai đoạn phôi nang. Chúng có khả năng biệt hóa cao, tuy nhiên, để thu được tế bào gốc phôi, phải tiến hành tách chúng từ phôi nang. Mặc dù được tạo ra một cách nhân tạo, việc sử dụng tế bào gốc phôi vẫn gặp phải những vấn đề đạo đức và hiện chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu.
Tế bào gốc trưởng thành
Tế bào gốc trưởng thành (ASC) tồn tại trong các mô trưởng thành và không gây ra tranh cãi đạo đức như tế bào gốc phôi. Mặc dù có khả năng biệt hóa thấp hơn so với tế bào gốc phôi nhưng tế bào gốc trưởng thành vẫn được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu và ứng dụng y học. Cụ thể, tế bào gốc trưởng thành được sử dụng chủ yếu trong hai lĩnh vực là tạo máu và trung mô. Tế bào gốc tạo máu có thể thu được từ máu ngoại vi, tủy xương và máu dây rốn, trong khi tế bào gốc trung mô có thể được thu từ mô dây rốn, tủy xương và mô mỡ.
Tế bào gốc từ mô dây rốn
Tế bào gốc từ mô dây rốn chứa nhiều loại tế bào gốc khác nhau, gọi chung là tế bào gốc nhũ nhi, bao gồm tế bào gốc biểu mô, trung mô và nội mô. Mỗi loại tế bào gốc từ mô dây rốn đều có khả năng biệt hóa thành các loại tế bào trong hệ thống cơ thể, như tế bào trong hệ thần kinh, xương, sụn và da, giúp trong việc điều trị các bệnh lý ở các cơ quan tương ứng. Trong số các loại này, tế bào gốc trung mô MSCs là loại được nghiên cứu và thử nghiệm nhiều nhất. Tế bào MSCs từ mô dây rốn có nhiều ưu điểm, bao gồm thu thập không gây tổn thương, số lượng lớn, dễ tăng sinh và tế bào non trẻ. Tuy nhiên, việc thu thập và lưu trữ tế bào gốc từ mô dây rốn cần phải được thực hiện ngay sau khi em bé được sinh ra và được bảo quản ở điều kiện thích hợp cho đến khi sử dụng.
Tế bào gốc từ máu dây rốn
Tế bào gốc từ máu dây rốn chứa nhiều trong máu dây rốn, có thể sử dụng cho ghép tế bào gốc tạo máu thay thế cho việc ghép tủy xương. Tương tự như tế bào MSCs từ mô dây rốn, tế bào gốc từ máu dây rốn cũng cần phải được thu thập và lưu trữ ngay sau khi vừa sinh em bé ra. Tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn đã được ứng dụng trong điều trị với hơn 80 loại bệnh khác nhau. Hiện nay, việc sử dụng tế bào gốc từ máu dây rốn trong điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo liên quan đến hệ tạo máu đã chấp thuận bởi FDA.
Tế bào gốc đa năng cảm ứng
Tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC), hay là tế bào gốc đa năng nhân tạo, được tạo ra từ tế bào soma hoặc tế bào sinh dưỡng đã được tái lập trình trở lại thành tế bào gốc nhờ sự cảm ứng bằng các yếu tố phiên mã. Tế bào iPSC có tiềm năng ứng dụng rất lớn, tuy nhiên, chi phí rất đắt đỏ, do đó, hiện tế bào này vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu.
Ứng dụng của tế bào gốc trong đời sống
Tế bào gốc được ứng dụng trong lĩnh vực y học và thẩm mỹ như sau.
Đối với nền y học
Tế bào gốc đã mang lại nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực y học. Nhờ vào ứng dụng công nghệ tế bào gốc, các chuyên gia y tế có thể hiểu sâu hơn về cơ thể con người và cơ chế của các bệnh lý. Điều này giúp họ phát triển và tạo ra những tế bào khỏe mạnh để thay thế cho những tế bào bị tổn thương một cách hiệu quả.
Ngoài ra, tế bào gốc cũng được áp dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp y tế. Một ví dụ điển hình là sản phẩm băng vết thương BC-A Gel của thương hiệu mỹ phẩm sinh học Geneworld, sử dụng công nghệ tế bào gốc. Sản phẩm này đã chứng minh hiệu quả trong việc xử lý và làm lành vết thương một cách nhanh chóng, giảm thiểu sự hình thành sẹo sau phục hồi.
Trong ngành thẩm mỹ
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng dịch chiết từ tế bào gốc, có nguồn gốc từ cả động vật và thực vật có thể mang lại nhiều cải tiến đáng kể cho sức khỏe của làn da và giúp làn da trở nên đẹp hơn.
Trong lĩnh vực thẩm mỹ, việc áp dụng công nghệ tế bào gốc tự nhiên hoặc sử dụng dịch chiết từ tế bào gốc (thường từ các loài thực vật hoặc từ nhung hươu) đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho quá trình tái tạo, phục hồi và làm đẹp làn da. Các sản phẩm serum tái tạo da, các sản phẩm kích thích tái sinh tế bào và các sản phẩm phục hồi da đều được sản xuất với công dụng vượt trội của dịch chiết từ tế bào gốc, giúp cải thiện chất lượng và tình trạng của làn da một cách hiệu quả.
Bài viết trên đã chia sẻ về tế bào gốc stem cell. Có thể thấy, đây là một loại tế bào tiềm năng, có nhiều ưu điểm vượt trộn đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Hy vọng bài viết trên của Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tế bào gốc và những lợi ích mà nó mang lại.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.