Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tham khảo các cách trị giời leo ở miệng nhanh nhất

Ngày 17/07/2023
Kích thước chữ

Bệnh giời leo ở miệng là một tình trạng xảy ra khi hệ miễn dịch trở nên suy yếu và không thể chống lại virus gây bệnh. Mặc dù không có phương pháp chữa khỏi tuyệt đối cho bệnh giời leo, tuy nhiên việc điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và rút ngắn thời gian nhiễm trùng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về giời leo ở miệng và các biện pháp hiệu quả để điều trị giời leo ở miệng giúp làm giảm triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Nếu đang quan tâm đến vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bạn nhé!

Giời leo ở miệng là gì?

Virus varicella-zoster đã được xác định là nguyên nhân gây bệnh giời leo ở miệng. Sau khi trải qua bệnh thủy đậu, virus này có thể tiếp tục tồn tại trong cơ thể suốt nhiều năm sau khi bệnh đã được điều trị khỏi. Khi hệ thống miễn dịch yếu và thuận lợi, virus varicella-zoster tấn công các dây thần kinh và gây viêm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Khi virus ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh trên mặt, nó có thể gây ra bệnh giời leo ở môi, miệng, mắt hoặc gần tai.

Một số yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc bệnh giời leo ở miệng bao gồm:

  • Hệ miễn dịch suy giảm cơ thể khó khăn trong việc kiểm soát virus varicella-zoster, từ đó tạo điều kiện cho bệnh giời leo phát triển.
  • Tiền sử mắc bệnh thủy đậu: Nếu trước đó bạn đã từng mắc bệnh thủy đậu, virus varicella-zoster vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể tái phát dưới dạng bệnh giời leo khi hệ miễn dịch yếu.
  • Căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh giời leo.
  • Không khí lạnh, có độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của virus varicella-zoster, gây ra bệnh giời leo ở miệng.
  • Môi trường sống bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém có thể tăng nguy cơ mắc bệnh giời leo do virus varicella-zoster lây lan và gây nhiễm trùng.
gioi-leo-o-mieng-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-khac-phuc-1.jpg
Giời leo ở miệng do virus varicella-zoster gây ra

Triệu chứng xuất hiện khi bị giời leo ở miệng

Bệnh giời leo ở miệng có những đặc điểm lâm sàng đặc trưng, bao gồm sự xuất hiện của các nốt mụn nước nhỏ trên môi, viền môi, lưỡi, và có thể lan đến vòm họng. Những nốt mụn nước có những đặc điểm sau:

  • Chứa dịch màu trắng đục trong mụn.
  • Có thể hình thành thành nhóm và gộp lại thành một nốt lớn.
  • Khi vỡ ra, mụn nước sẽ rỉ dịch và có thể lan sang các vùng da xung quanh, gây nhiễm trùng.
  • Khu vực bị nổi mụn nước thường bị sưng đỏ, có thể gây đau và không thoải mái.

Bên cạnh các triệu chứng ở vùng miệng, bệnh giời leo ở miệng cũng có thể gây ra một số dấu hiệu toàn thân, bao gồm:

  • Sưng to của các hạch dưới hàm hoặc cổ.
  • Đau miệng gây khó khăn khi ăn uống hay nói chuyện.
  • Đau họng.
  • Đau đầu.
  • Có thể sốt nhẹ.
  • Cơ thể mệt mỏi.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân, triệu chứng của bệnh giời leo ở miệng có thể biểu hiện ra mức độ khác nhau. Thường thì bệnh có xu hướng nặng hơn và kéo dài lâu hơn ở những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm như những người mắc HIV/AIDS, ung thư, hoặc trạng thái mất ngủ kéo dài.

gioi-leo-o-mieng-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-khac-phuc-2.jpg
Giời leo ở miệng đặc trưng bởi các mụn nước nhỏ xung quanh miệng

Các biện pháp nhanh nhất giúp điều trị giời leo ở miệng

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh giời leo thường không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau vài tuần mà không cần sử dụng thuốc. Dưới đây là một số cách trị giời leo tự nhiên mà nhiều người thường áp dụng để giảm các triệu chứng của bệnh:

Sử dụng mật ong

Theo y học cổ truyền, mật ong được cho là có tác dụng giải độc, kích thích tiêu hóa, chống viêm, chữa lành lở loét và mụn nhọt ngoài da. Ngoài ra, mật ong cũng được biết đến với hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú, giúp cải thiện sức đề kháng và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới, làm lành tổn thương ở miệng nhanh chóng hơn.

Cách sử dụng:

  • Rửa sạch khu vực da bị tổn thương và thấm khô bằng một khăn mềm.
  • Sau đó, lấy một ít mật ong nguyên chất và thoa nhẹ lên các nốt mụn bằng một tăm bông.
  • Để mật ong thấm vào da trong khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch với nước. Mỗi ngày nên thực hiện 2 - 3 lần để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng tinh dầu tràm

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh dầu tràm có khả năng kháng lại nhiều loại virus và vi khuẩn gây bệnh. Để giúp giảm viêm da và giảm các triệu chứng khó chịu, bạn có thể thử áp dụng mẹo sau:

  • Lấy vài giọt tinh dầu tràm và pha loãng với nước đun sôi để nguội hoặc sử dụng dầu dừa theo tỷ lệ 1:1.
  • Thoa một lớp mỏng hỗn hợp này lên khu vực bị nổi mụn nước trên môi hoặc những vùng da bị ảnh hưởng ở miệng.
  • Sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ và để qua đêm. Rửa sạch lại vào sáng hôm sau.
gioi-leo-o-mieng-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-khac-phuc-3.jpg
Tinh dầu tràm giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu do giời leo gây ra

Sử dụng đậu xanh

Đậu xanh đã lâu được sử dụng để trị giời leo ở miệng nhờ vào tác dụng thanh nhiệt, giải độc và tiêu viêm. Ngoài ra, đậu xanh cũng là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng giàu protein, kali và các vitamin B, C, E. Những dưỡng chất này có khả năng giúp lành tổn thương ở miệng nhanh chóng.

Cách thực hiện:

  • Lấy 1 thìa đậu xanh còn nguyên vỏ và rửa sạch.
  • Cho đậu xanh vào cối và giã nát, sau đó trộn đều với một ít nước gạo để tạo thành một hỗn hợp sền sệt.
  • Thoa một lớp mỏng đậu xanh lên khu vực bị bệnh và đảm bảo phủ kín. Để hỗn hợp trên da trong vòng 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước ấm.
  • Thực hiện cách này khoảng 3 lần mỗi tuần. Khi thấy mụn nước đã đóng vảy và da không còn đỏ nữa, bạn có thể ngưng sử dụng.

Những thực phẩm không nên ăn khi bị giời leo ở miệng

Trong quá trình bị bệnh, hạn chế tiêu thụ những thực phẩm có thể làm tăng các triệu chứng và làm trầm trọng hơn bệnh giời leo ở miệng, bao gồm:

  • Thực phẩm giàu Arginine: Gà tây, sườn lợn, ức gà, hạt bí, lạc, đậu nành rang, sô-cô-la... Những thực phẩm này chứa nhiều Arginine có thể kích thích sự phát triển của bệnh giời leo ở miệng.
  • Sản phẩm từ ngũ cốc được tinh chế: Bánh quy, bánh mì trắng và các sản phẩm tinh chế khác làm tăng nồng độ đường trong máu, gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của tổn thương.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Mì gói, xúc xích, cá hộp và các thực phẩm chế biến sẵn khác chứa nhiều muối, chất béo và chất bảo quản độc hại. Sử dụng quá nhiều trong thời gian bị bệnh có thể làm bệnh giời leo ở miệng, môi hoặc bất kỳ khu vực nào trên cơ thể phát triển nặng hơn.
  • Rượu và các đồ uống có cồn: Rượu và các đồ uống có cồn khác có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, vì vậy cần tránh sử dụng khi bị bệnh giời leo ở miệng.
gioi-leo-o-mieng-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-khac-phuc-4.jpg
Tránh sử dụng rượu bia và thức uống có cồn cho người bị giời leo

Người bị giời leo ở miệng cần chú ý điều gì?

  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày và súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên để làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
  • Để giảm đau, bạn có thể chườm bọc đá hoặc khăn lạnh lên khu vực tổn thương trong khoảng 15 - 20 phút.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn nước và kiên nhẫn để chúng tự vỡ. Việc chạm vào mụn nước có thể gây bể mụn và lây lan dịch tiết sang các vùng da khác trên cơ thể. Đặc biệt, khi trẻ bị bệnh giời leo ở miệng, cha mẹ nên đeo găng tay khi chăm sóc và bôi thuốc cho bé để tránh lây nhiễm virus. Virus giời leo có thể ủ bệnh và phát triển thành bệnh thủy đậu khi xâm nhập vào da của người lành.
  • Tránh sử dụng chung khăn mặt, ly uống nước, bàn chải đánh răng, chén, thìa, đũa với người khác để tránh lây nhiễm.
  • Hạn chế việc tô son môi hoặc sử dụng phấn trang điểm trên khu vực tổn thương.
  • Khi mụn nước đã đóng vảy, bạn có thể bôi vaseline để làm mềm vảy và ngăn chặn nứt môi.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm kiến thức về cách trị giời leo ở miệng nhanh nhất. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các phương pháp điều trị giời leo ở miệng tại nhà, nếu các triệu chứng không giảm hoặc bệnh lan rộng đến các vùng sau tai, mắt hoặc toàn thân thì bạn nên đi khám và tuân theo đơn thuốc được chỉ định bởi bác sĩ.

Bên cạnh đó, bạn nên nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin Shingrix để phòng ngừa bệnh zona thần kinh (giời leo) nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin