Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Thắc mắc: Tiểu đường ăn bánh mì được không?

Ngày 23/02/2023
Kích thước chữ

Với người mắc bệnh tiểu đường, chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng khi một số loại thực phẩm có thể khiến mức đường huyết cơ thể tăng cao. Vậy “Tiểu đường ăn bánh mì được không?”, hãy đọc bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Nếu không may bạn phải “chung sống” với căn bệnh tiểu đường, việc quyết định hôm nay ăn gì trở thành vấn đề tương đối phức tạp. Bởi một số loại thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate có thể làm tăng mức độ đường huyết. Trong đó, bánh mì là một trong những thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao. Vậy “Tiểu đường ăn bánh mì có được không?”

Để đi tìm lời giải cho câu hỏi này, đầu tiên chúng ta cần xem xét chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường cần những gì? Cũng như hàm lượng dinh dưỡng có trong bánh mì.

Chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường

Thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhìn chung, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức đường huyết và lượng chất béo nạp vào trong cơ thể với người mắc bệnh tiểu đường. Bởi khi bị tiểu đường, cơ thể của người bệnh sẽ không thể tạo ra đủ hoặc sử dụng insulin hiệu quả như bình thường. Điều này khiến lượng đường trong máu của người bệnh gia tăng đột biến. Ngoài ra, bệnh tiểu đường cũng khiến cholesterol và chất béo trung tính trong cơ thể tăng cao.

Tiểu đường ăn bánh mì được không? 01

Tháp dinh dưỡng cho người bị tiểu đường

Carbohydrate, theo các chuyên gia dinh dưỡng, là một trong ba chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên, với người mắc tiểu đường, đây lại có tác nhân chủ yếu khiến lượng đường trong máu tăng cao và việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn bởi khi carbohydrate phân huỷ và đi vào cơ thể sẽ trở thành đường trong máu.

Bởi vậy, những người bị tiểu đường cần sử dụng những loại thực phẩm chứa carbohydrate chất lượng, tức làm carbohydrate có chỉ số đường huyết trong khoảng trung bình hoặc thấp. Đồng thời, người bệnh cũng cần áp dụng lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ.

Tiểu đường ăn bánh mì được không? 02

Người bệnh tiểu đường cần áp dụng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh

Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường:

  • Ăn uống vừa đủ, không quá no cũng không nên ăn quá ít để đường huyết ở mức ổn định, đồng thời cơ thể đảm bảo có đủ năng lượng cho các hoạt động hằng ngày.
  • Ăn 4 bữa mỗi ngày gồm 3 bữa chính và 1 bữa phụ buổi tối nhằm đảm bảo đêm không bị đói và bị hạ đường huyết.
  • Ăn đúng giờ.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
  • Không chỉ ăn tập trung một loại thực phẩm.
  • Không nên quá kiêng khem, vẫn nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo đủ các nhóm chất.

Hàm lượng carbohydrate trong bánh mì là bao nhiêu?

Trong bánh mì chứa hàm lượng cao carbohydrate với một lát bánh mì trắng trung bình 13gr, bánh mì ngũ cốc là 17gr và bánh mì chua là 18gr. Dưới đây là bảng thành phần chi tiết hàm lượng dinh dưỡng của 3 loại bánh mì khác nhau:

 

Bánh mì trắng

Bánh mì ngũ cốc

Bánh mì chua

Khẩu phần

1 lát (25gr)

1 lát mỏng (33gr)

1 lát nhỏ (32gr)

Calo

67

92

93

Tổng lượng chất béo

1gr

2gr

0,6gr

Carbs

13gr

17gr

18gr

Chất đạm

2gr

3gr

4gr

Chất xơ

0,6gr

2gr

1gr

Thiamine

8% RDI

7% RDI

9% RDI

Folate

7% RDI

5% RDI

12% RDI

Natri

7% RDI

5% RDI

9% RDI

Mangan

6% RDI

31% RDI

8% RDI

Selen

6% RDI

18% RDI

12% RDI

Vitamin B2

5% RDI

4% RDI

5% RDI

Niacin

5% RDI

7% RDI

8% RDI

Sắt

5% RDI

6% RDI

6% RDI

Tiểu đường ăn bánh mì được không?

Nhìn chung, việc “Tiểu đường ăn bánh mì được không?” còn phụ thuộc nhiều vào loại bánh mì mà người bệnh sử dụng. Bởi khi nhìn qua bảng thành phần của bánh mì và những thông tin về chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường có thể thấy người bị tiểu đường vẫn có thể ăn bánh mì nhưng chỉ ăn một số lượng vừa phải cần có sự theo dõi để đảm bảo chỉ số đường huyết luôn ở mức cho phép.

Trong số các loại bánh mì, người bệnh tiểu đường nên ăn các loại bánh mì ngũ cốc bởi loại bánh mì này chứa hàm lượng chất xơ cao góp phần làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu, cân bằng mức đường huyết của cơ thể. Việc bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống hằng ngày của người bị tiểu đường cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh lý hoặc các vấn đề liên quan tới tim mạch, nuôi dưỡng các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột qua đó cải thiện vấn đề về tiêu hoá.

Tiểu đường ăn bánh mì được không? 03

Người bị tiểu đường có thể ăn bánh mì nhưng phải tuân thủ số lượng nhất định

Ngoài ra, để có được loại bánh mì ngũ cốc nguyên chất nhất thì bạn có thể tự làm bánh tại nhà để kiểm soát được chính xác lượng đường cho vào bánh cũng như có thể chủ động được việc bổ sung thêm chất xơ hoặc protein.

Bên cạnh bánh mì ngũ cốc, người bệnh tiểu đường có thể sử dụng thêm một số loại bánh mì khác, gồm:

  • Bánh mì sandwich nhiều hạt: Đây là loại bánh mì chứa nhiều carbohydrate nhưng được bổ sung thêm ngũ cốc nguyên hạt chưa tinh chế và rất giàu chất xơ. Khi lựa chọn bánh mì, người bệnh nên tìm các loại bánh có chứa kiều mạch, hạt quinoa, gạo lứt, lúa mạch, yến mạch,... trong thành phần.
  • Bánh mì Tortillas ít carbohydrate: Bánh Tortillas là loại bánh mì phù hợp với bệnh nhân tiểu đường bởi chứa các thành phần ít carbohydrate như bột protein đậu nành, đạm whey,... và có hàm lượng chất xơ cao. 

Để bữa ăn trở nên phong phú và đa dạng hơn, người bệnh tiểu đường có thể “biến tấu” hoặc kết hợp bánh mì với một số loại thực phẩm như ăn kèm với thịt gà nạc, cà chua băm nhỏ hoặc mứt trái cây nguyên chất, phô mai, sốt mayo ít béo,...

Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc “Tiểu đường ăn bánh mì được không?”. Điều quan trọng trong việc lựa chọn thực phẩm của người bệnh tiểu đường chính là nắm rõ hàm lượng carbohydrate và chất béo nạp vào cơ thể trong mỗi bữa ăn. Hiểu rõ được điều đó cùng hàm lượng dinh dưỡng của mỗi loại bánh mì sẽ giúp bạn lựa chọn được loại bánh mì phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bản. Nếu vẫn chưa rõ về lượng calo và lượng carbohydrate cần nạp vào cơ thể trong mỗi bữa ăn hãy gặp ngay bác sĩ chuyên khoa và các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chi tiết nhất.

Tú Anh 

Nguồn tham khảo: Alobacsi.com, Vinmec.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin